Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tiếp cận tốt quản lý tài nguyên và môi trường là phục vụ hiệu quả cho tái cơ cấu nền kinh tế đất nước

Ngày 02/11, Quốc hội thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Tại phiên thảo luận này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường (Ảnh: Quốc Khánh)

Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Kính thưa Quốc hội,

Hôm nay, Quốc hội thảo luận 2 vấn đề quan trọng là đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Hai vấn đề này có mối quan hệ khăng khít với nhau, tái cơ cấu vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Là một đại biểu Quốc hội, tôi xin được trân trọng, đánh giá cao những nội dung đã nêu ở hai Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và rất nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đóng góp cho các Báo cáo này, cũng như cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Tôi xin được giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu. Những vấn đề này đã được đề cập trong mục 2, điểm 5 của Báo cáo; đồng thời qua đây, tôi xin được kết hợp giải trình một số ý kiến các đại biểu đã nêu sáng nay.

Trước hết, là vấn đề tài nguyên đất. Đất đai là tài nguyên quý giá của đất nước. Việc sử dụng hiệu quả đất đai là yêu cầu cấp bách. Cho đến nay, chúng ta chưa làm được điều đó, như nhiều ý kiến sáng nay đã nêu. Vấn đề lãng phí đất đai; đất đai ở các nông, lâm, trường quản lý chưa hiệu quả; vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai là những vấn đề nóng bỏng, và nếu chúng ta tiếp cận quản lý tốt cũng là phục vụ tốt cho tái cơ cấu kinh tế của đất nước.

Để làm được điều đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin được đóng góp một số ý kiến: Trước hết, trong thời gian tới, Bộ sẽ chủ động nghiên cứu, hiện đại hóa công tác quy hoạch sử dụng đất đai và quản lý sử dụng đất, trên cơ sở tiếp cận kinh tế thị trường, các chính sách đồng bộ, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin. Hai là kiểm kê quỹ đất trong phạm vi cả nước, đặc biệt là quỹ đất các nông lâm trường. Trong thời gian vừa qua, nhằm thực hiện Nghị quyết 112/2015/QH13 của Quốc hội, cũng như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành đã rất khẩn trương triển khai công  việc này. Cụ thể, Bộ đã tập trung cùng Bộ Tài chính bố trí hơn 600 tỷ đồng để thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính; cũng như cùng với các địa phương xây dựng Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm, trường này. Cho đến nay, 39 địa phương đã triển khai, trong đó, bước đầu 10 địa phương đã hoàn thành xong công tác đo đạc, thực hiện cấp giấy; sử dụng nguồn lực này theo hai hướng giao cho các hộ dân thiếu đất sản xuất, hoặc giao cho các tổ chức, cá nhân có năng lực, có phương án sử dụng đất hiệu quả thông qua hình thức đấu thầu quyền sử dụng đất. Điều này sẽ thu được nguồn lực lớn của đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế. Thứ ba là hoàn thiện quy định luật pháp, cơ chế chính sách sử dụng đất theo hướng cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có giá trị lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. Phần này, chúng tôi hoàn toàn tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch trao đổi để có phương án giải quyết từ khâu chính sách, thể chế; và đề xuất xem xét phương án thành lập Ngân hàng quỹ đất, trên cơ sở đó tạo niềm tin cho người dân. Ngân hàng do Nhà nước đứng ra quản lý; đất chưa có nhu cầu sử dụng, hoặc hoang hóa có thể gửi vào Ngân hàng này. Các vấn đề này, chúng tôi sẽ có Đề án cụ thể trình Chính phủ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các đại biểu trong giờ giải lao chiều 02/11. (Ảnh: Việt Hùng)

Vấn đề thứ hai ảnh hướng lớn tới quá trình phát triển trong biến đổi khí hậu, đó là tài nguyên nước. Nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt rõ ràng trở thành vấn đề nóng cần quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đặc biệt, khi chúng ta có trên 64% tài nguyên nước ở ngoài biên giới. Mùa hạn hán chúng ta bị thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn. Mùa mưa thì nhiều vùng chìm trong lũ. Trong lĩnh vực này, chúng ta cần tập trung vào các vấn đề sau: Một là đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước chung lưu vực nhằm chia sẻ hợp lý các nguồn nước lưu vực sông xuyên biên giới. Hai là nghiên cứu, xác lập kế hoạch thích ứng tối ưu với biến đổi khí hậu cho các vùng nhạy cảm như Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay chúng ta đã có Kế hoạch châu đồng bằng sông Cửu Long. Các lĩnh vực đang tái cơ cấu theo Kế hoạch này; cũng như tập trung xem xét lại vấn đề “nước là hàng hóa, nước là tài nguyên”. Bởi vậy nên xem xét lại quy hoạch trong khai thác sử dụng, tránh xung đột giữa các ngành, các lĩnh vực, giữa các vùng; đồng thời giải quyết vấn đề nước phải có giá tương thích để sử dụng nước hiệu quả.

Ba là vấn đề tài nguyên khoáng sản. Khi tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta thấy, bên cạnh dầu khí, nguồn lợi mang lại từ khai thác khoáng sản chiếm tới 40-50% GDP. Chúng ta cần đặt vấn đề giảm khai thác xuất khẩu khoáng sản thô. Điều đó hiển nhiên, muốn làm được điều đó thì cần phải làm tốt các công việc sau: Thứ nhất là sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả nhất; lựa chọn công nghệ khai thác tiên tiến, chế biến sâu; chọn thời điểm khai thác, xuất khẩu khoáng sản hợp lý nhờ vào tín hiệu của thị trường. Thứ hai là công tác khai thác, bảo vệ môi trường mỏ; kiên quyết xử lý theo luật định các mỏ, điểm mỏ đang gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và sử dụng công nghệ lạc hậu. Thứ ba là thiết lập cơ chế đấu thầu khai thác mỏ khoáng sản để đạt được hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế và bảo vệ được môi trường mỏ. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét lại lần cuối Nghị định sửa đổi Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, trong đó đặt ra vấn đề đấu thầu khai thác khoáng sản. Sáng nay, các đại biểu cũng đề cập tới tình trạng khai thác tràn lan và hủy hoại môi trường. Hiện nay, Luật khoáng sản đã xác định từ khâu điều tra, thăm dò, đến cấp giấy phép khai thác, trong đó tại Điều 82 khoản 2 có phân định cho địa phương đối với vật liệu xây dựng thông thường và than bùn; khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ cho địa phương. Thứ tư, trong thời gian tới, cần tăng cường tìm kiếm, thăm dò khoáng sản vùng biển và hải đảo của nước ta; phối hợp với quốc tế trong nghiên cứu, sử dụng công nghệ hiện đại để giải quyết vấn đề khai thác một cách hiệu quả và bền vững khoáng sản. Ngoài ra, hiện nay ở vùng đồng bằng sông Hồng có trữ lượng khoáng sản lớn trên 10 tỷ tấn than, theo công nghệ mới thân thiện môi trường, đồng thời giải quyết vấn đề an ninh nguồn năng lượng quốc gia.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tại hành lang Quốc hội trong giờ giải lao sáng 02/11. (Ảnh: Việt Hùng)

Kính thưa Quốc hội,

Một vấn đề hôm nay Quốc hội thảo luận và có lẽ tất cả các đại biểu Quốc hội trình bày, đó là giải quyết căn cơ vấn đề môi trường; chính là tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi từ một nền kinh tế thâm dụng vào nguồn vốn tài nguyên tự nhiên, xâm dụng vào chi phí môi trường. Đó là cách giải quyết, xử lý căn cơ vấn đề môi trường.

Sau một loạt sự cố môi trường, chúng ta nhận thấy, môi trường của chúng ta đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Chính vì vậy, việc đổi mới cơ cấu kinh tế chính là xác lập vị trí mới của vấn đề môi trường.Trước đây, môi trường thường là đi sau các hoạt động phát triển, "phát triển trước, làm sạch sau". Hiện nay, vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào quá trình đó. Trước đây, chúng ta bảo vệ môi trường trong phát triển; nhưng bây giờ, phát triển thì môi trường phải nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược, quy hoạch phát triển.  Hiện nay, xu hướng của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế các bon thấp cũng khẳng định mối quan hệ cơ cấu giữa kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường - đặt vấn đề môi trường cần phải đầu tư ngay từ đầu.

Sau sự cố môi trường vừa qua, Chính phủ đã làm rất nhiều công việc: giải quyết những vấn đề sự cố cụ thể; rà soát toàn bộ nguồn thải trên quá trình phát triển kinh tế trước đây. Chúng tôi đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, trong đó từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cho đến các ngành xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, hóa chất, giấy, dệt nhuộm,… Chúng tôi đã có những con số rõ ràng cho thấy, trong thời gian tới cần các biện pháp quyết liệt, nghiêm túc trong thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường; cũng như trong việc thực hiện, hoàn thiện đồng bộ các giải pháp từ đánh giá tác động môi trường; quy định về giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường; cũng như vấn đề thông tin môi trường mà Mặt trận tổ quốc và người dân sẽ giám sát.

Trên đây là một số kiến giải trình, làm rõ thêm về các vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu. Về một số vấn đề cụ thể khác, vì thời gian không cho phép, tôi xin phép được trao đổi trực tiếp với các đại biểu Quốc hội có quan tâm.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!

 

Monre.gov.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
26 người đang online