Hưng Yên kiên quyết xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Sau hơn hai năm thực hiện Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31.3.2017 của UBND tỉnh về giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép (Kế hoạch 93a) đã đạt được những kết quả tích cực.

Toàn tỉnh đã tổ chức giải tỏa được hơn 2000 trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp, đạt tỷ lệ 27,4% so với tổng số trường hợp vi phạm đã rà soát. Nhìn chung các địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc, tích cực vào cuộc xử lý, giải tỏa vi phạm.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực sự quyết liệt trong công tác giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm vi phạm; sự phối hợp giữa một số ngành, đơn vị có liên quan với chính quyền địa phương hiệu quả chưa cao nên việc rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm chưa đầy đủ; việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép chưa triệt để, còn để phát sinh vi phạm mới; tình trạng tái lấn chiếm, tái vi phạm vẫn diễn ra.


Từ năm 2015 trở về trước, tình trạng người dân làm nhà, công trình phụ trên đất nông nghiệp ở xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) diễn ra khá phổ biến. Nhiều hộ dân lợi dụng việc chuyển đổi đất trồng lúa, ngô, dâu sang trồng cây ăn quả để xây nhà, công trình phụ, chuồng trại trên đất chuyển đổi ngoài bãi sông Hồng. Có hộ xây nhà kiên cố giữa cánh đồng, đưa cả gia đình ra sinh sống. Thời gian gần đây, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai nên những vi phạm đã được ngăn chặn. Tuy nhiên việc xử lý chưa triệt để, vi phạm nhiều, xử lý ít, vẫn để phát sinh vi phạm mới. Hiện nay, nhiều nhà kiên cố, cao tầng xây giữa đồng vẫn tồn tại.

Xã Hiệp Cường là một trong những địa phương ở huyện Kim Động có nhiều trường hợp vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp thuộc diện phải giải tỏa. Thực hiện Kế hoạch 93a, thời gian qua, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, đồng thời tiến hành giải tỏa vi phạm, song đến nay vẫn còn tồn tại một số công trình vi phạm chỉ bị xử lý nửa vời. Trong đó, điển hình là hộ ông Quảng ở thôn Đống Lương xây nhà trên đất nông nghiệp. Xã đã lập biên bản, yêu cầu chủ hộ tháo dỡ. Gia đình ông Quảng chấp hành song chỉ tháo dỡ phần mái, sau đó căng phủ bạt lên mái nhà, rồi cho người ra ở, sinh hoạt tại ngôi nhà trên. Sau một thời gian, nghe ngóng thấy tình hình không còn gắt gao như trước nên gia đình lại tiếp tục xây thêm công trình phụ, lát sân, xây tường rào… 


Cũng ở huyện Kim Động, có hàng trăm trường hợp thuộc diện giải tỏa giai đoạn 2 của Kế hoạch 93a nhưng một số xã, thị trấn mới chỉ dừng lại ở việc rà soát và tuyên truyền, vận động hoặc ngăn chặn vi phạm mới phát sinh mà chưa có kế hoạch giải tỏa. Chính vì vậy, ở một số địa phương không tháo dỡ triệt để được công trình vi phạm mà còn để xảy ra tái vi phạm và phát sinh những vi phạm mới.

Tại các xã Nhật Tân, Ngô Quyền (Tiên Lữ), một số trường hợp xây nhà, công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu dừng thi công nhưng rồi đâu lại vào đấy. Để đối phó, các hộ dân tạm dừng thi công công trình một thời gian, hoặc tháo dỡ một số hạng mục, sau đó lại tiếp tục lợp mái tôn để ở.  

Tình trạng xử lý công trình vi phạm nửa vời diễn ra ở nhiều địa phương khác. Việc xử lý thiếu kiên quyết của chính quyền cơ sở dẫn đến hiệu quả thấp, nhiều trường hợp tái vi phạm, gây hệ lụy xấu trong công tác quản lý sử dụng đất đai. 

Để công tác giải tỏa vi phạm đạt hiệu quả cao, các cấp, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý đất đai, xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-CTUBND ngày 23.5.2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung thực hiện Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31.3.2017 của UBND tỉnh. Xác định việc tổ chức thực hiện Kế hoạch 93a là việc làm thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng. UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức việc giải tỏa vi phạm trên địa bàn; quyết liệt chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có biện pháp xử lý dứt điểm các vi phạm theo quy định, đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm, tái vi phạm. Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức ký cam kết với các trường hợp vi phạm đã giải tỏa để chống tái vi phạm, chú trọng việc cam kết không tái phạm đã được giải tỏa, cam kết nếu tái phạm thì bị tạm ngừng cấp điện, nước sinh hoạt… Tổ chức tuyên truyền gắn với cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đất đai.


Bên cạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, vấn đề mấu chốt là chính quyền cấp xã phải nêu cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện và kiên quyết ngăn chặn, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để vi phạm có cơ hội tiếp diễn; không né tránh, đùn đẩy việc xử lý lên cấp trên hoặc cơ quan chức năng. Lãnh đạo xã phải sát sao, chặt chẽ trong việc đề ra các giải pháp để quản lý hiệu quả đất đai. Quy trách nhiệm cụ thể cho cán bộ chuyên môn, lãnh đạo thôn, kiểm điểm, đánh giá theo từng tháng. Cùng với đó kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, lồng ghép nội dung giải tỏa vi phạm vào các cuộc sinh hoạt đảng bộ, chi bộ, đoàn thể và họp dân.

baohungyen.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
36 người đang online