Bảo vệ nước dưới đất: Lấy phòng ngừa là chính

Theo dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, bảo vệ nước dưới đất phải lấy phòng ngừa là chính, chú trọng việc bảo vệ nguồn nước dưới đất tại các khu vực cấp nước sinh hoạt, khu vực đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư tập trung, các vùng khan hiếm nước, các khu vực nước dưới đất dễ có nguy cơ bị cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn và các khu vực có nguy cơ sụt, lún đất.

Bảo vệ nước dưới đất phải gắn với khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên nước dưới đất; gắn với các hoạt động bảo vệ nguồn nước mặt, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên khác có liên quan; hoạt động bảo vệ nước dưới đất ở mỗi địa phương phải gắn với bảo vệ nước dưới đất của các địa phương liền kề và phù hợp với đặc điểm tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng trong từng giai đoạn.

Dự thảo nêu rõ, bảo vệ nước dưới đất phải thực hiện ngay từ khâu quy hoạch, lập dự án đầu tư trong đó có các hoạt động liên quan đến khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất hoặc có các hoạt động gây ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng nguồn nước dưới đất.

Bảo vệ nước dưới đất là trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất phải có nghĩa vụ khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do mình gây ra và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Những hành vi bị nghiêm cấm

Theo dự thảo, nghiêm cấm thực hiện những hành vi sau:

1- Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất trái với các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

2- Các hình thức đưa nước thải vào lòng đất thông qua giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác.

3- Chôn lấp chất thải, rác thải, chất độc hại, chất phóng xạ, xác động vật dịch bệnh và chất thải nguy hại khác chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào trong các tầng chứa nước hoặc vào trong lòng đất.

4- Các hành vi hủy hoại nguồn nước dưới đất; che giấu, không tố giác hành vi hủy hoại nguồn nước dưới đất; cản trở hoạt động bảo vệ nước dưới đất.

5- Không thực hiện trám, lấp giếng không sử dụng theo quy định của pháp luật.

6- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Vùng cấm xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất

Theo dự thảo, vùng cấm xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất, cấm tăng lưu lượng của các công trình khai thác nước dưới đất hiện có (vùng cấm khai thác) là vùng thuộc một trong các trường hợp sau:

1- Vùng có mực nước dưới đất bị hạ thấp vượt quá mực nước hạ thấp cho phép do UBND cấp tỉnh quy định.

2- Vùng có tổng lưu lượng nước dưới đất đang khai thác vượt quá trữ lượng có thể khai thác.

3- Vùng nằm trong phạm vi khoảng cách không an toàn môi trường đến các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác.

4- Vùng bị sụt lún đất, biến dạng công trình, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng do khai thác nước dưới đất gây ra.

5- Vùng cấm khai thác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

nguồn: chinhphu.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
63 người đang online