20/06/2011 | lượt xem: 11 Hội nghị lãnh đạo công nghệ thông tin Việt Nam Ngày 10/6, tại Hà Nội, gần 400 đại biểu là các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp đầu ngành, các cấp quản lý nhà nước, các chuyên gia trong và ngoài nước của ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã tham dự Hội nghị lãnh đạo công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam 2011. Với chủ đề "Công nghệ thông tin và tương lai phát triển đất nước," Hội nghị tập trung thảo luận ba nội dung chính: công nghệ thông tin-truyền thông trở thành hạ tầng mềm để phát triển kinh tế xã hội; chính sách cho sự phát triển ngành công nghệ thông tin-truyền thông và phát triển nhân lực cho ngành công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chia sẻ công nghệ thông tin-truyền thông đang được nhiều nước đặc biệt coi trọng, được coi như nền tảng hạ tầng mềm quốc gia để tăng tốc và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế-xã hội. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông ở Việt Nam tuy quy mô chưa lớn, nhưng luôn là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đóng góp vào quá trình hiện đại hóa đất nước, cải thiện chất lượng cuộc sống và điều kiện làm việc, kể cả góp phần làm giảm chỉ số giá tiêu dùng đang tăng hàng tháng. Mức tăng trưởng của ngành những năm qua liên tục cao gấp 3-4 lần mức tăng trưởng GDP hàng năm. Ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông cũng phát triển rộng rãi trong xã hội, có mặt trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân. Ông Bình nhấn mạnh trong những năm tới, ngành công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam còn không ít khó khăn nhưng cũng đứng trước những thuận lợi để phát triển mạnh mẽ, góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Điểm nhấn của hội nghị là bài thuyết trình của ông Dato Dan E Khoo, Chủ tịch Liên minh Công nghệ Thông tin và Dịch vụ Thế giới (WITSA), với nội dung "Tương lai hứa hẹn của thế giới số." Theo ông Dato Dan E Khoo, công nghệ số đã, đang và sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta trong mọi mặt chính trị, xã hội, đời sống, giải trí... Vì vậy, giai đoạn hiện nay chính là thời cơ cho những doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, chuyển mình mạnh mẽ vào xu hướng chung của thế giới để phát triển hơn nữa. Các đại biểu đã chỉ ra những nhân tố quan trọng, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của ngành như: vai trò định hướng, lãnh đạo; ứng dụng công nghệ mới...Bên cạnh đó, đề xuất những thay đổi trong giáo dục, cải thiện nhận thức về ngành công nghiệp trí tuệ công nghệ thông tin-truyền thông, miễn giảm thuế và chính sách hỗ trợ tốt cho các ngành công nghiệp phụ trợ; đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại tại Việt Nam. Vấn đề nguồn nhân lực cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học hàng đầu về đào tạo công nghệ thông tin và đại diện các nhà tuyển dụng. Phân tích những thế mạnh cũng như điểm yếu của nguồn nhân lực Việt Nam, các đại biểu cho rằng,Việt Nam có một nguồn lao động dồi dào, với đa phần là đội ngũ trẻ, cần cù, ham học hỏi; tuy nhiên, kinh nghiệm, kỹ năng mềm và khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ còn chưa bắt kịp với trình độ quốc tế./. www.ciren.vn
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh