Hưng Yên cảnh giác với thiên tai

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, thời tiết cực đoan, diễn biến bất thường, không theo quy luật, khó dự đoán… làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh.

Vì vậy, chủ động các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đê tả sông Hồng được cải tạo nâng cấp góp phần tăng cường khả năng phòng chống lũ
Đê tả sông Hồng được cải tạo nâng cấp góp phần tăng cường khả năng phòng chống lũ
Năm 2015, bão số 1 đã gây ra gió cấp 6, giật trên cấp 7, kèm theo mưa lớn trên địa bàn tỉnh làm hơn 1 nghìn ha mạ, lúa mới gieo cấy thuộc các huyện: Phù Cừ, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ và Ân Thi bị ngập úng. Tại huyện Mỹ Hào, một số khu vực dân sinh bị ngập úng, biển quảng cáo, cây xanh bị đổ gãy… Đặc biệt đợt mưa trên diện rộng cuối tháng 9 năm trước đã làm gần 1 nghìn ha lúa, cây ăn quả, rau màu cây vụ đông bị ngập úng. 
 
Ngoài ra, trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh có nhiều trận dông, lốc làm thiệt hại tài sản, hoa màu của nhân dân. Điển hình là vào chiều ngày 13.6.2015, trên địa bàn huyện Khoái Châu xuất hiện một trận dông, mưa kéo dài khoảng 30 phút, lượng mưa 25mm, sức gió giật mạnh nhất lên đến cấp 6, cấp 7. 
 
Theo thống kê của huyện Khoái Châu, mưa dông đã làm 1 người dân ở xã Đông Kết bị thương nhẹ, 27 mái nhà, xưởng, lán bị gió tốc mái, chủ yếu ở các xã Tân Châu, Tứ Dân, Đông Kết, một số cột điện truyền thanh bị đổ, đứt dây; nhà cấp 4 lợp ngói, nhà tạm ở một số trang trại bị ảnh hưởng, gió tốc một phần ngói… Ngoài ra, mưa dông còn làm cây to và hơn 30ha chuối, cây ăn quả khác ở các xã: Đông Kết, Tân Châu, An Vỹ… bị đổ gãy, ước tính tổng thiệt hại khoảng 2,1 tỷ đồng. 
 
Trước đó vào tháng 5.2015, tại thôn Đào Xá, xã Vĩnh Xá (Kim Động) đã xảy ra lốc xoáy làm thiệt hại về nhà cửa, vật nuôi và tài sản khác ở trang trại của gia đình ông Đào Quang Tuynh trị giá hơn 400 triệu đồng. 
 
Năm 2015 đã qua đi nhưng hình ảnh về thiên tai vẫn luôn ám ảnh là nỗi lo sợ của nhiều người. 
 
Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Hoàn Long (Yên Mỹ) kể trong sự xót xa: “Hồi tháng 9.2015, hơn 4 sào bưởi, cam của gia đình tôi đang trong giai đoạn phát triển quả, gặp mưa, nước úng ngập gần ngang thân cây. Dù tích cực bơm nhưng gần 3 ngày mới thoát hết nước; sau đó, gặp nắng, lá và quả bị trút rụng dần, một số cây bị chết, do đó sản lượng thu hoạch giảm gần 30%. Năm nay, diện tích cây ăn quả trên vẫn còn bị ảnh hưởng, phát triển kém”. 
 
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, hàng năm, tỉnh và các địa phương đều xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN). Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng phương án chi tiết tổ chức phòng, tránh, ứng phó tại từng đơn vị, địa phương; ban hành quy định về công tác trực ban PCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh. 
 
Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương đã củng cố, kiện toàn ban chỉ huy PCTT và TKCN, thực hiện trực ban, trực chỉ huy nghiêm túc, bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thường xuyên cảnh báo, hướng dẫn xử lý sự cố thiên tai đến các đơn vị, địa phương. 
 
Bên cạnh đó, công tác nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai được tỉnh quan tâm. Các công trình xây dựng đa mục tiêu gắn với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai như: Trạm bơm, hệ thống sông, trục tiêu thoát nước, hồ chứa nước, thoát lũ, công trình đê, kè, cống… được quan tâm đầu tư. Nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần được chủ động chuẩn bị trước mùa mưa bão… 
 
Theo dự báo, năm 2016 có từ 7 - 9 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có từ 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới Hưng Yên; thời tiết, thủy văn có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. 
 
Để chủ động ứng phó với thiên tai, các sở, ngành và các huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN theo đặc thù nhiệm vụ được giao; đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục, tu bổ, sửa chữa công trình đê, kè, cống; sửa chữa trạm bơm, máy móc thiết bị, khơi thông dòng chảy; rà soát, bổ sung vật tư, phương tiện, xây dựng và tổ chức huấn luyện lực lượng tham gia PCTT và TKCN… Trong sản xuất, tập trung thu hoạch nhanh lúa xuân đã đến kỳ thu hoạch. Cùng với đó, các hộ dân cần, chủ động lắp đặt thiết bị thu lôi chống sét đối với nhà cửa, công trình cao tầng; chằng buộc chắc chắn đối với những cây cao, dễ đổ, khơi sâu rãnh thoát nước, tôn cao gốc với cây trồng. Khi mưa bão, sấm sét, trời mưa dông, người dân không nên ra ngoài; trong trường hợp đang ở ngoài trời, tuyệt đối không trú mưa dưới cây cao, tránh xa các vật dụng kim loại, nên tìm chỗ khô ráo, nơi thấp hơn để trú mưa…
baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
36 người đang online