Thủ tục khi người dân xin cấp “sổ đỏ”

Đăng ngày 13 - 02 - 2017
100%

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân. Những cải cách về luật pháp, thủ tục hành chính đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

* Hai trường hợp cấp sổ đỏ

Theo quy định hiện hành, việc cấp sổ đỏ cho người dân được chia thành 2 trường hợp: Cấp sổ đỏ lần đầu và cấp đổi sổ đỏ (đăng ký biến động đất đai).

Đối với trường hợp cấp sổ đỏ lần đầu, người dân cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo đúng quy định và nộp tại Phòng Địa chính, trực thuộc UBND xã, phường, thị trấn (nơi có đất). Đây cũng là nơi hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ, viết giấy hẹn và trả sổ đỏ cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Nương, cán bộ địa chính xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, theo các quy định trong luật, người dân muốn xin cấp sổ đỏ thì cần có hồ sơ xin cấp sổ đỏ lần đầu.

Hồ sơ này gồm những giấy tờ cơ bản sau: Một là, đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (theo mẫu). Đơn này, người dân sẽ được phát tại nơi nhận hồ sơ. Hai là, giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất (bản gốc). Ba là, các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính (bản sao).

Trong đó, giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất gồm một trong số các loại giấy như: Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; Giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất; Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; Giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật…

Ngoài ra, giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất còn có các loại giấy tờ khác được xác lập trước 15/10/1993 như:  Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18/12/1980;  Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp; Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập; Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho người lao động trong nông trường, lâm trường để làm nhà ở (nếu có)…

Tuy nhiên, thực tế, có rất nhiều trường hợp người dân không được cấp sổ đỏ vì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất. Đối với những trường hợp trên, bà Nương cho biết: Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định “gỡ nút thắt” này cho người dân. Cụ thể, những trường hợp không có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất, người dân vẫn có thể được cấp sổ đỏ. Khi đó, nếu người dân không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất, thì sẽ bổ sung thêm vào hồ sơ văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận người dân phải sử dụng diện tích đất đó ổn định từ trước ngày 01/7/ 2004, không có tranh chấp và phù hợp với các quy hoạch tại địa phương.

Cấp đổi sổ đỏ thế nào?

Còn đối với việc cấp đổi sổ đỏ (đăng ký biến động đất đai) thì thủ tục có phần dễ dàng hơn. Theo bà Nguyễn Thị Loan, cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội cho biết: Người dân muốn làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ (đăng ký biến động đất đai), trước hết phải có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thừa kế, quà tặng hợp pháp. Có nghĩa là những hợp đồng này phải được công chứng hoặc chứng thực. Sau khi có hợp đồng hợp pháp, người dân tiến hành chuận bị hồ sơ xin cấp đổi. Hồ sơ gồm: Đơn cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; Hợp đồng chuyển nhượng đất, cho thừa kế, quà tặng; Tờ khai thuế thu nhập cá nhân; Tờ khai lệ phí trước bạ nhà đất.

Bà Loan cho biết thêm, khi tiến hành thủ tục xin cấp đổi sổ đỏ, người dân chỉ cần đến Văn phòng đăng ký đất đai huyện. Tại đây, người dân sẽ được cán bộ đất đai hướng dẫn cụ thể về cách khai, nộp hồ sơ đất đai. Toàn bộ những giấy tờ trong hồ sơ, (trừ hợp đồng chuyển nhượng, cho thừa kế, quà tặng đất đai), đều có có mẫu sẵn và được phát miễn phí cho người dân.

Theo nhiều cán bộ địa chính, với những thủ tục hành chính nhanh, gọn và dễ hiểu như trên, nếu tuân thủ đúng, người dân hoàn toàn có thể tự mình chuẩn bị hồ sơ, từng bước thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ lần đầu và xin cấp đổi sổ. Từ đó, sẽ hạn chế và tiến tới chấm dứt nhiều hành vi tiêu cực trong quá trình làm sổ, đặc biệt là nạn “cò sổ đỏ” vẫn thường diễn ra hiện nay.

Tin mới nhất

Siết chặt quản lý đất đai(12/04/2023 8:01 SA)

Xin ý kiến tham gia cho dự thảo Quyết định của UBND tỉnh (14/07/2021 1:43 CH)

Phê duyệt chủ trương đầu tư Khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng mở rộng Văn Miếu Xích Đằng(14/06/2019 2:16 CH)

Hưng Yên kiên quyết xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp (30/05/2019 2:11 CH)

Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tiên Lữ: thông báo hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(24/01/2019 9:30 SA)

Bộ trưởng TNMT: Phải tính đến đất đai cho thế hệ tương lai(12/01/2019 4:58 CH)

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng kiểm tra việc chuyển đổi cây trồng và cấp giấy chứng nhận...(10/01/2019 11:07 SA)

Hưng Yên: sửa đổi bổ sung bảng giá đất ban hành kèm theo quyết định số 21/2014/QĐ/UBND ngày...(02/01/2019 9:32 SA)

Sở Tài nguyên và Môi trường: Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(18/12/2018 10:02 SA)

Hưng Yên: Năm 2019 sẽ thanh tra nhiều Chủ tịch huyện về sử dụng các nguồn kinh phí(13/12/2018 10:14 SA)

°
69 người đang online