26/06/2017 | lượt xem: 7 Hưng Yên cương quyết dẹp "cát tặc" Thời gian qua, tình hình khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng, sông Luộc qua địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. “Cát tặc” hoạt động khiến tài nguyên thiên nhiên bị thất thoát, gây sạt lở đê điều, đất canh tác của nhân dân và làm mất an ninh trật tự. Các bến bãi hoạt động sai quy định góp phần làm cho "cát tặc" khó dẹp Ngã ba sông qua địa bàn xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) từ lâu đã là “điểm nóng” về hoạt động khai thác cát trái phép. Theo phản ánh của người dân, tại đây thường xuyên có 10 – 20 tàu hút cát các loại hoạt động. Để bảo vệ đất canh tác của mình, người dân thôn Quyết Thắng, xã Tân Hưng đã cử người canh chừng các tàu hút cát. Khi phát hiện tàu hút cát vào sát khu vực bãi bồi, người dân tìm cách xua đuổi, thậm chí bắt giữ để giao cho các cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, lợi dụng khu vực ngã ba sông giáp 3 tỉnh nên các tàu hút cát trái phép vẫn thường xuyên ra, vào khai thác cát và đất canh tác của người dân mỗi ngày một lở thêm. Sự việc diễn ra tối ngày 13.3 khi anh Nguyễn Hồng Quân ở Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) bị một nhóm người trên tàu khai thác cát trái phép tại khu vực xã Tân Hưng bắn vào bụng phải đi cấp cứu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự liều lĩnh của “cát tặc” khiến người dân hoang mang, lo sợ. Ông Trần Cảnh, người dân thôn Quyết Thắng bức xúc cho biết: “Các tàu hút cát có thời điểm hút cát sát tận chân bãi bồi khiến bãi bồi bị sạt lở. Ngay khu đất trồng nhãn của gia đình tôi đã bị lở mất 2 hàng nhãn chỉ trong vòng 2 – 3 năm nay”. Không chỉ bãi bồi mà đê, kè cũng đang bị đe dọa do hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra nhiều năm. Kè Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) đã được xác nhận có cung sạt dài trên 100m, cách chân cầu Yên Lệnh về phía hạ lưu khoảng 500m. Phần chân kè đã bị sạt toàn bộ, lở hết mái kè, có chỗ sát đến đỉnh kè, tạo thành bờ vực dốc dựng đứng và hố sâu khoảng hơn 10m và tiếp tục có nguy cơ lở dài về phía hạ lưu. Kè bị sạt lở là vậy nhưng những tàu hút cát trái phép vẫn tìm mọi cách để hút cát. Theo phản ánh của nhân dân, tại đây thường xuyên có khoảng 10 tàu neo đậu và tìm cách hút trộm cát. Ngày 21.5, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ phương tiện không biển kiểm soát do Nguyễn Thanh Hùng ở Chuyên Ngoại, Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) điều khiển đang hút cát trái phép tại khu vực kè. Phòng Cảnh sát đường thủy đã lập biên bản thu giữ 2 đầu máy nổ, 15 mét ống hút cao su. UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa với số tiền xử phạt 52,5 triệu đồng. Theo tổng hợp của Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 10 trường hợp khai thác cát trái phép. Qua đó đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 7 trường hợp với số tiền xử phạt trên 380 triệu đồng, tịch thu 15 đầu máy nổ, 2 sên và hàng chục mét ống cao su; 2 trường hợp bàn giao cho Công an huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) xử lý theo quy định, 1 trường hợp đang kiến nghị đề xuất phương án xử lý. Ngoài ra, một số trường hợp do Công an các địa phương thuộc các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, thành phố Hà Nội có tuyến sông giáp ranh qua tuần tra, kiểm soát phát hiện hoạt động khai thác cát trái phép đã bàn giao cho Công an tỉnh để xử lý theo quy định và theo quy chế phối hợp giữa công an các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát đường thủy cũng kiểm tra, phát hiện và xử phạt 15 trường hợp vi phạm quy định về giao thông đường thủy của các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Người dân xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên) phát hiện, phối hợp tạm giữ các phương tiện khai thác cát trái phép trên địa bàn Phó Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy Trần Văn Dũng cho biết: Hiện nay, “cát tặc” sử dụng nhiều hình thức tinh vi để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Chúng thường khai thác vào thời điểm đêm tối, rạng sáng hoặc khi thời tiết mưa gió, có sương mù, tầm nhìn bị hạn chế. Mặt khác, một số phương tiện khai thác cát trái phép còn sử dụng thiết bị giảm thanh, khai thác ngầm dưới lòng tàu, thuyền. Thời gian hút cát đầy khoang của “cát tặc” chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ. Do vậy, việc phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Với mục đích cấp phép để quản lý hoạt động khai thác cát, từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định cấp giấy phép khai thác cát cho 10 đơn vị tại các mỏ cát thuộc địa bàn các xã: Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) 2 đơn vị; Đức Hợp – Mai Động (Kim Động) 5 đơn vị; Tân Châu – Đại Tập (Khoái Châu) 2 đơn vị; Thắng Lợi (Văn Giang) 1 đơn vị. Tuy đã cấp phép cho 10 đơn vị nhưng hiện nay chỉ có 4 đơn vị đang hoạt động khai thác cát gồm: Công ty TNHH xây dựng và sản xuất VLXD Sông Hồng khai thác tại mỏ cát khu vực xã Đại Tập (Khoái Châu); Công ty TNHH thương mại Phúc Lộc Thịnh, Công ty cổ phần Vân Đức và Công ty TNHH Xuân Trường khai thác tại mỏ cát khu vực xã Mai Động – Đức Hợp (Kim Động). Một số “cát tặc” lợi dụng việc cấp giấy phép cho các mỏ cát để hoạt động. Chúng thường neo đậu tàu, thuyền trong khu vực xung quanh các mỏ đã được cấp giấy phép và lợi dụng thời cơ để trộm cát ngoài phạm vi được phép khai thác. Tình trạng mua, bán cát trái phép giữa đơn vị được cấp phép khai thác với các tàu hút cát trái phép cũng khiến nạn “cát tặc” hoành hành. Ông Phạm Nam Lượng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hiện chỉ có 4 đơn vị đủ điều kiện và được phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị khác một phần do chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, phần chưa được sự đồng thuận của nhân dân trong khai thác, thậm chí có đơn vị vi phạm bị tạm thời đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép đang diễn ra tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, tại cả các khu vực không được phép đã tác động xấu đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, làm mất an ninh trật tư, đe dọa an toàn đê điều, phòng, chống lụt, bão, úng. Trước tình trạng này, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND quy định quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Với các quy định cụ thể, chặt chẽ về thời gian hoạt động chỉ vào ban ngày, không hoạt động vào các tháng mùa mưa, bão không chỉ giúp cơ quan chức năng dễ quản lý, xử lý mà còn tạo điều kiện để người dân các địa phương thực hiện hiệu quả hơn vai trò giám sát cộng đồng. Qua đó cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan chức năng các hành vi khai thác cát trái phép để xử lý theo thẩm quyền. Ngoài ra, Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp. Từ đó huy động sự tham gia của toàn xã hội nhằm chung tay phòng ngừa, dẹp nạn “cát tặc” lộng hành, đưa hoạt động khai thác cát đi vào nền nếp”. nguồn: baohungyen.vn
Thông báo đấu giá tài sản Quyền khai thác khoáng sản (khu vực chưa thăm dò) 02 mỏ cát sông Hồng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo kết quả sơ tuyển nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền thăm dò, khai thác 03 mỏ cát lòng sông Hồng tại xã Tân Hưng, xã Hoàng Hanh, xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên