Còn chồng chéo trong thanh tra xử lý vi phạm về môi trường

Quản lý nhà nước và xử lý vi phạm trên lĩnh vực môi trường còn nhiều bất cập, hạn chế về nhiều mặt.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên lĩnh vực môi trường trong giai đoạn 2016-2018 tại các tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, công tác quản lý nhà nước và xử lý vi phạm trên lĩnh vực môi trường còn nhiều bất cập, hạn chế về nhiều mặt. Do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực này để đáp ứng với thực tế hiện nay. 
* Chưa chú trọng công tác phòng ngừa 
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có tới 33% số tỉnh, thành phố chưa thực hiện lập và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường hoặc đã lập quy hoạch nhưng thời gian chậm so với quy định; 17% chưa lập, phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường giai đoạn 2015 - 2020; có tới 33% số tỉnh, thành phố chưa tiến hành điều tra tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh. 
Đối với các tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra, có 37% số đối tượng vi phạm (tăng 9,5% so với năm 2016). Các vi phạm tập trung vào các nội dung không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hoặc cam kết bảo vệ môi trường (chiếm 68%); quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng theo quy định (chiếm 12%); xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép (chiếm 5%)... 
Việc ban hành một số kết luận thanh tra, kiểm tra các vụ việc gây ô nhiễm môi trường còn chậm, nguyên nhân chủ yếu do mức độ sai phạm ở các địa phương khá lớn. Việc khắc phục, xử lý tồn tại rất phức tạp, nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến tình hình ở định an ninh trật tự ở địa phương. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra còn hạn chế dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân sau thanh tra, kiểm tra chậm hoặc không thực hiện nghiêm các kết luận đã thanh tra, kiểm tra. 
Tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra chuyên ngành (nhất là lĩnh vực đất đai, khoáng sản và môi trường) giữa các Bộ, ngành vẫn còn xảy ra. Chẳng hạn công tác thanh tra về môi trường được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Công an cũng thực hiện thanh tra.

Việc giám sát các tổ chức trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa chặt chẽ nên triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất phần lớn vẫn còn bị động. Đa số các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất chỉ được triển khai khi các vi phạm đã được các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện và đăng tin, hoặc do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. 
Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều vụ việc địa phương chậm xem xét, giải quyết. Trên 88% số vụ việc công dân gửi đến Bộ thuộc thẩm quyền của địa phương.

Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực thi hành còn hạn chế, vẫn còn tình trạng công dân gửi đơn đến Bộ đề nghị thi hành các quyết định giải quyết của địa phương. Mặt khác, nguồn lực về con người, kinh phí, trang thiết bị cho công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường chưa đáp ứng được với khối lượng nhiệm vụ thực tế phát sinh. 
Báo cáo chuyên đề thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lực lượng làm công tác thanh tra trong toàn ngành còn mỏng (ở Bộ bình quân khoảng 2 cán bộ/1 tỉnh/8 lĩnh vực; ở địa phương khoảng 7 cán bộ/1 tỉnh/8 lĩnh vực). Trong khi đó còn phải cử cán bộ tham gia, phối hợp các đoàn công tác liên ngành do các Bộ, ngành khác chủ trì nên thiếu nhân lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch và đột xuất. 
Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được đổi mới nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Một số vụ việc phức tạp, hồ sơ tài liệu lưu giữ ở địa phương không đầy đủ, hiện trường vụ việc đã bị thay đổi nên khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, làm rõ các nội dung liên quan.

Bên cạnh đó có vụ việc còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan Trung ương, giữa cơ quan Trung ương với địa phương, dẫn đến việc chậm ban hành văn bản giải quyết. Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là công việc đột xuất, nên việc bố trí lực lượng đi giải quyết còn bị động. 
Một số địa phương chưa chủ động báo cáo lên Bộ Tài nguyên và Môi trường về những sự cố, vấn đề phức tạp phát sinh mà tự xử lý, đến khi không xử lý được mới báo cáo xin ý kiến Bộ. Ví dụ như vụ người dân xã Phổ Thạnh tập trung đông người dùng vật cản chặn lối vào Nhà máy xử lý rác Đức Phổ diễn ra gần một tháng, song mãi đến ngày 22/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi mới ký công văn hỏa tốc số 4793/UBND - NNNT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cử đoàn công tác vào giúp đánh giá lại toàn diện các vấn đề về nhà máy này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm chễ trong việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực môi trường. 
* Một số giải pháp cụ thể 
Về cơ chế và chính sách, ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường nói chung và lĩnh vực môi trường nói riêng, cũng như hệ thống pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại và tố cáo. Xây dựng cơ chế đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại kéo dài, hết thẩm quyền, đúng quy định. 
Cụ thể là chỉnh sửa Khoản 1, Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 theo hướng phân định rõ được đối tượng thanh tra của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND cấp tỉnh để hạn chế tình trạng chồng chéo về đối tượng thanh tra.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có quy định các cơ sở sản xuất kinh doanh lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về các thông số cần quan trắc cũng như thống nhất về thiết bị quan trắc tự động, hiện nhiều doanh nghiệp đang rất lúng túng trong việc đầu tư thiết bị (có thể lãng phí nếu lắp đặt không phù hợp), nên việc quản lý dữ liệu của các Sở Tài nguyên và Môi trường sau này sẽ gặp nhiều khó khăn. 
Luật Bảo vệ môi trường quy định báo cáo ĐTM được duyệt nhưng quá 24 tháng mà dự án không thực hiện thì phải lập lại báo cáo ĐTM. Nhưng việc thực hiện dự án bao gồm những hoạt động nào chưa được quy định rõ (nhiều trường dự án kéo dài nhiều năm nhưng chỉ chuẩn bị hồ sơ pháp lý, xây dựng các hạng mục phụ trợ như tường rào có được xem là đang triển khai dự án không).

Chưa có quy định thời gian chỉnh sửa, bổ sung báo cáo ĐTM đã được hội đồng thẩm định thông qua, dẫn tới trường hợp thời gian chỉnh sửa vượt cả 24 tháng kể từ ngày họp thẩm định, nhưng cơ quan thẩm định không có căn cứ để yêu cầu thẩm định lại hoặc yêu cầu phải lập lại báo cáo ĐTM. 
Quy định về thời gian ký quỹ nhập khẩu phế liệu còn chưa phù hợp: Tại Khoản 1, Điều 59, Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu quy định: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc”.

Trong quá trình triển khai thực hiện, quy định này đã tạo ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp khi nhập khẩu chất thải và phế liệu. Một số doanh nghiệp nhập khẩu đã làm xong thủ tục Hải quan, đã thực hiện ký quỹ nhưng hàng hóa chưa được thông quan do thời gian ký quỹ chưa đáp ứng được 15 ngày làm việc.

Do khi ký hợp đồng nhập khẩu chất thải, phế liệu với một số khách hàng tại các nước châu Á như Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thì thời gian kể từ khi ký hợp đồng đến khi các lô hàng nhập khẩu về đến Việt Nam chỉ trong khoảng thời gian từ 3-7 ngày, trong vòng ít nhất 2 ngày các doanh nghiệp có thể tiến hành các thủ tục thông quan cho lô hàng. 
Do vậy, yêu cầu ký quỹ ít nhất 15 ngày làm việc mới được thông quan hàng hóa dẫn đến việc phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi tại cảng rất lớn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ nguyên liệu về phục vụ sản xuất và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi không thực hiện đúng thời gian giao hàng theo các hợp đồng mua bán hàng hóa đã ký kết với khách hàng, việc làm và thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng. 
Chưa có văn bản hướng dẫn quy định khoảng cách an toàn về môi trường cho riêng ngành môi trường. Hiện nay, khi thẩm định hồ sơ hoặc giải quyết khiếu kiện về môi trường, địa phương chỉ áp dụng quy định khoảng cách an toàn của Bộ Y tế (Quyết định số 3733/2002 ngày 10/10/2002) và của Bộ Xây dựng (Quyết định số 04/2008 ngày 3/4/2008). Tuy vậy, cả hai quyết định này vẫn còn thiếu nhiều loại hình sản xuất nên khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện. 
Năm 2019, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thanh tra các đối tượng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời tiến hành thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương   



Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2298519#ixzz5QmJlcfrI 
http://www.xaluan.com/raovat

nguồn: xaluan.com