28/07/2011 | lượt xem: 8 Bão số 3 đe dọa miền Trung, miền Bắc Trước diễn biến của bão Nock-ten có thể đi vào đất liền nước ta, sáng 27-7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp nóng do Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương tổ chức để đưa ra các giải pháp chủ động đón bão. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, bão Nock-ten đã đi vào khu vực đông Bắc biển Đông, trở thành cơn bão số 3 hoạt động ở biển Đông trong năm nay. Đến 19 giờ tối qua, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ vĩ Bắc và 120,4 độ kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Tây đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, nhận định, khi đi vào biển Đông, bão Nock-ten có thể giảm đi 1 - 2 cấp, nhưng sau một thời gian ngắn dưới tác động từ mặt nước biển, từ nhiệt độ của biển Đông, bão sẽ lại mạnh trở lại, đạt cấp 11 - 12. Theo đó, khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 tới khu vực đất liền của nước ta là rất lớn. Bởi vì sau khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão có xu hướng ngả về phía Tây, đi vào các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Với tốc độ di chuyển nhanh, 20 - 25 km/giờ, khoảng ngày 30-7, bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vịnh Bắc bộ, các tỉnh ven biển khu vực Bắc, Bắc Trung bộ. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế cần đề phòng ảnh hưởng của bão. Như vậy, từ chiều tối 30-7, mưa sẽ xuất hiện ở đất liền. Khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ mưa lớn sẽ kéo dài 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, lượng mưa phân bố không đều, đặc biệt cần đề phòng vành mây trước bão có thể gây dông. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát lo ngại khả năng dông sét xảy ra tương tự cơn bão số 2 vừa qua, làm hơn 10 người bị sét đánh. Ngoài ra, bão số 3 gây mưa lớn cần đề phòng lũ quét ở khu vực miền núi. Còn theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và PCLB, hiện khu vực biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi có khoảng 60.000 ngư dân hoạt động. Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, nếu tàu thuyền nào không về bờ trú kịp, các đơn vị, địa phương cần hướng dẫn họ di chuyển sâu xuống phía Nam để tránh bão. Với yêu cầu các địa phương phải nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu khiến mưa bão ngày càng cực đoan, khó dự báo. Do vậy, phải theo dõi ngay từ bây giờ để tránh chủ quan, có những biện pháp kịp thời”. Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, đạt cấp 11 - 12 khi vào biển Đông, do đó các bộ, ngành và địa phương phải cảnh giác từ đầu. Cần đề phòng khả năng nước biển dâng cao do bão số 3 di chuyển rất nhanh, lại diễn biến phức tạp, đổ bộ vào vịnh Bắc bộ đúng lúc thủy triều cạn, cộng với mưa lớn. Sau cuộc họp, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công điện khẩn gửi các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Quảng Ngãi yêu cầu chuẩn bị phương án đón bão, trong đó có phương án sẵn sàng sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm khi bão tràn vào đất liền. Ngày 27-7, tin từ Đài khí tượng - thủy văn Trung Trung bộ, vùng áp thấp nóng phía Tây vẫn tiếp tục gây nắng nóng tại các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ, có nơi trên 370C. Dự báo 2 đến 3 ngày tới miền Trung bị nắng nóng hoành hành trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến khoảng 35 - 37°C , có nơi trên 37°C. Ông Nguyễn Đình Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, hiện mực nước trên các sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) xuống thấp hơn mức cùng kỳ của nhiều năm từ 1,2 đến 1,5m. Nước mặn xâm nhập sâu với nồng độ lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp nước phục vụ cho hàng ngàn hécta lúa vụ hè - thu ở các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và thành phố Hội An. Theo SGGP.org.vn
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác dự báo bão số 5 và siêu bão Mangkhut