Liên tiếp xảy ra các vụ thảm án: Vì đâu nên nỗi?

Đăng ngày 07 - 09 - 2018
100%

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ thảm án xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước với nguyên nhân gây án đa phần bắt nguồn từ những va chạm nhỏ trong cuộc sống thường ngày khiến dư luận xã hội không khỏi bất an, lo lắng. Đằng sau mỗi vụ việc là nỗi đau nghẹn ngào cho cả hai bên gia đình nạn nhân và người gây án. Bởi vậy, làm sao để lấp lỗ hổng pháp lý liên quan cũng như ngăn ngừa nguy cơ phạm tội tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra trong cộng đồng?… là bài toán đặt ra cho các ngành chức năng.

Bi kịch gia đình từ những vụ thảm án

Chỉ chưa đầy 1 tháng, 2 vụ thảm án liên tiếp xảy ra ở TP. Hưng Yên và tỉnh Đồng Nai khiến dư luận bàng hoàng, sửng sốt. Theo cơ quan công an, rạng sáng 17/8, một đối tượng bịt mặt đã đột nhập nhà riêng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Trường (41 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hoa (40 tuổi, ở phường Hồng Châu, TP Hưng Yên) để gây án. Hậu quả, anh Trường tử vong tại chỗ, chị Hoa được người thân đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong sau đó vài giờ.

Được biết, vào thời điểm xảy ra vụ việc, cháu Nguyễn Văn S (16 tuổi, con trai vợ chồng anh Trường) vẫn đang thức và chơi trong phòng khách thì bất ngờ nghe thấy những tiếng la hét, kêu cứu của bố mẹ. Khi chạy vào phòng ngủ phía bên trong để kiểm tra, S hoảng sợ phát hiện bố mẹ bị kẻ gian dùng dao đâm gục tại chỗ, trên nền nhà có rất nhiều máu. Không giữ được bình tĩnh, S vội vàng mở cửa chính và gọi ông bà cầu cứu.Tới nay, các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt nghi phạm sát hại vợ chồng anh Trường là một người dân địa phương. Đáng nói, theo người dân ở đây, nghi phạm sinh sống ở địa phương lâu nay ít có mâu thuẫn, xô xát với ai, nên khi sự việc xảy ra tất cả người dân trong vùng đều quá bất ngờ.

Mặt khác, số vụ gây án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong những năm gần đây cho thấy tính chất hoạt động của tội phạm đang trở nên rất nghiêm trọng. Nhiều vụ án bị cáo là người thân trong gia đình, là người yêu, là trẻ vị thành niên, với phương thức gây án hết sức tàn nhẫn. Rất nguy hiểm khi nhiều vụ thảm án xảy ra xuất phát từ chính những mâu thuẫn trong gia đình.

Mới đây, ngày 31/8, tại tỉnh Đồng Nai, ông Điểu Oánh (48 tuổi) và vợ là bà Hoàng Thị Diệu (40 tuổi) xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Hàng xóm biết chuyện, vội qua nhà can ngăn nhưng bất thành vì cửa nhà vợ chồng ông Oánh bị khóa trái. Tới lúc phá cửa xông vào, họ phát hiện bà Diệu tử vong với nhiều vết đâm trên cơ thể, còn người chồng cũng bị thương nặng, được đưa tới bệnh viện địa phương cấp cứu. Theo nhận định ban đầu từ công an, có thể chính người chồng đã đâm vợ tử vong rồi tự sát.

Vụ việc này đã phần nào phản ánh một vấn đề xã hội đang nhức nhối hiện nay, khi mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình không thể dung hòa sẽ dễ dẫn đến những hậu quả khó lường. Chỉ vì một phút tức giận bộc phát, nông nổi, không kiềm chế được bản thân, hay sự ghen tuông mù quáng mà người chồng, người vợ hay các thành viên khác bỗng nhiên trở thành kẻ sát nhân sát hại người thân, kẻ đầu ấp tay gối của mình. Để rồi đằng sau các vụ án này luôn thường trực nỗi đau khó nguôi ngoai của người vợ, người chồng, của người thân và trên hết là số phận những đứa con thơ dại và kéo theo sau là nhiều hệ lụy phức tạp khác.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Có thể nhận thấy rằng, động cơ gây án của đối tượng trong các vụ giết người vừa qua xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân nhỏ nhặt trong lối sống, cách ứng xử, mâu thuẫn tình ái hoặc mục đích cướp tài sản. Đó là điều đáng báo động về văn hóa, cách ứng xử giữa con người với nhau trong xã hội hiện nay.

Hành vi bạo lực, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề không còn là hiện tượng đơn lẻ, bùng phát trong xã hội. Trước thực trạng trên, không ít người cho rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều quy định xử lý tội phạm nhưng thiếu sự đồng bộ, chưa đủ sức răn đe đối với tội phạm, nhất là tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

Trao đổi về vấn đề này, nhà tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty Tâm lý An Việt Sơn) bày tỏ quan điểm, những năm gần đây, các vụ thảm sát xảy ra thường nguyên nhân chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ, hoặc lý do không đáng có. Đó là điều báo động về văn hóa, cách ứng xử giữa con người với nhau. Bên cạnh đó, những hình ảnh bạo lực, lối sống nặng về tranh cướp vật chất, ăn chơi sa đọa, lười biếng, thích hưởng thụ,… được truyền tải trên sách báo, phim ảnh, mạng xã hội đang ngày ngày tác động vào nhận thức, lối sống, hành vi của không ít người.

“Trong cuộc sống mỗi người có muôn vàn áp lực, cùng với đó đôi lúc các cơ quan chức năng thực hiện xét xử các vụ án chưa thật sự suôn sẻ, chưa minh bạch làm cho người dân căng thẳng, bị áp lực do đó người dân đi đến hành động tự xử có thể là tự xử nhau hoặc mượn côn đồ, xã hội đen để giải quyết chứ không đến cơ quan chức năng để giải quyết. Việc tự xử là hoàn toàn trái với quy định pháp luật của nước ta.

Trong khi cơ quan chức năng xử lý còn hơi chậm chạp, nhiều vụ tự xử thành công (theo cách nhìn nhận của nhiều người), từ đó được nhân rộng hơn, điều đó là hết sức nguy hiểm. Ngoài ra do văn hóa ứng xử, sự vô cảm của con người cũng là yếu tố kích thích sự gia tăng các vụ việc. Trong một xã hội không bao giờ tránh khỏi những va chạm, tuy nhiên khi môi trường sống được giáo dục, rèn luyện thì sẽ tránh được những vụ căng thẳng xảy ra. Người dân có những suy nghĩ, nhận thức sai lệch dẫn đến hành động sai”, nhà tâm lý Nguyễn An Chất nhấn mạnh.

Để ngăn chặn tình trạng tội phạm ngày càng phức tạp, ông Chất cho rằng cần nhiều giải pháp lâu dài và kiên trì. Trong đó, giải pháp chiến lược là phải xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, khơi dậy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đấu tranh, bài trừ, hạn chế những hiện tượng tiêu cực, những xu hướng, biểu hiện lệch chuẩn. Phải chú trọng vai trò của gia đình, của nhà trường và cộng đồng dân cư trong việc phòng ngừa, ngăn chặn sự hình thành những kiểu tội phạm mới.

“Môi trường sống của xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động, mọi nhận thức của cộng đồng và ảnh hưởng rất lớn đến ứng xử của cá nhân mỗi người, do đó, con người phải luôn biết trau dồi đạo đức. Các cơ quan chức năng, truyền thông đại chúng nên đưa ra những thông tin tuyên truyền về Bộ quy tắc ứng xử để nhiều cán bộ, viên chức, từng người dân được học và làm theo nhằm khôi phục lại nếp sống văn minh, sự nhân văn của mỗi con người.”- ông Chất cho hay.

Tin mới nhất

Thông báo kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản(19/01/2024 9:29 SA)

THÔNG BÁO Về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá quyền sử dụng đất để...(11/01/2024 1:50 CH)

Thông báo về việc mời đơn vị tham gia tư vấn: lập HSMT và đánh giá HSDT Gói “ Mua sắm vật liệu...(25/10/2023 3:20 CH)

Thông báo về việc mời đơn vị tham gia tư vấn: thẩm định hồ sơ mời thầu và thẩm định kết quả lựa...(25/10/2023 3:23 CH)

Sở Tài nguyên và Môi trường: Kỷ niệm 20 năm thành lập(09/10/2023 1:58 CH)

Thư mời thẩm định giá (lần 2)(31/07/2023 3:10 CH)

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt nam anh hùng, gia đình chính sách,...(27/07/2023 3:24 CH)

Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường dự án đầu tư “Nhà máy máy sản xuất linh kiện xe điện, xe...(26/07/2023 10:24 SA)

Thông báo Về việc mời đơn vị tham gia tư vấn: Lập dự toán Gói “ Mua sắm vật liệu thực hiện nhiệm...(24/07/2023 10:14 SA)

Thư mời thẩm định giá(14/07/2023 8:08 SA)

°
29 người đang online