27/11/2017 | lượt xem: 7 Bộ TN&MT: Trả lời các cơ quan thông tấn báo chí nhiều vấn đề "nóng" về môi trường, đất đai Sáng 27/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã chủ trì Họp báo thường kỳ Quý IV năm 2017. Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí. Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, 11 tháng đầu năm 2017, Bộ đã tập trung triển khai đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch tập trung vào các lĩnh vực có tác động đến phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường như: đất đai, khoáng sản, biển và hải đảo, môi trường. Đã cơ bản hoàn thành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai... Phát biểu tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá sự phối hợp giữa các cơ quan thông tấn, báo chí với ngành tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, trong việc phổ biến chính sách, pháp luật của ngành cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời kịp thời phản ánh những vướng mắc về chính sách để Bộ tiếp tục hoàn thiện. Thứ trưởng mong muốn trong thời gian tới các cơ quan thông tấn báo chí sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ TN&MT. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại họp báo Bên cạnh đó, Bộ đã tiến hành 24 cuộc thanh tra, kiểm tra và 02 cuộc giám sát hoạt động Đoàn thanh tra. Thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Bộ đã điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017; hướng dẫn địa phương xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018 nhằm đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo giữa Trung ương và địa phương. Đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 3.235 lượt đơn, trong đó có 1.808 đơn đủ điều kiện xử lý (25 vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của Bộ, còn lại thuộc trách nhiệm của địa phương).Tính đến ngày 24/11/2017, Bộ đã trình và ban hành 60 văn bản. Chuẩn bị tốt các tài liệu cho Bộ trưởng tham dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đặc biệt chú trọng việc giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ; trả lời chất vấn Bộ trưởng của các Đại biểu Quốc hội, tập trung vào lĩnh vực: quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản. Ngoài ra, Bộ đã cử Đoàn thẩm tra, xác minh 41 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, đã báo cáo Thủ tướng giải quyết 27 vụ việc. Thẩm tra, xác minh 37 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, đã có quyết định giải quyết 19 vụ việc với nội dung thống nhất với giải quyết của địa phương và 03 vụ việc có văn bản đề nghị địa phương giải quyết lại theo quy định pháp luật. Các công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính đều thu được nhiều kết quả tích cực. Nhất là về cải cách hành chính, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; công bố sẽ thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 đối với 58 dịch vụ công trực tuyến và ở mức độ 4 đối với 13 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; công bố Bộ Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Không có đặc cách cho Formosa xả thải vượt chuẩn Tại buổi họp, các phóng viên, biên tập viên nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan tới việc vấn đề xả khí thải tại lò thiêu kết của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) và dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải ngành công nghiệp sản xuất thép. Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Các vi phạm, tồn tại về bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề xử lý khí thải tại Xưởng thiêu kết đã được Bộ TN&MT xác định đầy đủ và Bộ trưởng TN&MT đã yêu cầu FHS có Kế hoạch khắc phục tại Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT ngày 09/11/2016, đảm bảo các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường của FHS phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của quốc tế. Như vậy, việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của FHS không liên quan đến việc nghiên cứu, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam hiện nay. FHS đã cam kết đầu tư trên 100 triệu USD để lắp đặt thiết bị khử SO2, NOx của Xưởng thiêu kết, hoàn thành vào tháng 06/2019. Trong thời gian lắp đặt các thiết bị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu FHS kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo sử dụng nguyên liệu và nhiên liệu sạch để không làm phát sinh chất ô nhiễm ra môi trường.Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức khẳng định, sau sự cố môi trường trên biển miền Trung, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng TN&MT đã chỉ đạo Tổ giám sát liên ngành phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan khoa học tiến hành giám sát thường xuyên, liên tục quá trình thực hiện các hạng mục bảo vệ môi trường cải thiện, bổ sung để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường. Cũng theo ông Thức việc phát thải của FHS trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hiện nay đang được Bộ TN&MT giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục. Các thông số ô nhiễm đo được trong nước thải, khí thải của các nhà máy, xưởng sản xuất đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Riêng tại Xưởng thiêu kết, các thông số bụi tổng, dioxin/furan, hơi kim loại,… đều thấp hơn nhiều lần so với QCVN 51:2013/BTNMT. Tuy nhiên, trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả của các thiết bị xử lý khí thải, tại một số thời điểm cục bộ, chỉ có thông số SO2 và một vài lần thông số NOx đo được cao hơn so với QCVN 51:2013/BTNMT. Việc để thông số SO2, NOx một vài lần vượt quy chuẩn tại một số thời điểm là để tính toán nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải. Từ kết quả giám sát trong quá trình vận hành thử nâng công suất, FHS sẽ đầu tư bổ sung công nghệ, thiết bị xử lý đáp ứng nghiêm ngặt QCVN. Hiện nay, để giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu về khí thải, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TN&MT, cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng không chỉ áp dụng quy chuẩn của Việt Nam mà còn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc. Liên quan đến quy chuẩn thải đối với Formosa, ông Thức cũng cho biết, đã rà soát và đề xuất sửa đổi 24 quy chuẩn về kiểm soát môi trường. Cùng đó, đề xuất sửa đổi 3 quy chuẩn liên quan đến ngành thép (về khí thải, nước thải, trầm tích đáy). Quan điểm của chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT là các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường phải nghiêm ngặt, đảm bảo tính an toàn đối với con người và môi trường, có lộ trình áp dụng đối với các nhà máy cũ và dự án mới, phù hợp với các tiêu chuẩn tiên tiến của quốc tế. Quang cảnh cuộc họp Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề án kiểm soát đặc biệt về môi trường đối với các doanh nghiệp, ông Thức cho biết đây là đề án áp dụng đối với những cơ sở có thể phát sinh ô nhiễm môi trường cao. Đề án được thực hiện theo chỉ đạo trong Chỉ thị 25 của Thủ tướng Chính phủ sau khi xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng đối với Formosa. Mục tiêu của đề án là kiểm soát được ô nhiễm môi trường, không để bị động như thời điểm năm 2016. Theo ông Thức, đề án nêu rõ một số loại hình doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao, như doanh nghiệp trong lĩnh vực xi măng, nhiệt điện, khai thác khoáng sản… Đề án cũng xác định bộ tiêu chí để từ đó xác định những loại hình có phát sinh chất thải gây ô nhiễm, cụ thể tiêu chí đó là: quy mô, công suất có tầm ảnh hưởng rộng; vị trí đặt dự án; công nghệ sản xuất; công tác kiểm soát của dự án… "Trên cơ sở đó, chúng tôi đã lấy ý kiến, rà soát được 28 cơ sở để đưa vào kiểm soát đặc biệt, và gần 300 cơ sở mức thấp hơn để cùng các địa phương kiểm tra định kỳ" ông Thức cho hay. Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cũng cho hay các doanh nghiệp như Formosa, doanh nghiệp khai thác quặng đa kim Núi Pháo, Bô xít Tây Nguyên… đã được đưa vào đề án kiểm soát đặc biệt này. Thêm tên thành viên trong gia đình vào sổ đỏ chỉ bổ sung đối với trường hợp hộ gia đình Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai Liên quan đến câu hỏi của phóng viên việc ban hành quy định thêm tên thành viên trong sổ đỏ của hộ gia đình tại Thông tư 33 năm 2017 của Bộ. Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai cho biết, quy định này chỉ áp dụng với trường hợp hộ gia đình sử dụng đất. Nguyên nhân, hệ thống pháp luật đất đai trải qua các thời kỳ khác nhau, trước đây đã có hướng dẫn ghi tên các thành viên trong hộ gia đình rồi nhưng chưa đi vào bản chất, chủ thể có quyền sử dụng đất không được ghi tên mà chỉ ghi tên chủ hộ. Hiện nay, thị trường đất đai được mở rộng, người dân được nhiều quyền lợi hơn dẫn đến việc để tên chủ hộ gia đình trong sổ đỏ cấp cho hộ gia đình không còn phù hợp. Trong thực tiễn nảy sinh trường hợp ghi tên hộ gia đình nhưng khi tham gia giao dịch bảo đảm thì một số chủ hộ đứng lên giao dịch, còn khi bị phát mại tài sản thì thành viên trong hộ gia đình nảy sinh mâu thuẫn. Ông Phấn cũng cho hay, sổ đỏ đã cấp cho các hộ gia đình trước đây vẫn có giá trị pháp lý, nếu trường hợp các thành viên trong gia đình có nhu cầu ghi tên trong giấy đỏ thì cơ quan chức năng sẽ cập nhật, bổ sung thông tin. Đồng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định việc ghi tên thành viên trong gia đình vào giấy đỏ bản chất chỉ là hướng dẫn chuyên môn trong ngành đối với việc cấp giấy đỏ cho đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình chứ không có gì mâu thuẫn, không thay đổi tính chất pháp lý, không làm tăng thủ tục hành chính. Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về Chương trình Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu:
Thông báo kết quả trúng tuyển viên chức vào làm việc tại các đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2020