Điều kiện thi công trám lấp giếng không sử dụng

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng. Trong đó nêu rõ điều kiện đối với tổ chức, cá nhân thi công trám lấp giếng không sử dụng.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, giếng khoan nước dưới đất là giếng khoan sử dụng cho các mục đích thăm dò, khai thác, quan trắc nước dưới đất; điều tra, đánh giá, nghiên cứu nguồn nước dưới đất, tháo khô mỏ, hố móng.

Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân thi công trám lấp giếng khoan nước dưới đất phải có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

Tổ chức, cá nhân thi công trám lấp giếng khoan khác phải là tổ chức, cá nhân hoạt động hành nghề khoan và có thiết bị, năng lực thi công, lắp đặt được các giếng khoan tương đương với giếng khoan trám lấp.

Đối với giếng khoan khai thác nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách không lớn hơn 60mm, chiều sâu nhỏ hơn 30m và chủ giếng là cá nhân, hộ gia đình thì chủ giếng có thể tự thi công trám lấp giếng khoan đó. Đối với giếng đào thì chủ giếng có thể tự thi công trám lấp giếng.

Các loại giếng phải trám lấp

Giếng phải trám lấp trong các trường hợp sau:

1- Giếng khai thác nước dưới đất: Giếng có thể tiếp tục khai thác nhưng không có nhu cầu tiếp tục khai thác, sử dụng nước và không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác; giếng nằm trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; giếng bị hư hỏng không khắc phục được; giếng bị suy giảm lưu lượng, mực nước không thể tiếp tục khai thác, chất lượng nước không đáp ứng yêu cầu sử dụng và không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác.

2- Giếng khoan thăm dò nước dưới đất đã hoàn thành nhiệm vụ và không sử dụng để khai thác, quan trắc nước dưới đất hoặc không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác.

3- Giếng khoan quan trắc đã hoàn thành nhiệm vụ; bị hư hỏng không thể khắc phục được; phải thay đổi vị trí hoặc vì các lý do khác mà không thể tiếp tục quan trắc.

4- Giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất đã hoàn thành nhiệm vụ mà không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác.

5- Giếng sử dụng để tháo khô mỏ, hố móng đã hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng.

6- Giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản, khảo sát địa chất công trình đã hoàn thành nhiệm vụ và không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác.

7- Các trường hợp khác: Giếng khoan gây sự cố sụt lún đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng, chất lượng nước dưới đất hoặc gây sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống những người trong khu vực lân cận giếng khoan; giếng khoan bị sự cố trong quá trình khoan và không thể khắc phục được hoặc giếng khoan chưa hoàn thành nhưng buộc phải thay đổi vị trí khoan; giếng khoan do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định trám lấp theo quy định của pháp luật; giếng đang tồn tại trên thực tế nhưng không được sử dụng hoặc không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng vào bất kỳ mục đích nào.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
78 người đang online