Dự án VLAP: Tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với các dịch vụ thông tin đất đai

Dự án hoàn thiện và hiện đại hoá hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) là dự án triển khai xây dựng hệ thống đăng ký đất đai, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo phương thức hiện đại nhằm cải cách thủ tục hành chính trong quản lý, tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận quỹ đất và công khai hoá thông tin về đất… Hưng Yên là một trong 3 tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng được chọn thí điểm của dự án. Để tìm hiểu tiến độ triển khai dự án, phóng viên Báo Hưng Yên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Sỡi, Phó giám đốc Sở TNMT, Phó giám đốc thường trực Ban quản lý dự án VLAP tỉnh Hưng Yên.

      Phóng viên: Xin ông cho biết một cách khái quát về mục tiêu và ý nghĩa của dự án VLAP ?
      Ông Lê Ngọc Sỡi: Với mục tiêu của dự án là tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với dịch vụ thông tin đất đai thông qua việc phát triển hệ thống quản lý đất đai hiện đại ở các tỉnh được lựa chọn trên cơ sở xây dựng hệ thống công khai, chính xác, đầy đủ, kịp thời về đăng ký đất đai, thông tin đất đai (lập bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính), chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm đáp ứng nhu cầu về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất và đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của cộng đồng. Dự án triển khai bao gồm 3 hợp phần: Hợp phần thứ nhất là hiện đại hóa hệ thống đăng ký đất đai, trong đó cập nhật và hoàn thành toàn bộ việc lập bản đồ địa chính chính quy và hồ sơ đăng ký đất đai, phát triển và thực hiện công nghệ tin học để lưu trữ, tiếp cận và cập nhật thông tin đăng ký sử dụng đất; hợp phần thứ 2 là tăng cường các dịch vụ đăng ký đất đai, hỗ trợ tăng cường cung cấp dịch vụ của các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cung cấp khả năng tiếp cận dữ liệu, số liệu đăng ký và sử dụng đất thông qua hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, thực hiện chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với thông tin đất đai sẵn có và sự tham gia trong quá trình đo đạc, cập nhật và hoàn thiện hồ sơ; và hợp phần thứ 3 là hỗ trợ quản lý, theo dõi và giám sát quá trình thực hiện dự án…
      Việc được chọn tham gia thực hiện dự án VLAP là cơ hội, là điều kiện thận lợi để tỉnh Hưng Yên hoàn thiện và hiện đại hoá hệ thống quản lý đất đai của địa phương. Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện tổng thể cho 5 năm và kế hoạch chi tiết 18 tháng theo yêu cầu của dự án. UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã có văn bản cam kết với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án đúng mục tiêu, nội dung, bố trí vốn đối ứng, đồng thời ứng trước kinh phí cần thiết theo yêu cầu của dự án, duy trì và phát triển hệ thống quản lý đất đai hiện đại của dự án tại tỉnh và tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý đất đai theo quy định pháp luật và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết theo yêu cầu của dự án nhằm hoàn thành mục tiêu, nội dung dự án đề ra.
      Việc triển khai và thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, người sử dụng đất sẽ được thụ hưởng những lợi ích như: Quyền sử dụng đất sau khi thực hiện dự án không bị ảnh hưởng so với trước khi thực hiện dự án. Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) bằng các phương tiện hiện đại với độ chính xác cao sẽ được sử dụng để đo đạc và lập bản đồ địa chính cho từng thửa đất; tất cả những người sử dụng đất đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng đất yên tâm đầu tư trên đất và thuận tiện cho việc sử dụng giấy chứng nhận để thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Giấy chứng nhận mới sẽ được ghi tên cho hộ gia đình (cả vợ và chồng), cá nhân hỗ trợ các giao dịch đất cũng như giảm thiểu tranh chấp đất đai; người dân địa phương tiếp cận dịch vụ đăng ký đất qua các thủ tục đơn giản, giảm thiểu các chi phí trực tiếp hay gián tiếp. Với thông tin được cập nhật liên tục, các cơ quan có thẩm quyền sẽ có thể ra quyết định tốt hơn về việc phát triển quỹ đất và các dự án khác. Khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất, người dân hoặc tổ chức có thể tìm kiếm thông tin của từng thửa đất như tên chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, diện tích…Dự án VLAP nêu rõ người sử dụng đất có nghĩa vụ nộp 0,5% thuế trước bạ theo đúng quy định hiện hành của luật thuế, ngoài ra không phải chịu thêm bất cứ khoản chi phí nào khác. Khi hoàn thành dự án, người sử dụng đất trong vùng thực hiện dự án sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.
      Phóng viên: Ông có thể cho biết đôi nét về kết quả  thực hiện dự án VLAP trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua?
      Ông Lê Ngọc Sỡi: Dự án VLAP được triển khai trên địa bàn tỉnh Hưng Yên với tổng số kinh phí thực hiện khoảng 140 tỷ đồng. Kế hoạch triển khai 18 tháng tại huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên với tổng diện tích đo đạc ở 2 địa phương khoảng 17.368 ha, kinh phí triển khai dự án khoảng 27,9 tỷ đồng. Trong đó thành phố Hưng Yên với tổng diện tích đo đạc là 4.282 ha, kinh phí thực hiện là 6,5 tỷ đồng (diện tích đo mới là 369 ha, diện tích chỉnh lý là 3.913 ha), huyện Khoái Châu có tổng diện tích đo đạc là 13.068 ha, kinh phí thực hiện là 22,6 tỷ đồng (diện tích đất khu dân cư là 2.813 ha, diện tích đất canh tác là 10.273 ha). Các đơn vị thi công đã tiến hành thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình với tinh thần trách nhiệm cao và bước đầu cho kết quả khả thi. Đến thời điểm này, đã có 123.736 hồ sơ được duyệt tại UBND cấp xã và 110.972 hồ sơ đã được UBND cấp huyện duyệt. Tổng số hồ sơ và giấy chứng nhận đã được ký là 110.972 giấy, trong đó huyện Khoái Châu là 108.397 giấy và thành phố Hưng Yên  là 2.575 giấy. Tiến độ thực hiện dự án VLAP trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài tập trung tiến hành tổ chức xét duyệt nguồn gốc đất, xét duyệt hồ sơ đất đai… các nhà thầu và chính quyền các địa phương, các ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của nhân dân. Nhờ vậy, nhiều giấy chứng nhận sau khi ký duyệt đã được trao cho người sử dụng đất. Toàn bộ giấy chứng nhận đều được tổ chức xét duyệt và tiến hành hoàn thiện hồ sơ, ký cấp giấy chứng nhận trong năm nay chủ yếu là cấp đổi.
      Giai đọan tiếp theo, Ban quản lý dự án VLAP đang tiếp tục triển khai đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính trên địa bàn 3 huyện: Kim Động, Phù Cừ và Tiên Lữ.
      Phóng viên: Trong quá trình triển khai thực hiện dự  án, Ban quản lý và các nhà  thầu có gặp những khó  khăn, vướng mắc nào thưa  ông?
      Ông Lê Ngọc Sỡi: Dự án VLAP chính thức được triển khai tại huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên từ năm 2009. Theo kế hoạch thì tại 2 địa phương này, dự án sẽ được hoàn thành từ năm 2010. Tuy nhiên do những khó khăn, vướng mắc khách quan, chủ quan, các gói thầu tại 2 địa phương này đã được gia hạn nhiều lần. Theo Chỉ thị 06/2011/CT-UBND ngày 22.4.2011 thì đến ngày 30.9, tại các gói thầu thuộc huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên phải đạt 100% số thửa đất được kê khai đăng ký và 90% số thửa đất đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
      Đất đai vốn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, trong đó có việc đăng ký, xét duyệt, cấp GCNQSDĐ. Thực trạng nơi cần chưa thể cấp mà nơi cấp dân lại chưa cần đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương đã gây khó khăn, cản trở quá trình cấp GCN, làm chậm tiến độ cấp GCN. Sản phẩm cuối cùng của Dự án VLAP chính là GCN. Do vậy, cùng với những vướng mắc chung trong việc cấp GCNQSDĐ trên phạm vi toàn tỉnh như hồ sơ tài liệu về đất đai thiếu, không đồng bộ, chính sách đất đai thay đổi qua các thời kỳ… thì tiến độ cấp GCNQSDĐ thuộc Dự án VLAP cũng chậm kéo theo tiến độ thực hiện Dự án chậm.
      Việc thi hành pháp luật về đất đai dù đã có nhiều cố gắng và từng bước được cải thiện, song vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại và cả  những bất cập. Bên cạnh đó, tình trạng sai phạm, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp; trong khi đó, việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là do lâu nay, hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính chưa đầy đủ và chưa bảo đảm độ chính xác cao. Dự án VLAP là nền tảng để hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai. Mục tiêu phát triển và xuyên suốt của dự án là: “Tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với các dịch vụ thông tin đất đai qua việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện ở các tỉnh được lựa chọn ở Việt Nam”. Dự án giúp các địa phương tham gia hoàn thành việc đo đạc xây dựng bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và thiết lập hệ thống quản lý đất đai điện tử; hỗ trợ và tăng cường dịch vụ đăng ký đất đai.
      Ngoài nguyên nhân những khó khăn, phức tạp về đất đai thì các quy định, thủ tục đấu thầu, chọn nhà thầu thi công cũng làm chậm tiến độ thực hiện Dự án. Dự án bắt đầu khởi động từ giữa năm 2008 nhưng phải tới giữa năm 2009 mới chính thức được triển khai. Thêm vào đó, theo quy định của Ngân hàng Thế giới yêu cầu thì các nhà thầu thi công không được là doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực đất đai của nước ta nhìn chung là mới, năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế, trong khi đây lại là Dự án lớn, mức độ phức tạp cao. Trong quá trình triển khai dự án tại cơ sở do lúng túng và còn hạn chế về kinh nghiệm nên việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ với chính quyền và nhân dân trong vùng dự án còn chưa chặt chẽ khiến vào một số thời điểm dự án bị chững lại.
      Phóng viên: Qua quá trình triển khai chương trình VLAP trên  địa bàn tỉnh Hưng Yên, ông có  những kiến nghị gì đối với Bộ TN&MT, Ban Chỉ  đạo VLAP Trung ương, để nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc hiện tại?
      Ông Lê Ngọc Sỡi: Thứ nhất, Hưng Yên kiến nghị đến Ban chỉ đạo dự án cấp quốc gia, Bộ TN&MT và Ngân hàng Thế giới xem xét bố trí một phần kinh phí của dự án để chi phụ cấp cho cán bộ cấp xã trong quá trình xét duyệt, hoàn thiện hồ sơ, tiếp nhận, theo dõi, đôn đốc quá trình khiếu nại, tranh chấp của dự án, đồng thời để tuyên truyền vận động người sử dụng đất cùng xác định mốc giới cho các tổ đo đạc cũng như giám sát tiến độ thực hiện và hỗ trợ nhà thầu trong quá trình thực hiện. Thứ hai, cho đến nay tài liệu chính thức để tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng của dự án còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Ban quản lý dự án Trung ương sớm hoàn thiện và ban hành chính thức các tài liệu trên để địa phương có cơ sở thực hiện. Thứ ba, kiến nghị Bộ TNMT sớm ban hành quy trình, quy phạm kỹ thuật cùng quy trình kiểm tra, nghiệm thu và định mức kinh tế kỹ thuật riêng cho việc áp dụng công nghệ GPS trong công tác khảo sát, đo đạc lập bản đồ địa chính. Thứ tư, kiến nghị Ban quản lý dự án cấp Trung ương có hướng dẫn tạm thời về định mức kinh tế kỹ thuật cho công tác cấp giấy chứng nhận theo quy trình mới cũng như quy định chuẩn cơ sở dữ liệu và phần mềm để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Thứ năm, kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ TN&MT và Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất cách phối hợp trong quá trình cấp đổi giấy chứng nhận đối với những trường hợp đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng.
      Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo baohungyen.vn