Hưng Yên: Tái cơ cấu nông nghiệp từ tích tụ ruộng đất

Đăng ngày 24 - 02 - 2017
100%

Trong quá trình giao ruộng năm 1993, để bảo đảm các hộ đều có ruộng tốt-xấu, cao-thấp, xa-gần… nên các cánh đồng đã bị “xẻ” thành các ô, thửa có diện tích nhỏ. Khi đó bình quân mỗi hộ dân có tới 8-9 thửa, thậm chí hơn 10 thửa ruộng. Mặc dù số thửa của mỗi hộ dân đã giảm trong quá trình sản xuất và thực hiện dồn thửa đổi ruộng nhưng theo đánh giá chung thì ruộng đất vẫn còn khá manh mún.

Thu hoạch khoai tây bằng máy ở xã Đại Đồng (Văn Lâm)
Thu hoạch khoai tây bằng máy ở xã Đại Đồng (Văn Lâm)
Tình trạng ruộng đất manh mún, xé lẻ, mỗi nơi một mảnh trở thành rào cản lớn nhất đối với việc đưa máy xuống đồng. Ruộng nhỏ khiến máy móc không thể sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả dẫn đến mất nhiều công lao động, chi phí sản xuất tăng cao, hiệu quả sản xuất thấp. 
 
Tại một số nơi, do sản xuất nông nghiệp không có lãi dẫn đến nông dân bỏ ruộng. Ruộng nhỏ, manh mún cũng khiến doanh nghiệp kém mặn mà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, việc hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản gặp khó khăn. 
 
Do vậy, tích tụ ruộng đất là xu thế tất yếu để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của quỹ đất nông nghiệp hiện có. 
 
Huyện Văn Giang là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Ngay từ năm 2000, đặc biệt là sau dồn thửa đổi ruộng năm 2003, nhiều thửa ruộng lớn đã hình thành. Song song với đó là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ, các diện tích trồng rau màu, hoa, cây cảnh dần thay thế cho cây lúa, cây ngô đã đem lại thu nhập cao cho người trồng. Tuy nhiên, để sản xuất các loại cây này đòi hỏi vốn, kỹ thuật, nhân lực trong khi không phải gia đình nào cũng đáp ứng được. 
 
Trước thực tế đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, nông dân các địa phương của huyện đã chủ động dồn đổi, thuê đất, mượn đất, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, từ đó đã hình thành những ô, thửa ruộng lớn rộng hàng nghìn m2, thậm chí chục nghìn m2; nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có giá trị như: Quất cảnh Văn Giang, Cam Vinh Văn Giang… 
Trồng cam tại đất bãi phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên)
Trồng cam tại đất bãi phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên)
Ông Trần Hồng Phúc, thôn Mễ Sở, xã Mễ Sở (Văn Giang) chia sẻ: “Trước đây khi chia giao ruộng năm 1993, mỗi khẩu chỉ được nhận hơn sào ruộng, cả nhà có vài sào lại manh mún nhiều thửa ở nhiều cánh đồng. Sau này, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện dồn đổi ruộng, gia đình tôi đã dồn đổi toàn bộ diện tích của gia đình về một thửa và thuê thêm đất của các hộ khác. Hiện tại, gia đình tôi đang sở hữu vườn cam có diện tích khoảng 1 mẫu. Nhờ đưa về một thửa, gia đình tôi đã tập trung đầu tư trồng cây có giá trị, giảm tối đa chi phí nhằm tăng thu nhập. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình tôi thu được 1-2 trăm triệu đồng”.
 
Không có điều kiện như nông dân huyện Văn Giang, anh Phùng Văn Tân, thôn Văn Ổ, xã Đại Đồng (Văn Lâm) lại có hướng đi khác trong tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất. 
 
Qua tìm hiểu, khảo sát đồng ruộng, anh đã xin ý kiến chính quyền các địa phương và tới làm việc trực tiếp với các hộ nông dân để mượn đất, thuê đất canh tác theo hướng hiện đại. Sau nhiều buổi làm việc, thương thuyết với các hộ dân, từ năm 2015, anh bắt đầu thực hiện việc làm giàu từ nông nghiệp. 
 
Anh mượn đất, thuê đất theo từng cánh đồng với các thửa liền kề nhằm tăng cường khả năng đưa máy móc vào sử dụng. Vụ đông năm 2016, tổng diện tích đất anh mượn, thuê để canh tác đã lên tới trên 100 mẫu tại các xã Chỉ Đạo, Đại Đồng, Lạc Đạo. 
 
Anh tập trung trồng các loại cây như: Khoai tây, ngô ngọt. Toàn bộ quy trình canh tác từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch đều được anh sử dụng máy móc, nhờ vậy, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. 
 
Những mô hình dồn đổi, tích tụ ruộng đất đã và đang hình thành tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Tâm lý giữ ruộng của nhiều nông dân vẫn còn khiến đất nông nghiệp ở một số địa phương bị bỏ hoang, canh tác kém hiệu quả nhưng người dân, doanh nghiệp lại khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất. Xu hướng góp ruộng trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo quy trình đồng bộ, khép kín còn chưa được phổ biến. 
 
Chính điều này khiến việc tích tụ ruộng đất nhằm hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản kém bền vững. 
 
Anh Phùng Văn Tân, xã Đại Đồng chia sẻ: “Tôi rất muốn có cơ chế chính sách để việc thuê ruộng, nhận chuyển nhượng ruộng hoặc góp ruộng với nông dân được thuận lợi, bền vững. Việc thuê đất, mượn đất theo mùa vụ như hiện nay rất bấp bênh, không ổn định khiến tôi chưa yên tâm đầu tư vào sản xuất. Đất nông nghiệp manh mún với ô thửa nhỏ cũng khiến tôi vất vả hơn trong việc đàm phán, thương thuyết với các hộ nông dân. Mỗi hộ có 1-2 sào nên để thuê được vùng sản xuất 1 – 2 ha tôi phải đàm phán với vài chục hộ”. 
 
Chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. 
 
Ông Bùi Thế Cử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền là một giải pháp quan trọng để tái cơ cấu nông nghiệp. Với những hiệu quả ban đầu của các mô hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh cho thấy: Việc tích tụ, tập trung ruộng đất là bước đi cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Tin mới nhất

Siết chặt quản lý đất đai(12/04/2023 8:01 SA)

Xin ý kiến tham gia cho dự thảo Quyết định của UBND tỉnh (14/07/2021 1:43 CH)

Phê duyệt chủ trương đầu tư Khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng mở rộng Văn Miếu Xích Đằng(14/06/2019 2:16 CH)

Hưng Yên kiên quyết xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp (30/05/2019 2:11 CH)

Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tiên Lữ: thông báo hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(24/01/2019 9:30 SA)

Bộ trưởng TNMT: Phải tính đến đất đai cho thế hệ tương lai(12/01/2019 4:58 CH)

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng kiểm tra việc chuyển đổi cây trồng và cấp giấy chứng nhận...(10/01/2019 11:07 SA)

Hưng Yên: sửa đổi bổ sung bảng giá đất ban hành kèm theo quyết định số 21/2014/QĐ/UBND ngày...(02/01/2019 9:32 SA)

Sở Tài nguyên và Môi trường: Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(18/12/2018 10:02 SA)

Hưng Yên: Năm 2019 sẽ thanh tra nhiều Chủ tịch huyện về sử dụng các nguồn kinh phí(13/12/2018 10:14 SA)

°
45 người đang online