Lịch sử hình thành và phát triển sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên

Đăng ngày 14 - 03 - 2017
100%

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày 22/02/1994 Chính phủ ban hành Nghị định số 12 - NĐ/CP về việc thành lập Tổng cục Địa chính trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Tổng cục Quản lý ruộng đất và Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước.

Thực hiện Quyết định số 411, ngày 09/7/1994 và Thông tư số 470 - TT/ĐC ngày 18/7/1994 của Tổng cục địa chính về thành lập, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức địa chính các cấp ở địa phương. Tỉnh đã ra quyết định thành lập Sở Địa chính tỉnh Hải Hưng. Sở Địa chính là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai và đo đạc - bản đồ ở địa phương và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của Tổng cục Địa chính về chuyên môn, nghiệp vụ.

Cơ cấu tổ chức của Sở Địa chính gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính tổng hợp, Phòng Nghiệp vụ kỹ thuật Địa chính, Phòng Kế hoạch - Tài vụ, Thanh tra Sở.

Sở Địa chính tỉnh Hải Hưng nhanh chóng, ổn định tổ chức, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các Phòng Địa chính cấp huyện, xây dựng đội ngũ cán bộ địa chính cấp xã đưa hệ thống tổ chức địa chính các cấp vào hoạt động ổn định, hiệu quả.

Sở Địa chính có nhiệm vụ: xây dựng trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, các văn bản thực hiện chính sách, chế độ quản lý, sử dụng đất đai, đo đạc - bản đồ; tổ chức thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh các văn bản của Uỷ ban nhân dân thị xã, các huyện, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát đo đạc, đánh giá và phân hạng đất, lập bản đồ và hồ sơ địa chính, việc đăng ký đất, thống kê và kiểm kê đất định kỳ theo quy trình, quy phạm kỹ thuật đã được ban hành; làm thủ tục trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quyết định giao đất của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Chính phủ; chỉ đạo việc quản lý tiêu mốc, đo đạc, mốc địa giới, tổ chức và chỉ đạo việc cập nhật bản đồ; thẩm định và cấp giấy phép triển khai các phương án đo đạc - bản đồ theo phân cấp; quản lý chỉ đạo và thực hiện việc thu thập, xử lý thông tin, lưu trữ tư liệu địa chính bao gồm các tư liệu về đất đai và đo đạc- bản đồ theo phân cấp; nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu về khoa học - công nghệ tiên tiến về quản lý đất đai và đo đạc - bản đồ vào địa phương; quản lý tổ chức thuộc ngành địa chính ở địa phương, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa chính theo quy định của Tổng cục địa chính và của Uỷ ban nhân dân tỉnh; tổ chức và chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và đo đạc bản đồ. Giải quyết theo thẩm quyền các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai. Phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết tranh chấp địa giới hành chính cấp huyện, xã.

Ngày 06/11/1996, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 10 đã phê chuẩn về việc chia tách tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Thực hiện chủ trương đó, ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập.

Ngày 07/01/1997, Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh Hưng Yên ra Quyết định số 03 - QĐ/UB về việc thành lập cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, trong đó có Sở Địa chính. Chia tách từ Sở Địa chính tỉnh Hải Hưng, Sở Địa chính Hưng Yên được tái lập trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và nguồn nhân lực, cán bộ.

Về cơ cấu tổ chức: Sở gồm 4 phòng chức năng: Phòng Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp, Phòng Nghiệp vụ kỹ thuật Địa chính, Phòng Kế hoạch - Tài vụ và Thanh tra Sở.

Ngày 02/4/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 45/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Sở Tài nguyên và môi trường thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-BTNMT-BNV ngày 15 tháng 7 năm 2003 của Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ Nội vụ, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường ở địa phương.

Ngày 07/10/2003, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định số 57/2003/QĐ - UB, về việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất tổ chức hiện có của Sở Địa chính và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước ngầm, tài nguyên khoáng sản, môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp và Sở Khoa học công nghệ và môi trường.

Đây là thời kỳ Sở Tài nguyên và môi trường được kiện toàn một bước rất cơ bản về công tác tổ chức. Các phòng, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc gồm:

- Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Phòng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai; Phòng đăng ký - thống kê đất đai; Phòng quản lý môi trường, tài nguyên nước ngầm, khoáng sản và khí tượng thuỷ văn; Phòng đo đạc và bản đồ.

- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở: Trung tâm Thông tin - lưu trữ tư liệu về tài nguyên và môi trường; Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường.

Tổng số cán bộ của Sở 29 đồng chí (Trung tâm thông tin - lưu trữ tư liệu về tài nguyên và môi trường: 5 đồng chí; 5 đồng chí cán bộ của Sở Khoa học và công nghệ chuyển sang).

Ngày 27/3/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 614/QĐ-UB, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường

Cũng trong Quyết định này, Uỷ ban nhân dân tỉnh có điều chỉnh cơ cấu tổ chức thuộc Sở gồm:

- Các tổ chức hành chính: Văn phòng; Thanh tra; Chi cục Bảo vệ môi trường; Phòng Quy hoạch - Kế hoạch - Định giá đất; Phòng Đăng ký và thống kê đất đai; Phòng Đo đạc và Bản đồ; Phòng Tài nguyên - Khoáng sản.

- Các đơn vị sự nghiệp: Đổi tên Trung tâm thông tin lưu trữ tư liệu Tài nguyên và Môi trường thành Trung tâm Công nghệ thông tin; Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; Trung tâm phát triển quỹ đất.

Năm 2016 thành lập Chi cục Quản lý đất đai, Văn phòng đăng ký một cấp

Đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã không ngừng trưởng thành và phát triển cả về chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, từ 55 cán bộ, công chức, viên chức của Sở Địa chính, với chức năng quản lý nhà nước về đất đai và đo đạc bản đồ với 4 phòng chuyên môn và 2 đơn vị sự nghiệp, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường là Sở quản lý đa ngành về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thưc hiện chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước và thực hiện các dịch vụ công về các lĩnh vực: tài nguyên đất đai, đo đạc bản đồ - viễn thám, tài nguyên khoáng sản - địa chất, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, môi trường. Tổ chức bộ máy gồm 4 phòng chuyên môn: Kế hoạch- Tài chính, Đo đạc- bản đồ và Viễn thám, Tài nguyên nước- Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Tài nguyên khoáng sản; 04 tổ chức hành chính: Văn phòng, Thanh tra, Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục Quản lý đất đai và 06 đơn vị sự nghiệp trực thuộc: Văn phòng Đăng ký đất đai, Quỹ Bảo vệ môi trường, Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, với tổng số 288 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Sở và các đơn vị trực thuộc được đầu tư khá đầy đủ, đồng bộ và phù hợp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức. Trình độ chuyên môn và lý luận chính trị của cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công tác: 100% cán bộ, công chức các phòng chuyên môn và các tổ chức hành chính thuộc Sở có trình độ đại học trở lên; có 12 đồng chí có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân; 01 đồng chí đang học lớp cao cấp lý luận chính trị; 03 đồng chí có trình độ lý luận chính trị trung cấp; 01 đồng chí có trình độ Tiến sĩ; 21 cán bộ công chức, viên chức có trình độ Thạc sỹ các chuyên ngành Môi trường, Quản lý đất đai, địa chất thủy văn, khai thác mỏ.

Tổ chức đảng và đoàn thể luôn được quan tâm và phát triển, từ Chi bộ Sở Địa chính với 15 đảng viên trước đây, nay Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường đã có 117 đảng viên, đang sinh hoạt tại 10 Chi bộ trực thuộc; các tổ chức đoàn thể: Công đoàn và Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Sở hoạt động tích cực, góp phần xây dựng cơ quan, đảng bộ trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. 

Tin mới nhất

°
279 người đang online