16/05/2011 | lượt xem: 10 5 điều bàn về Chính phủ điện tử Việt Nam đã nhiều lần tổ chức hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT), nhiều vấn đề về CPĐT đã được làm sáng tỏ. Ở đây, theo ý kiến riêng của người viết, có thể trao đổi thêm về 5 điều sau đây. Mô hình kiến trúc CNTT-TT quốc gia Đây chính là mô hình kiến trúc CPĐT. Cấp nhà nước có Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT-TT, Bộ TTTT, Ban Cơ yếu Chính phủ… Những bộ khác thì có các cục CNTT hay thống kê và tin học… Ở tỉnh, thành có sở TTTT, ban chỉ đạo CNTT các cơ quan Đảng. Tổ chức này một mặt triển khai áp dụng CNTT-TT trong bộ máy Đảng, mặt khác tham mưu những chủ trương của Đảng về CNTT-TT, trong đó có CPĐT như Chỉ thị 58-CT-TƯ ngày 17/10/2000… Những năm qua, theo mô hình này, CPĐT ở nước ta đã làm được nhiều việc, sản sinh ra không ít nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư liên quan. Tuy văn bản nhiều, nhưng vẫn còn những lỗ hổng về pháp lý, không ít vấn đề còn vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề cần sự phối hợp giữa các ngành, các tổ chức (như xây dựng CSDL quốc gia, cách chi tiêu ngân sách CNTT-TT)… Theo mô hình này, ở cấp quốc gia, người chịu trách nhiệm không phải là người đứng đầu (Thủ tướng, Bộ trưởng) mà là cấp phó (Phó Thủ tướng, Thứ trưởng). Ở cấp tỉnh, thành cũng vậy. Mô hình kiến trúc này cũng chưa làm rõ mối quan hệ chỉ đạo và được chỉ đạo giữa các tổ chức CNTT-TT của Đảng và Nhà nước. Nhận thức hay ý thức trách nhiệm? Khi tìm nguyên nhân thất bại trong triển khai CPĐT, người ta thường cho nguyên nhân số một là nhận thức. Điều này cần được kiểm nghiệm lại! Rất nhiều viên chức đã nhận thức được vai trò CNTT-TT trong xã hội, sự cần thiết phải phát triển CPĐT và quan trọng hơn là họ có một ý thức trách nhiệm cao, hết lòng vì dân phục vụ, nên CPĐT ở nước ta đã có một số thành công Hiện, trong bộ máy nhà nước, phần lớn cán bộ, đặc biệt những người có vị trí điều hành đều hiểu CNTT-TT có tác động lớn lao đến cuộc sống, đến thực thi trách nhiệm Có thể có những người nhận thức được tác dụng to lớn của CNTT-TT nhưng chưa tin là việc triển khai ứng dụng cụ thể liên quan đến tổ chức của mình có hiệu quả không nên không tích cực ủng hộ. Muốn thuyết phục được họ, phải có những mô hình thành công cụ thể để minh chứng chứ không phải giáo dục nhận thức Cũng có người nhận thức được vị trí của CNTT-TT nhưng lại suy nghĩ đơn giản, không thấy được sự phức tạp của quá trình tin học hóa, không hiểu rằng muốn thành công phải biết cách tổ chức, phải đầu tư, phải đào tạo… Đối với họ, cần rèn luyện về phương pháp công tác, phương pháp chỉ đạo, điều hành Một số không ít các nhà quản lý nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng CNTT-TT, nhưng không muốn thay đổi hoặc không đủ quyết tâm trang bị kiến thức, kỹ năng CNTT-TT… Còn một lớp người có thể đã nhận thức được, nhưng do CNTT-TT chưa đem lại lợi ích gì cho họ nên không ủng hộ Người đứng đầu tổ chức có vai trò quan trọng trong triển khai CPĐT cho tổ chức. Với những tổ chức có quá nhiều người không chủ động công việc của mình, chỉ làm việc thông qua mệnh lệnh từ thủ trưởng thì người đứng đầu càng quan trọng cho việc triển khai CPĐT. Như vậy, không chỉ nhận thức yếu, mà chúng ta còn thấy việc thiếu ý thức trách nhiệm và vì lợi ích cá nhân cũng làm chậm tiến trình xây dựng CPĐT. Cơ sở dữ liệu quốc gia Đáng mừng là những năm gần đây, việc triển khai xây dựng CSDL quốc gia được chú trọng như về địa lý, dân cư. Về CSDL địa lý được Quyết định 1867/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường làm 2 Dự án: (1) Thành lập CSDL nền GIS ở tỷ lệ 1:10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước và (2) Thành lập CSDL nền GIS ở tỷ lệ 1:2000; 1:5000 cho các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm. Thời gian thực hiện từ năm 2008 đến 2011 với tổng mức dự toán kinh phí là 552.515 tỷ đồng. Tại Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010, Chính phủ quy định về CSDL quốc gia về Dân cư và giao cho Bộ Công an. Theo đó, thông tin của công dân được thu thập, cập nhật gồm nhiều chỉ tiêu: Số định danh cá nhân; Ảnh chân dung; Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Giới tính; Nơi sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; CMND; Hộ chiếu; Thẻ bảo hiểm y tế; Mã số thuế cá nhân; Học vấn; Trình độ chuyên môn kỹ thuật; Nghề nghiệp, nơi làm việc; Tình trạng hôn nhân; Nơi thường trú; Nơi ở hiện tại; Họ tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha mẹ vợ chồng; Họ tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ, số sổ hộ khẩu. Nghị định 90 cho thấy tham vọng của Chính phủ về CSDL dân cư quốc gia. Thông tin của người dân cần thu thập không chỉ liên quan danh tính mà còn đến nhiều khía cạnh khác như sức khỏe, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, thuế thu nhập cá nhân, cư trú… Nghị định 90 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Tuy vậy, việc xây dựng CSDL Dân cư cần có lộ trình, trước hết phải xây dựng cho được CSDL gồm các tiêu chí cơ bản liên quan đến giấy khai sinh, CMND (có thể gọi là CSDL định danh). Những tiêu chí khác như sức khỏe, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật… sẽ được cập nhật sau. Sau khi có CSDL định danh, các ngành sẽ bổ sung làm tiếp CSDL liên quan đến ngành mình. Chẳng hạn, Bộ Công an bổ sung để có được CSDL Dân cư; Bộ Y tế xây dựng CSDL về sức khỏe người dân; ngành Thuế xây dựng CSDL về thuế thu nhập cá nhân; Bộ GDĐT về học vấn; Bộ Nội vụ về công dân; Bộ LĐ-TB-XH về việc làm… CSDL định danh cần làm ngay, bằng nhiều biện pháp rốt ráo để đảm bảo thành công. Có thể xem đây là một bước đột phá, làm cơ sở cho các ngành xây dựng CSDL của ngành mình. Cần xây dựng mối liên hệ giữa các bộ, ngành và phải có mối liên hệ giữa các bộ, ngành với hệ thống CNTT-TT của Đảng; Cần quan tâm đến thông tin các đợt điều tra nhà nước như điều tra dân số và nhà đất 1/4/2009… để kiểm tra tính đúng đắn của các hệ CSDL quốc gia đang xây dựng… Đánh giá các mức CPĐT Nhà nước đã định ra 4 mức CPĐT và việc xây dựng CPĐT những năm sắp tới theo các mức này để đặt chỉ tiêu.Tuy nhiên, để có thể đánh giá hiệu quả một cách khách quan, nếu chỉ căn cứ vào khả năng của cổng thông tin đạt đến mức nào thì vẫn mang tính hình thức. Muốn đánh giá một cách thực chất thì mỗi mức cần chỉ ra số lượng được truy cập, số lượng được phục vụ, tỷ lệ phần trăm so với nhu cầu, chỉ tiêu hiệu quả của từng mức. Chẳng hạn, việc đăng ký thành lập DN qua mạng phải đánh giá theo nội dung của Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của CP. Theo mục c, điều 9, Tổ chức xây dựng, quản lý hệ thông tin về đăng ký kinh doanh trong phạm vi toàn quốc, xây dựng CSDL quốc gia về đăng ký kinh doanh để hỗ trợ cho các nghiệp vụ về đăng ký kinh doanh, thu thập, lưu giữ, xử lý thông tin về đăng ký kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh cho các cơ quan có liên quan của CP, cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu… Như thế, việc tổ chức đăng ký thành lập DN qua mạng phải đảm bảo các yêu cầu đó của nghị định mới được xem là hiệu quả. Việc lựa chọn các dịch vụ hành chính công từ nay đến năm 2015 để đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện không chỉ chọn những việc dễ làm mà trước hết phải chọn thực hiện những dịch vụ nhất thiết phải làm. Chẳng hạn, Đề án 30 rất thiết thực với đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước nên những dịch vụ về CPĐT liên quan đề án 30 phải làm cho được. Ban Chỉ đạo CNTT-TT phải phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC), đảm bảo sự đồng bộ giữa ứng dụng CNTT và CCHC trong chỉ đạo, ứng dụng CNTT từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương các cấp. Cần xem lại việc đặt mục tiêu cung cấp qua mạng 15 dịch vụ hành chính công tối thiểu ở mức 3 từ nay đến 2015 của Bộ TTTT. Cần có sự liên kết với các viện, trường ĐH tìm phương pháp đánh giá hiệu quả CPĐT và CNTT-TT để đánh giá sâu hơn về bản chất chứ không chỉ qua các con số tổng số, phần trăm cho hầu hết các hoạt động của CPĐT như hiện nay. Đảm bảo kỹ thuật cho hạ tầng CPĐT Có nhiều phương thức: (1) Tự đảm bảo lực lượng cán bộ và hạ tầng kỹ thuật để duy trì hoạt động của hệ thống; (2) Thuê ngoài, liên kết với các doanh nghiệp (DN); (3) Tự đảm bảo một phần, phần khác thuê ngoài… DN được thuê sẽ xây dựng hệ thống và cung cấp dịch vụ trên hệ thống đó cho bên thuê (cơ quan, DN…). Nhà nước có thể thuê một hay nhiều DN xây dựng, vận hành hệ thống. Thuê ngoài có thể là thuê xây dựng; Thuê vận hành; Thuê cung cấp dịch vụ; Thuê hạ tầng. Bên thuê có thể sở hữu toàn bộ, một phần hệ thống hay không sở hữu gì cả. Để có phương thức đảm bảo thích hợp cho từng hệ thống, phải phân tích kỹ. Bất kỳ tổ chức nào cũng cần có người thực hiện chức danh Lãnh đạo thông tin (CIO) và chính họ là người có trách nhiệm tham mưu cho tổ chức tìm phương thức thích hợp. Nhìn chung, các tổ chức nên tập trung xây dựng lực lượng cán bộ khai thác hiệu quả hệ thống CPĐT, còn việc đảm bảo cho hạ tầng thì nên thuê ngoài. Tuy nhiên, không phải hệ thống CPĐT cho các tổ chức đều cần những phương thức đảm bảo như nhau mà tùy thuộc vào từng nơi. Có nơi cần xây dựng trung tâm dữ liệu riêng, có nơi chỉ nên thuê ngoài thực hiện. PC World VN
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh