Đoàn cán bộ tỉnh Hưng Yên thăm, tặng quà cán bộ chiến sĩ Trường Sa

Thực hiện kế hoạch tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm, kiểm tra Trường Sa và Nhà giàn DKI của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân năm 2013, trong các ngày từ 18 - 28.4, đoàn cán bộ tỉnh Hưng Yên cùng với đoàn đại biểu của 15 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, doanh nghiệp gồm 136 đại biểu do ông chí Phan Quang Ngừng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hưng Yên làm trưởng đoàn công tác đã đi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ và nhân dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DKI.

Đây là chuyến công tác thứ 7 từ đầu năm đến nay do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức.  Đoàn cán bộ tỉnh gồm 13 thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và đội nghệ thuật xung kích gồm 12 thành viên là diễn viên, nhạc công Đội nghệ thuật 2 (Nhà hát chèo Hưng Yên) tham gia đoàn công tác.

Đoàn cán bộ tỉnh Hưng Yên tặng quà cán bô, chiến sĩ đảo Song Tử Tây
Đoàn cán bộ tỉnh Hưng Yên tặng quà cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây

Đúng 7 giờ 30 phút ngày 18.4, sau các nghi thức tiễn đưa trang trọng, tầu HQ 996 của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân rời cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) đưa đoàn công tác khởi hành đến Trường Sa. Sau 3 ngày 2 đêm trên biển, vượt qua 470 hải lý, đến 17 giờ ngày 20.4, đoàn đến đảo Song Tử Tây. Đây là hòn đảo nằm phía bắc quần đảo Trường Sa, có hình bầu dục với chiều dài khoảng 630m, rộng khoảng 275m, diện tích phần nổi và thềm san hô khoảng 0,22km2. Đảo có nhiều nước lợ, thuận lợi cho sinh hoạt, trồng rau xanh và chăn nuôi gia súc, gia cầm của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Đảo Song Tử Tây là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà). Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo còn có các hộ dân sinh sống, các công trình dân sự, văn hoá, trạm khí tượng thuỷ văn, âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn. Làm việc tại đảo, đoàn đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tặng quà cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo; tham quan một số công trình văn hoá trên đảo. Tại đây, đoàn cán bộ tỉnh đã đến gặp gỡ, động viên 3 cán bộ, chiến sỹ quê Hưng Yên đang làm nhiệm vụ tại đảo và đến thăm, tặng quà một số hộ dân trên đảo. Buổi chiều cùng ngày, đoàn rời đảo Song Tử Tây đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Nam. Đảo Đá Nam nằm theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, dài khoảng 2,3 km, rộng khoảng 1,5km. Độ cao trung bình khoảng 0,3m; phía đông Nam của bãi cạn có một hồ nhỏ dài khoảng 600m, rộng khoảng 150m, khi thuỷ triều thấp, độ sâu của hồ từ 3 – 15m.

Sáng ngày 22.4, đoàn tiếp tục chuyến công tác đến đảo Đá Thị, thăm và tặng quà cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại đảo. Đảo Đá Thị là một trong những đảo có vị trí quan trọng trên quần đảo Trường Sa. Vượt qua những khó khăn về thời tiết, điều kiện sinh hoạt, trong những năm qua, cán bộ, chiến sỹ trên đảo duy trì nghiêm chế độ canh trực, duy trì thông tin liên lạc 24/24 giờ/ngày bảo đảm thông suốt, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu… Ngoài ra, cán bộ, chiến sỹ trên đảo còn tích cực đẩy mạnh  tăng gia sản xuất, chăn nuôi, chăm bón rau xanh và đánh bắt hải sản để cải thiện đời sống. Tiếp đó, đoàn công tác đến đảo Sơn Ca. Đảo Sơn Ca dài 440 m, rộng 102 m, với diện tích nổi và thềm san hô khoảng 0,7 km2. Trên đảo có nhiều cây xanh, cây lâu năm và thích nghi với điều kiện sống của chim Sơn Ca. Phát huy truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam, trong những năm qua, đảo đã tổ chức quán triệt nghiêm túc các kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về công tác huấn luyện chiến đấu cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ; tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ chỉ huy các cấp các loại vũ khí và thường xuyên bổ sung hoàn chỉnh các phương án chiến đấu của đảo sát với tình hình thực tế, tổ chức huấn luyện thuần thục các phương án bảo vệ đảo, giữ vững đảo trên mọi tình huống.

 

Đội văn nghệ xung kích của tỉnh biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Song Tử Tây
Đội văn nghệ xung kích của tỉnh biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Song Tử Tây

Ngày 23.4, rời đảo Sơn Ca, vượt 13 hải lý về phía Tây Nam,  đoàn tiếp tục chuyến công tác đến đảo Nam Yết,  một trong những đảo có vị trí chiến lược quan trọng trên quần đảo Trường Sa. Đảo Nam Yết có hình bầu dục, hẹp bề ngang, nằm theo hướng Đông - Tây, dài khoảng 597 m, rộng khoảng 125 m, diện tích nổi và thềm san hô khoảng 1,3 km2. Mặc dù thời tiết trên đảo khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sỹ trên đảo vẫn trồng được nhiều rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống. Cùng với tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo, đoàn cán bộ của tỉnh ta đã gặp mặt, tặng quà cho 4 chiến sỹ là người con Hưng Yên đang làm nhiệm vụ tại đảo; thắp hương tưởng nhớ tại phần mộ các liệt sỹ hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đảo, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1990, quê quán xã Hùng Cường (Kim Động), hy sinh tháng 2.2012 trong khi làm nhiệm vụ.

Sáng ngày 24.4, đoàn công tác đến đảo Sinh Tồn. Tại đây, đoàn dự lễ mít tinh kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29.4.1975 – 29.4.2013); tặng quà cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Đoàn cán bộ của tỉnh đến gặp gỡ, động viên và tặng quà cho 5 chiến sỹ quê Hưng Yên đang làm nhiệm vụ tại đảo. Buổi chiều cùng ngày, đoàn công tác đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại đảo Cô Lin và làm lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại khu vực bãi đá ngầm đảo Cô Lin ngày 14.3.1988. Ngày 25.4, đoàn công tác đến làm việc tại đảo Đá Tây. Đảo Đá Tây có hình dạng quả trám, ở giữa là một cái hồ, có độ sâu không đều. Đảo hiện có 3 nhà văn hoá đa năng, trong đó “Chương trình góp đá xây Trường Sa” xây 2 nhà và Ngân hàng Cổ phần quân đội xây 1 nhà. Tại đây, sau khi tặng quà cán bộ, chiến sỹ trên đảo, đoàn công tác đã đến thăm khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Rời đảo Đá Tây, chiều cùng ngày, đoàn công tác đến thăm, làm việc tại đảo Trường Sa. Đảo Trường Sa được mệnh danh là thủ đô của huyện đảo Trường Sa, nổi lên như một pháo đài sừng sững trung kiên giữa biển Đông, là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa. Nơi đây có sân bay, cầu cảng, nhà đèn, trạm khí tượng thuỷ văn, các hộ dân, các công trình dân sự, văn hoá. Đặc biệt, trên đảo có nước lợ thuận tiện cho việc sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Tại đây, sau khi tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo, đoàn công tác đã dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm liệt sỹ và thắp hương phần mộ các liệt sỹ trên đảo. Tại đảo Trường Sa, đoàn cán bộ tỉnh đã gặp mặt, tặng quà 4 chiến sỹ quê Hưng Yên đang làm nhiệm vụ tại đây.

Ngày 26.4, rời đảo Trường Sa, vượt 80 hải lý, đoàn công tác đến khu vực Nhà giàn Huyền Trân để làm lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam – DK1. Tiếp đó, đoàn công tác đến thăm, tặng quà cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại Nhà giàn Huyền Trân (DKI/7) và Nhà giàn Phúc Tần (DK I/8).

Sau 11 ngày công tác với hành trình dài gần 1.500 hải lý, đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tại 11 đảo nổi, đảo đá ngầm và nhà giàn DKI. Trong chuyến công tác này, ngoài hiện vật, đoàn đã tặng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân quần đảo Trường Sa số tiền 1,1 tỷ đồng; quyên góp số tiền 50 triệu đồng ủng hộ phong trào “Xanh hoá quần đảo Trường Sa”. Đội nghệ thuật xung kích của tỉnh đã tổ chức 11 buổi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo và Nhà giàn DKI; tham gia 2 buổi giao lưu văn nghệ với các đoàn công tác của các bộ, ngành Trung ương và doanh nghiệp. Tổng kết chuyến công tác, Bộ Tư lệnh Hải quân đã tặng bằng khen cho 3 tập thể; tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo” cho 5 đồng chí và tặng “Huy hiệu chiến sỹ Trường Sa” cho 120 thành viên trong đoàn.

baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
126 người đang online