Có nên mở bể than đồng bằng Sông Hồng?

Mở bể than đồng bằng Sông Hồng là một trong những ý tưởng lớn nhằm tạo thêm hướng đi cho ngành công nghiệp khai thác và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên đến nay việc lựa chọn phương án khai thác, giải pháp kỹ thuật - công nghệ, cũng như cơ chế chính sách để thực hiện vẫn còn là một ẩn số.

“Khát” than cho sản xuất điện

Cùng với sự phát triển của đất nước, năng lượng trở nên vô cùng quan trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong tương lai gần, nhu cầu than của đất nước sẽ tăng vọt. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu than trong nước các năm 2010, 2015, 2020, 2025 tương ứng sẽ là 37, 94, 184, 308 triệu tấn. Như vậy, từ năm 2012 sẽ phải nhập khẩu than, năm 2025 phải nhập khẩu tới 228 triệu tấn.

Theo PGS, TS Bùi Huy Phùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, dù kết quả dự báo nhu cầu năng lượng tuy còn chênh lệch, cần hiệu chỉnh, nhưng dù ở mức cao hay thấp thì khả năng các nguồn năng lượng trong nước theo những đánh giá và dự báo hiện nay khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là nhu cầu than cho sản xuất điện. Theo quy hoạch điện giai đoạn 2011-2020, số lượng các nhà máy điện than sẽ ngày càng lớn.

Dự kiến, năm 2020 có thêm 46 nhà máy điện than đi vào vận hành, tiêu thụ khoảng 77 triệu tấn than/năm. Trong đó, 25 nhà máy sẽ sử dụng than trong nước với số lượng khoảng 29 triệu tấn/năm; 21 nhà máy còn lại sẽ phải sử dụng than nhập khẩu với số lượng khoảng 48 triệu tấn/năm.

Nhu cầu về than phục vụ sản xuất điện là rất lớn.

Theo quy hoạch ngành than đến năm 2020, có xét đến 2030, sản lượng than thương phẩm sản xuất của toàn ngành dự kiến năm 2012 đạt 45-47 triệu tấn. Năm 2020 đạt 60 - 65 triệu tấn và năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn. Các hoạt động này của toàn ngành đến năm 2020 cần khoảng 317.736 tỉ đồng, bình quân mỗi năm ngành than cần 35.304 tỉ đồng để đầu tư khai thác, phát triển. Bể than Đông Bắc và đồng bằng sông Hồng sẽ là nơi cung cấp chủ yếu lượng than trên.

Việc tìm kiếm bổ sung nguồn năng lượng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là hết sức cần thiết. Như đã trình bày trên, các nguồn năng lượng trong nước đều có những hạn chế, việc nhập than, thực tế vừa qua cho thấy không dễ và còn có thể ảnh hưởng tới an ninh năng lượng. Chúng ta có bể than Đồng bằng sông Hồng, cần nhanh chóng làm rõ khả năng đóng góp của than Đồng bằng sông Hồng vào sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước.

Bể than sông Hồng: mới chỉ là tiềm năng

Cách đây hơn một thế kỷ, sự tồn tại của bể than đồng bằng Sông Hồng đã được người Pháp tiên đoán. Ngay từ những năm 60-70 của thể kỷ trước, trong quá trình tìm kiếm thăm dò dầu khí, các nhà địa chất nước ta cùng với các chuyên gia Liên Xô đã phát hiện có than trong trầm tích Neogen của miền võng châu thổ Sông Hồng, với dự báo trữ lượng tiềm năng có thể lên tới hàng chục tỉ tấn.

Tiểm năng bể than đồng bằng Sông Hồng rất lớn.

Những năm gần đây, một số phương án tìm kiếm thăm dò than dưới đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) đã được tiến hành.

Gần đây nhất, trong giai đoạn 1998-2002, Tổng công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Viêt Nam) đã phối hợp với các chuyên gia của Tổ chức Phát triển Năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) tiến hành phương án khảo sát các khu vực Hưng Yên, Thái Bình và một phần Hà Nội. Dự án đã lựa chọn huyện Khoái Châu - Hưng Yên để tìm kiếm tỉ mỉ và thăm dò sơ bộ. Song, cho đến nay việc thăm dò than vùng ĐBSH chủ yếu còn ở mức “tìm kiếm”, số liệu về trữ lượng than cũng chưa có con số chính xác.

Trong cuộc Hội thảo của Hội Khoa học Công nghệ Mỏ Việt Nam mới đây ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), có sự tham gia của một số chuyên gia địa chất ngành dầu khí, con số về trữ lượng than được đưa ra là 210 tỉ tấn. Tuy nhiên, trữ lượng địa chất và trữ lượng có khả năng khai thác là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia khai thác, trữ lượng khả khai ở vùng than ĐBSH chỉ khoảng 30 - 40 tỉ tấn.

Năm 2008, nhiệm vụ lập một đề án phát triển bể than ĐBSH được đã được thực hiện bởi Công ty Năng lượng Sông Hồng (thuộc Vinacomin). Khi đề án được đưa ra, đã có sự trao đổi và tranh luận từ các bộ, ban, ngành liên quan. Điều đó đã mở ra cho các nhà hoạch định chính sách rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết trước khi đi đến quyết định việc khai thác.

Nhìn một cách tổng quan, việc thăm dò, đánh giá tỉ mỉ bể than ĐBSH là rất cần thiết. Trước tiên, việc làm đó cho phép nâng cấp trữ lượng tài nguyên than và làm tiền đề cho các nghiên cứu lựa chọn các công nghệ khai thác phù hợp.

Thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, bể than nằm trong lòng Đồng băng sông Hồng có tổng trữ lượng lên tới 210 tỉ tấn, trên diện tích 3.500km2, rải khắp từ Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình và kéo dài đến thềm lục địa. Bể than khổng lồ vùng ĐBSH vẫn “ngủ yên” từ nhiều năm nay do điều kiện khai thác khó khăn.

Liên đoàn Intergeo khoan thăm dò khí - than tại mức - 600 tại Khoái Châu - Hưng Yên.

Theo quy hoạch ngành than đến năm 2020, có xét đến 2030, sản lượng than thương phẩm sản xuất của toàn ngành dự kiến năm 2012 đạt 45-47 triệu tấn. Năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn và năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn. Các hoạt động này của toàn ngành đến năm 2020 cần khoảng 317.736 tỉ đồng, bình quân mỗi năm ngành than cần 35.304 tỉ đồng để đầu tư khai thác, phát triển. Bể than Đông Bắc và đồng bằng Sông Hồng sẽ là nơi cung cấp chủ yếu lượng than trên.

Nói về tiềm năng bể than đồng bằng Sông Hồng, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Than đồng bằng Sông Hồng, tiềm năng thì than ở đồng bằng Sông Hồng lớn gấp 20 lần ở Quảng Ninh, nhưng, nếu nói về trữ lượng thì chẳng con số nào tin cậy cả. Trữ lượng phải gắn với công nghệ khai thác.

Ở bể than Sông Hồng, tiềm năng than rất lớn, nhưng trữ lượng đã được thăm dò rất nhỏ, còn trữ lượng có thể khai thác được bằng công nghệ mà Việt Nam hiện có gần như bằng 0 vì chúng ta chưa có công nghệ khai thác phù hợp.

hungyentv.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
127 người đang online