Triển khai nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đăng ngày 03 - 11 - 2017
100%

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, trong 2 năm 2016 và 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc khó khăn.

Đến nay cả nước đã cấp được 96,6% diện tích cần cấp giấy chứng nhận với tổng diện tích trên 23,37 triệu ha các loại đất chính

Nhiều biện pháp để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc khó khăn được tích cực triển khai thực hiện, trong đó phải kể đến việc Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để kiểm tra, xác định vướng mắc, hướng dẫn giải quyết tháo gỡ; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; rà soát thủ tục hành chính. Song song với đó, Bộ đã lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định để thực hiện cấp giấy; ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý, giải quyết các phản ánh của người dân theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết về Bộ.

Đặc biệt, việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, như: quy định xử lý đối với các trường hợp mua bán đất đai viết tay từ ngày 1/7/2004 đến 1/1/2008; quy định xử lý đối với các trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước đây; quy định giải quyết đối với trường hợp giấy tờ nhà đất của đơn vị quốc phòng giao đất cho cán bộ, chiến sỹ làm nhà ở trước ngày 15/10/1993 theo Chỉ thị 282/CT-QP ngày 11/7/1991 của Bộ Quốc phòng; cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp có diện tích tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất..., quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong việc cung cấp giấy tờ đang lưu trữ tại cơ quan mình để phục vụ cho công tác cấp giấy chứng nhận.

Bộ cũng đã tổ chức phổ biến, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện. Các địa phương nhất là một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã đây tập trung triển khai nhiều giải pháp để đây nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận (như Hà Nội đã ban hành Chỉ thị của Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận).

Kết quả, đến nay cả nước đã cấp được 96,6% diện tích cần cấp giấy chứng nhận với tổng diện tích trên 23,37 triệu ha các loại đất chính và trên 42,8 triệu giấy chứng nhận (tăng 1,7% so về diện tích và hơn 01 triệu giấy so với thời điểm cuối năm 2016). Đối với, diện tích đất chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận, các địa phương thực hiện việc đăng ký theo quy định của pháp luật để quản lý.

Ngoài ra, phải kể đến một số tồn tại, hạn chế chính qua tổng hợp kết quả 3,4% diện tích còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận, tồn đọng do người dân chưa kê khai đăng ký chiếm 34,1%; do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ ngày 01/01/2008 trở về sau, đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất chiếm 10,7%; phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không nộp và không có nhu cầu ghi nợ chiếm 5,4%; hồ sơ chưa hoàn thành thủ tục chia thừa kế chiếm 5,2%; đất lấn chiếm giao trái thẩm quyền không phù hợp quỵ hoạch chiếm 3,6%; chưa hoàn thành thủ tục báo cáo rà soat hiện trạng sử dụng đất chiếm 0,98%; còn lại là các trường hợp như: đất công ích nằm trong cùng thửa đất, sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật, tranh chấp đất đai, vướng trong xác định hạn mức đất ở...

Nguyên nhân còn tồn đọng diện tích chưa hoàn thành cấp giấy chứng nhận

Đối với đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp: Chưa thực hiện triệt để việc rà soát, sắp xếp, xác định ranh giới, mốc giới, giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai và xây dựng phương án sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Nhiều trường hợp cơ quan, đơn vị sử dụng diện tích lớn như các nông trường, lâm trường, trường bắn, trường học, sân bay đã cho thuê, cho mượn đất trái phép hoặc để bị lấn, chiếm hoặc giao đất chồng lấn lên đất của tổ chức, cá nhân khác gây tranh chấp từ nhiều năm qua chậm được giải quyết. Đối với đất sản xuất nông nghiệp, vi phạm chủ yếu là tình trạng tự khai hoang, phá rừng để sản xuất nông nghiệp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều nơi người dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa hoặc cây hàng năm khác sang đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản không phù hợp quy hoạch được duyệt.

Đối với đất ở: Đất ở có nguồn gốc từ việc giao trái thẩm quyền nhưng chưa thực hiện việc bàn giao đất về địa phương để quản lý (cơ quan giao trái thẩm quyền còn tồn tại hoặc đã giải thể). Nhiều trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật như chuyển mục đích sử dụng trái phép, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công việc giải quyết phức tạp, đặc biệt là ở các đô thị. Nhiều trường hợp mua bán nhà ở theo Nghị định số 61-CP ngày 05/7/1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở (nay là Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước) cần phải giải quyết xong thủ tục mua bán nhà mới giải quyết được thủ tục cấp giấy chứng nhận trong khi đó việc giải quyết thủ tục mua bán nhà qua cơ quan xây dựng còn chậm trễ. Quy định về hạn mức công nhận, hạn mức giao đất áp dụng tại một số địa phương còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng là một cản trở việc cấp giấy chứng nhận do nhiều trường hợp số tiền phải nộp vượt quá khả năng của người sử dụng đất.

Đối với đất chuyên dùng: chủ yếu là do chưa thực hiện triệt để việc rà soát, xác định ranh giới, mốc giới, giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai và xây dựng phương án sử dụng đất.

Việc tổ chức triển khai thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận ở một số địa phương vẫn còn những điểm bất cập như: Một số địa phương chưa ban hành đầy đủ các quy định hướng dẫn thi hành pháp luật đất đai và quy chế phối hợp trong công tác cấp giấy chứng nhận (Quy chế phổi hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận như xây dựng, thuế, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan tài nguyên và môi trường); một số địa phương đã ban hành quy định giải quyết nhưng có một số thủ tục không phù hợp với quy định của pháp luật, tạo sự nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục; một số nơi khi giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cách hiểu về quy định pháp luật chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan trong việc giải quyết các thủ tục vế cấp giấy chứng nhận. Một bộ phận người sử dụng đất chưa nhu cầu cấp giấy chứng nhận.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chính sách tài chính về đất đai liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận lần đầu

Một số kiến nghị, giải pháp cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới như giảm hoặc miễn nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp đã thanh lý, hóa giá nhà trước ngày 15/10/1993 nhưng giấy tờ thanh lý không thể hiện việc nộp tiền sử dụng đất, thanh lý nhà có giá trị của đất; Trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 không thu tiền sử dụng đất (kể cả trường hợp không có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất). Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận; có chế tài xử lý cán bộ gây nhũng nhiễu trong việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận; Chỉ đạo tổ chức triển khai việc thanh tra công vụ để làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận. Các địa phương cần rà soát, thống kê, phân loại các trường hợp tồn đọng chưa cấp giấy chứng nhận lần đầu theo từng loại đất và nhóm nguyên nhân và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về khối lượng tồn đọng và lý do chưa được cấp giấy chứng nhận. Đồng thời với việc chỉ đạo cấp giấy chứng nhận cần tập trung xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai để từng bước đưa công tác quản lý đất đai theo hướng hiện đại; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thường xuyên: định kỳ hàng quý, các địa phương cần cập nhật kết quả giải quyết cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với các trường họp tồn đọng về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp; tăng cường tuyên truyền phố biến chính sách pháp luật đất đai liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận.

Tin mới nhất

Siết chặt quản lý đất đai(12/04/2023 8:01 SA)

Xin ý kiến tham gia cho dự thảo Quyết định của UBND tỉnh (14/07/2021 1:43 CH)

Phê duyệt chủ trương đầu tư Khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng mở rộng Văn Miếu Xích Đằng(14/06/2019 2:16 CH)

Hưng Yên kiên quyết xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp (30/05/2019 2:11 CH)

Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tiên Lữ: thông báo hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(24/01/2019 9:30 SA)

Bộ trưởng TNMT: Phải tính đến đất đai cho thế hệ tương lai(12/01/2019 4:58 CH)

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng kiểm tra việc chuyển đổi cây trồng và cấp giấy chứng nhận...(10/01/2019 11:07 SA)

Hưng Yên: sửa đổi bổ sung bảng giá đất ban hành kèm theo quyết định số 21/2014/QĐ/UBND ngày...(02/01/2019 9:32 SA)

Sở Tài nguyên và Môi trường: Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(18/12/2018 10:02 SA)

Hưng Yên: Năm 2019 sẽ thanh tra nhiều Chủ tịch huyện về sử dụng các nguồn kinh phí(13/12/2018 10:14 SA)

°
124 người đang online