20/06/2011 | lượt xem: 8 CNTT-TT phải là cốt lõi phát triển KTXH "CNTT-TT trở thành hạ tầng mềm để phát triển kinh tế xã hội" là chủ đề nóng của Hội nghị Lãnh đạo CNTT-TT Việt Nam lần đầu tiên (Vietnam ICT Summit 2011) do Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 10/6/2011, tại Hà Nội. Việt Nam đã vượt qua ngưỡng thu nhập thấp khi mức thu nhập trung bình của người dân đã đạt mức 1.100USD/năm. Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy hầu hết các nước sau khi vượt ngưỡng đã bị "sập bẫy" thu nhập trung bình (sau hàng chục năm vẫn không vượt qua nổi "trần thuỷ tinh" để trở thành quốc gia có thu nhập cao). Việt Nam rất có thể sẽ lặp lại vết xe đổ đó. Để có thể "tránh bẫy", theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng và Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam nên tận dụng lợi thế đi sau để tạo ra những bước nhảy vọt về công nghệ, từ đó tạo điều kiện cho những bước nhảy vọt về kinh tế. Trong điều kiện dân số trẻ và tỷ lệ người sử dụng Internet trên toàn quốc đã tăng tới 50%, CNTT-TT đã trở thành hạ tầng mềm, hạ tầng then chốt trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để có thể đạt được sự nhảy vọt về công nghệ nói chung, đặc biệt là hạ tầng mềm CNTT-TT, hiện vẫn còn thiếu nhiều điều kiện đủ, trong đó có 2 vấn đề mấu chốt là thể chế và nhân lực. Chia sẻ vấn đề thể chế, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) nhắc lại "kỷ niệm" về những ngày 'khai sinh" ra Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị từ 10 năm trước. Theo TS. Mai Liêm Trực, thời kỳ đó, CNTT-TT phát triển hạn chế, nhưng tư duy về chính sách phát triển của lãnh đạo cao cấp có vẻ có sự tin cậy hơn hiện nay. "Tư duy phát triển CNTT-TT trở thành cốt lõi của phát triển kinh tế - xã hội đất nước của cấp lãnh đạo ở nước ta hiện vẫn hơi mờ. Ngay cả Đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng chưa đủ tầm, mới chỉ đặt mục tiêu trở thành nước mạnh về CNTT-TT, nếu đủ tầm thì phải đặt mục tiêu trở thành nước mạnh bằng CNTT-TT", TS. Trực nhấn mạnh. Về vấn đề nhân lực, TS Trực cho rằng những người làm CNTT-TT Việt Nam vẫn hơi nặng về kỹ thuật, trong khi CNTT-TT là hạ tầng của hạ tầng, nhẽ ra phải "nói được giọng" của cộng đồng xã hội, của người sử dụng. Đặc biệt chú trọng tới "câu chuyện nhân lực", ông Trần Đình Thiên bày tỏ sự bức xúc về hiện trạng giáo dục đào tạo của Việt Nam đang đi ngược quy luật của thị trường. Trong khi thị trường chú trọng tới "đầu ra" thì các trường đào tạo ở nước ta lại đang "siết" chất lượng đầu vào và "thả nổi" chất lượng của các sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hội tụ các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, Vietnam ICT Summit 2011 đã tập trung trao đổi các vấn đề vĩ mô của ngành CNTT-TT cũng như những xu thế phát triển mới. Ngoài chủ đề "CNTT-TT trở thành hạ tầng mềm để phát triển kinh tế - xã hội", Hội nghị còn tập trung thảo luận 2 vấn đề vĩ mô khác gồm "Chính sách cho sự phát triển ngành CNTT-TT" và "Phát triển nhân lực cho ngành CNTT-TT". http://www.ictnews.vn
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh