Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 15/10, tại Sóc Trăng, hơn 200 đại biểu đại diện cho cộng đồng địa phương, các cơ quan Nhà nước, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi Chính phủ cùng với truyền thông từ ba nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã tham dự Diễn đàn vùng duyên hải lần II.

Đây là sự kiện do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Quỹ Phát triển bền vững (SDF) và Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng phối hợp tổ chức. Diễn đàn là một trong những hoạt động của Dự án “Cải thiện sức chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu tại vùng ven biển Đông Nam Á” do Liên minh Châu Âu tài trợ.  Diễn đàn được tổ chức nhằm chia sẻ các bài học, tiếp thu kinh nghiệm và các thực hành tốt trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ven biển của ba nước, tập trung vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên.  

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sóc Trăng và các tỉnh ven biển khác tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc áp dụng các kiến thức và kinh nghiệm mới cũng như thiếu nguồn kinh phí đầu tư. Diễn đàn lần này là một cơ hội để tỉnh Sóc Trăng được tiếp cận các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu. 

 Tiến sỹ Robert Mather – Giám đốc Khu vực Đông Nam Á (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) chia sẻ: Những cộng đồng ven biển tại ba nước láng giềng đang phải đối mặt với những vấn đề giống nhau trong tương lai do biến đổi khí hậu gây ra. Thực tế buộc tất cả chúng ta phải tìm ra cách để thích ứng trong một môi trường khí hậu đang thay đổi. Trong khi các dự án thiên về giải pháp công trình hiện vẫn đóng một vai trò nhất định trong việc nâng cao sức chống chịu với biến đổi khí hậu, thì những dự án thí điểm của IUCN trong thời gian qua cho thấy phát triển dựa trên quy hoạch từ cấp cơ sở và các giải pháp “mềm” dựa vào hệ sinh thái tự nhiên là công cụ kết nối những giải pháp được mong đợi đối với cộng đồng ven biển trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Diễn đàn vùng duyên hải khu vực khẳng định các giải pháp dựa vào thiên nhiên là mấu chốt giúp thích ứng với biến đổi khí hậu. 

  Sau hai năm thực hiện dự án tại 8 tỉnh ven biển của 3 nước gồm Thái Lan (Chanthaburi và Trat), Campuchia (Koh Kong và Kampot) và Việt Nam (Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre và huyện Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh), hơn 30 dự án thí điểm đã được thiết kế theo đặc thù thực tế từng địa phương nhằm nâng cao năng lực thích ứng của người dân và hệ sinh thái mà họ đang sống phụ thuộc. Qua đó, giúp họ đối phó với những tác động có thể lường trước được của biến đổi khí hậu và lập kế hoạch giảm rủi ro thiên tai.  

  Tại Việt Nam, 10 dự án thí điểm triển khai tại 4 tỉnh, thành được lựa chọn đã khởi động nhằm nâng cao sức chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu. Dự án rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) đầu tư khoảng 350.000 USD để thực hiện các dự án thí điểm với các hoạt động: phục hồi rừng ngập mặn, nâng cao nhận thức, nước sạch và vệ sinh môi trường, phát triển du lịch cho các cộng đồng nghèo sống phụ thuộc vào rừng ngập mặn, thay đổi thói quen không tốt trong ngư nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. 

 Trong 4 ngày Diễn đàn được tổ chức, các đại biểu của các nước sẽ có những tham luận chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình đã triển khai để thích ứng với biến đổi khí hậu, thông tin về biến đổi khí hậu, việc phục hồi và quản lý rừng ngập mặn “tấm chắn sinh học” ngăn bão; quản lý xói lở, bồi lắng và sự di chuyển của rào chắn bãi biển... Ngoài ra các đại biểu và giới truyền thông 3 nước cũng được tổ chức thành các nhóm đi thực địa tại các huyện, thị ven biển của tỉnh Sóc Trăng để khảo sát, tham quan các mô hình do IUCN triển khai. 

monre.gov.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
24 người đang online