26/06/2017 | lượt xem: 3 Cát ‘lên ngôi’ và chuyện quản lý tài nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ ngành liên quan tìm ngay các giải pháp thay thế cát truyền thống phục vụ san lấp và xây dựng. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa Yêu cầu được Phó Thủ tướng đưa ra tại hội nghị về tình hình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL được tổ chức tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cuối tuần vừa qua. Trước đó, nhiều công trình trọng điểm tại ĐBSCL như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang), quốc lộ 60 (Bến Tre), Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang)... đã bị ảnh hưởng với nguyên nhân thiếu cát và giá cát đang tăng chóng mặt. Các đơn vị thi công tại các khu vực này cho biết trong thời gian qua, giá cát đã tăng gấp 3 lần, thậm chí lên hơn 200.000 đồng/m3. Với các công trình có quy mô lớn, giá cát tăng không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình mà còn làm đội giá. Với một đất nước có địa hình trải dài theo hơn 3.000km bờ biển như Việt Nam, câu chuyện “sốt cát” có vẻ vô lý. Dưới góc độ địa lý, cát được hình thành ở vùng hạ lưu của các con sông lớn, điều đó cũng có nghĩa cứ có sông là có cát. Với những hệ thống sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình (ngoài Bắc), sông Cửu Long (miền Nam) cùng rất nhiều các con sông khác cùng chảy trên lãnh thổ để tìm đường ra biển, tưởng như cát là một nguồn tài nguyên vô tận. Nhưng bất cứ thứ gì cũng có giới hạn. Và điều quan trọng nhất là nếu con người không có quy hoạch sử dụng hợp lý những nguồn tài nguyên thiên nhiên, dù là lớn đến đâu cũng có thể suy thoái và cạn kiệt. Trong thực tế những năm qua, cát vẫn bị “coi nhẹ” trong các mặt hàng vật liệu xây dựng. Với tâm lý cát ở sông chỉ việc múc lên bán, từ người dân đến doanh nghiệp đều lạm dụng cát trong xây dựng. Cát không chỉ được dùng làm nguyên liệu (trong những trường hợp bắt buộc) như trộn vữa xây trát tường, trộn bê tông mà còn được sử dụng trong cả những trường hợp mà hoàn toàn có thể thay thế đó là san lấp mặt bằng. Với mỗi công trình, sau khi đào móng lấy đi một khối lượng đất, nhiều ít tùy theo quy mô công trình, sau khi đổ móng sẽ được san lấp một khối lượng gần như tương đương nhưng lần này là bằng cát. Phía sau sự “coi nhẹ” cát đó là sự buông lỏng trong quản lý việc khai thác cát trên những dòng sông. Những năm gần đây, tình hình khai thác cát liên tục “nóng” lên và biểu hiện của nó là những mâu thuẫn xã hội liên quan đến việc khai thác cát. Đỉnh điểm của mâu thuẫn trong “cuộc chiến cát” là vụ việc đầu năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã bị “cát tặc” nhắn tin đe dọa. Sự việc nghiêm trọng đến mức ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phải cầu cứu Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng Trung ương đã phải vào cuộc. Sau chỉ đạo hết sức quyết liệt của Thủ tướng, các cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý khai thác cát thì tình trạng khai thác cát lậu mới lắng xuống. Nhưng cùng với đó cơn “sốt” cát xây dựng lại tăng nhiệt. Nhìn sang nhiều nước phát triển, trong nhiều năm qua, cùng với việc khai thác, sử dụng hợp lý cát, họ đã tìm kiếm những phương án thay thế cát trong xây dựng. Đó là dùng sỉ phế thải, đá, đất sét để san lấp mặt bằng, dùng đá nghiền để thay cát đổ bê tông. Và ngay chính tại Việt Nam cũng đã có một ví dụ điển hình về việc sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên, đó là công trình thủy điện Sơn La. Theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), công trình này đã sử dụng tới 90% là cát nhân tạo. Cùng với các giải pháp chống “cát tặc”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các Bộ phối hợp với UBND các địa phương rà soát lại các quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh nếu thấy cần thiết đối với hoạt động khai thác cát sỏi ở lòng sông, cửa sông, ở các luồng lạch, khu vực cảng biển; làm cơ sở cho việc cấp phép khai thác cát sỏi theo quy hoạch gắn với việc bảo vệ bờ sông, bờ biển, chống sạt lở đất. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu ngay việc tìm vật liệu thay thế cát xây dựng truyền thống và cát san nền để đáp ứng nhu cầu cát cho nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong quản lý quy hoạch và khai thác cát tự nhiên, cùng với đó có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện sử dụng cát nhân tạo thay thế. Có như vậy cơn “sốt” cát sẽ hạ nhiệt, “cát tặc” không còn đất sống và quan trọng hơn là tài nguyên được bảo tồn, khai thác hợp lý, bền vững. nguồn: chinhphu.vn
Thông báo đấu giá tài sản Quyền khai thác khoáng sản (khu vực chưa thăm dò) 02 mỏ cát sông Hồng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo kết quả sơ tuyển nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền thăm dò, khai thác 03 mỏ cát lòng sông Hồng tại xã Tân Hưng, xã Hoàng Hanh, xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên