CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ HIỆN ĐẠI HÓA NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tiềm lực kinh tế ngày được nâng cao, đất nước đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tuy nhiên về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, những yếu kém, hạn chế đó có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân chủ yếu là chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của công nghệ thông tin (CNTT) trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

CNTT vừa có vai trò là hạ tầng mềm cho sự phát triển vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của tất cả các ngành và các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhờ có CNTT mà hàng loạt các ngành khoa học, công nghiệp và dịch vụ mới ra đời, cho phép giải quyết các bài toán phát triển, khắc phục được những khó khăn, ách tắc trong quản lý, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, lĩnh vực. Hạ tầng CNTT vừa là hạ tầng kinh tế, vừa là hạ tầng xã hội, là hạ tầng của hạ tầng. CNTT không chỉ có vai trò quan trọng hàng đầu trong khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội mà còn góp phần quan trọng trong cải cách hành chính, cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, minh bạch hóa thông tin, thực hiện công bằng xã hội.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, giải pháp để phát triển và ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, phát triển các doanh nghiệp, phục vụ nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy CNTT nước ta đã có bước phát triển ấn tượng với nhiều thành tựu trong ngành công nghiệp phần mềm, viễn thông và ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động quản lý. Tuy nhiên nhiệm vụ ứng dụng và phát triển CNTT hiện nay gặp nhiều khó khăn, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp chưa khai thác hết sức mạnh, khả năng của CNTT trong giải quyết các vấn đề của quản lý và phát triển, chưa thực sự chú trọng phát triển CNTT, chậm triển khai xây dựng hạ tầng CNTT đồng bộ... Nhằm khắc phục một trong những hạn chế, tắc nghẽn của tăng trưởng đất nước, Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba mũi đột phá quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020. Hội nghị Trung ương lần thứ tư (Khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 về " Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020". Trong đó CNTT và truyền thông được coi là một bộ phận của hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia; coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong từng ngành, từng lĩnh vực. Để triển khai thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2012 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó quy định những nội dung quan trọng về nhiệm vụ của các cấp, các ngành phải thực hiện về định hướng phát triển hạ tầng thông tin và ứng dụng CNTT, đồng thời xác định trách nhiệm của các Bộ, ngành, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong xây dựng hạ tầng CNTT.

Việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 13 của Trung ương và Chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng hạ tầng CNTT, sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết những khó khăn, trở ngại trong hoạt động và phát triển ngành tài nguyên và môi trường, từng bước hiện đại hóa ngành. Những nhiệm vụ chủ yếu toàn ngành cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới:

Thứ nhất, đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm hệ thống mạng thông tin tài nguyên môi trường đồng bộ, hiện đại được kết nối từ Bộ đến các đơn vị trong toàn ngành; giải quyết tốt nhiệm vụ lưu trữ, xử lý, truyền tải thông tin; xây dựng trung tâm dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường hiện đại, nhằm tích hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu của 7 lĩnh vực chuyên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý gồm: Đất đai, nước, địa chất khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, phục vụ công tác quản lý nhà nước và cung cấp thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp, công dân; xây dựng hệ thống, giám sát an ninh, an toàn, bảo mật và khắc phục sự cố; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường, trong đó ưu tiên xây dựng cơ sở  dữ liệu đất đai; đảm bảo tính đồng bộ và cập nhật kịp thời dữ liệu giữa các cấp quản lý trong ngành; xây dựng trung tâm tính toán hiệu năng cao có khả năng xử lý các bài toán đòi hỏi tốc độ tính toán cao để xử lý khối lượng dữ liệu lớn; đầu tư thiết bị, công nghệ phục vụ công việc điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc bằng công nghệ số, bảo đảm tự động hoá hầu hết việc thu nhận, truyền tải dữ liệu tài nguyên và môi trường.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các cơ quan, đơn vị trong ngành bao gồm: Ứng dụng có hiệu quả các phần mềm chuyên ngành, ưu tiên xây dựng các ứng dụng mã nguồn mở; các tác nghiệp trong quản lý hành chính thực hiện trên môi trường mạng; đẩy mạnh các hình thức giao dịch điện tử; sử dụng văn bản, chữ ký điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng loại hình dịch vụ công do các cơ quan hành chính cung ứng; nâng cao năng lực giải quyết thủ tục hành chính (hiện tại toàn ngành đang quản lý 257 thủ tục hành chính) thông qua dịch vụ công trực tuyến; cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm ngành tài nguyên và môi trường cho mọi đối tượng qua các hệ thống thông tin trực tuyến.

Thứ ba, Tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, để triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường; phổ cập kiến thức ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tài nguyên và môi trường.

Thứ tư, để tạo điều kiện thực hiện được các mục tiêu nêu trên, cần xây dựng cơ chế, chính sách toàn diện về phát triển hạ tầng CNTT bao gồm: Phân cấp quản lý thông tin, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT, huy động các nguồn tài chính đầu tư từ các thành phần kinh tế...

Với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ, toàn ngành tài nguyên và môi trường ra sức phấn đấu, kiên trì thực hiện một cách đồng bộ trong triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của ngành, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành  mục tiêu xây dựng hiện đại hóa ngành tài nguyên và môi trường với hạ tầng CNTT đồng bộ, hoàn chỉnh.

ciren.gov.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
23 người đang online