Hưng Yên: Nhiều giải pháp chặn đứng nạn khai thác cát trái phép

Đăng ngày 21 - 08 - 2017
100%

Thời gian trước đây, hiện tượng khai thác cát trái phép (KTCTP) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên rất phức tạp, nhất là 2 tuyến sông Hồng và sông Luộc. “Cát tặc” hoạt động khiến tài nguyên bị thất thoát, gây sạt lở công trình đê điều, mất hàng trăm héc ta đất canh tác của dân và làm mất an ninh trật tự.

Nhức nhối trước nạn cát tặc

 Khu vực ngã ba sông thuộc địa bàn xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) từ lâu đã là “điểm nóng” về hoạt động KTCTP. Theo phản ánh của người dân, tại đây thường xuyên có 10 đến 20 tàu hút cát các loại hoạt động. Lợi dụng khu vực ngã ba sông giáp 3 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nam nên các tàu hút cát trái phép vẫn thường xuyên ra, vào khai thác cát, đất canh tác của người dân mỗi ngày một lở thêm. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, những vườn nhãn ven sông của người dân ở thôn Quyết Thắng, xã Tân Hưng bị lở sâu hàng chục mét. Để giữ đất, người dân trong xã đã cắt cử người canh chừng để xua đuổi “cát tặc”. Thế nhưng ngày 13-3-2017, một người dân bị một nhóm người trên tàu KTCTP tại khu vực xã Tân Hưng bắn vào bụng phải đi cấp cứu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự liều lĩnh của “cát tặc”.

Đất bãi bồi khu phố Đằng Châu, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên rộng gần 1km, do khai thác cát trái phép và chuyển đổi dòng chảy nay đã lở gần hết.
Đất bãi bồi khu phố Đằng Châu, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên rộng gần 1km, do khai thác cát trái phép và chuyển đổi dòng chảy nay đã lở gần hết.

Ngay những tháng đầu năm 2017, gần chục tàu thuyền khai thác cát trái phép rầm rộ tại khu vực cầu Yên Lệnh qua sông Hồng làm sạt lở bãi nhiều bờ làm người dân hết sức bức xúc. Ông Nguyễn Văn Kích, Trưởng khu phố Đằng Châu, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên cho biết, Cách đây hơn 2 tháng, hàng đêm, rất nhiều tầu KTCTP hoạt động trên địa bàn, ngay gần cầu Yên Lệnh. Họ thường hút cát từ 9 giờ đêm đến sáng. Đất bãi của khu dân cư Đằng Châu rộng gần 1km giờ đã lở hết. Nếu không ngăn chặn nạn KTCTP, những dãy nhà dân ven sông của chúng tôi cũng lở xuống sông.

Tại các xã Tân Hưng, Hoàng Hanh, TP Hưng Yên, nhiều tàu hút cát trái phép trên sông Hồng. Ban ngày hút khu vực giữa sông, ban đêm lại vào gần bờ, làm lở hàng chục mẫu đất của người dân đang canh tác. “Cát tặc” đã lợi dụng các vùng giáp ranh, đêm tối sục vào bờ bãi hút cát. Khi phát hiện chúng dạt sang các địa bàn tỉnh khác để lẩn tránh lực lượng chức năng. Nhức nhối trước nạn cát tặc, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các ngành chức năng tỉnh Hưng yên đã đưa ra nhiều giải pháp, kiên quyết chặn đứng nạn KTCTP.

Những giải pháp đồng bộ

Trước hết UBND tỉnh chấn chỉnh về quản lý khai thác cát. Thực hiện cấp phép cho doanh nghiệp để thuận tiện trong việc quản lý tài nguyên. Tỉnh đã cấp phép cho 10 doanh nghiệp, giao cho doanh nghiệp quản lý mỏ, nếu để thất thoát, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Ngày 2-6-2017, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó về khai thác cát phải bảo đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự thủ tục theo quy định. Thời hạn giấy phép khai thác không quá 2 năm, chỉ được phép khai thác từ 6 đến 18 giờ hàng ngày. Không khai thác trong tháng 6,7,8,9 mùa mưa bão hàng năm, trừ những trường hợp phục vụ công trình trọng điểm, có ý kiến của UBND tỉnh. Những địa điểm được phép khai thác phải công khai hoá để chính quyền địa phương, người dân biết và giám sát.

 Bến bãi chứa cát khi khai thác của Công ty TNHH xây dựng Xuân Trường thông qua tỉnh quy hoạch, cấp phép.
Bến bãi chứa cát khi khai thác của Công ty TNHH xây dựng Xuân Trường thông qua tỉnh quy hoạch, cấp phép.

Ông Nguyễn Văn Phúc cán bộ phụ trách khai thác cát của Công ty TNHH xây dựng Xuân Trường đang phục vụ cho công trình đường nối 2 cao tốc (Hà Nội- Hải Phòng và Pháp Vân- Cầu Ghẽ) cho biết, doanh nghiệp được giao quản lý và khai thác mỏ với diện tích 28ha, thuộc xã Mai Động, huyện Kim Động. Thực hiện theo quy định khai thác khoáng sản của tỉnh Hưng Yên, công ty đã lập phương án khai thác mỏ. Các tàu hút cát đăng ký danh sách với cơ quan chức năng, đeo biển hiệu theo quy định, không hút cát vào ban đêm. Công ty phối hợp với Cục Quản lý đường thuỷ, bố trí phao tiêu, đèn báo hiệu, bảo đảm an toàn cho giao thông trên sông. Công ty đăng ký với UBND tỉnh bến bãi chứa vật liệu, đồng thời cam kết chỉ hút cát phục vụ công trình trên địa bàn, không kinh doanh cát. Các phương tiện vận tải bộ đều đăng ký với Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, có biển hiệu rõ ràng, 100% phương tiện được giám sát hành trình. Vì vậy việc khai thác vận chuyển cát được giám sát từ điểm đầu khai thác tới điểm cuối.

Để Phối hợp quản lý tốt tài nguyên khoáng sản, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác tài nguyên trái phép, tháng 3-2017, UBND tỉnh Hưng Yên đã chủ động cùng UBND các tỉnh Hà Nam, Thái Bình ban hành và ký Quy chế phối hợp quản lý hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông giáp ranh 3 tỉnh. Theo đó các địa phương có thể phối hợp hặc chủ động độc lập trong việc bắt giữ, truy đuổi phương tiện khai thác khoáng sản trái phép khu vực giáp ranh cả 3 tỉnh, không bị cản trở bởi địa bàn, gianh giới.

Mới đây, ngày 2-8, UBND tỉnh Hưng yên tiếp tục ra Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Thông qua đó, quy rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Ông Phạm Nam Lượng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho rằng, Chỉ thị 09 là sự chỉ đạo quyết liệt nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, từng bước lập lại trật tự trong khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản; bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ngay sau khi có Chỉ thị 09/CT-UBND, từ đầu tháng 8-2017, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện công khai số điện thoại của những cơ quan, địa phương, người có chức trách trong việc xử lý khai thác tài nguyên trái phép như: Công an tỉnh, công an huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường, các huyện, xã ven sông Hồng, sông Luộc, Báo Hưng Yên, Đài PTTH Hưng Yên. Thông qua đó, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh thông tin về hoạt động khoáng sản, KTCTP trên địa bàn.

Sau một thời gian, thực hiện đồng bộ các giải pháp, việc KTCTP trên địa bàn tỉnh Hưng yên đã giảm rõ rệt. Trên 2 tuyến song Hồng và Sông Luộc không còn các tàu thuyền ngang nhiên khai thác cát trái phép. Theo ông Trần Cảnh ở xã Tân Hưng, ông Nguyễn Văn Kích ở phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, 2 tháng trở lại đây, hiện tượng KTCTP đã giảm hẳn, người dân thực sự phấn khởi khi tình trạng KTCTP rất bức xúc trước đây nay đã được ngăn chặn. Hưng yên quyết tâm duy trì và ngăn chặn nạn KTCTP trên sông.

Tin mới nhất

Thông báo mời tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản 02 mỏ cát lòng sông Hồng(21/06/2022 9:27 SA)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra giao thông đường thủy(18/03/2019 8:53 SA)

Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo kết quả sơ tuyển nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền...(11/12/2018 4:07 CH)

Hưng Yên: Bắt 2 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng(19/11/2018 8:12 SA)

Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo mời tham gia đáu giá quyền thăm dò, khai thác...(12/09/2018 3:50 CH)

Hưng Yên bổ sung quy hoạch 3 mỏ khai thác cát trên sông Hồng(03/08/2018 10:05 SA)

Hưng Yên: Ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh (31/07/2018 8:38 SA)

Phó Thủ tướng chấn chỉnh tình trạng phá rừng, khai thác cát, sỏi trái phép(04/05/2018 8:05 SA)

Văn Giang - Hưng Yên: Công bố kết quả kiểm tra bãi tập kết ''khủng'' tại xã Liên Nghĩa(16/04/2018 9:32 SA)

UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm vụ cát tặc lộng hành làm sạt lở đất nông nghiệp(13/04/2018 3:24 CH)

°
29 người đang online