28/11/2011 | lượt xem: 10 Hưng Yên: Phát triển từ truyền thuyết và truyền thống văn hiến Nằm ở tả ngạn sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Hưng Yên từ lâu đã được biết đến với nhiều đặc sản nổi tiếng như nhãn lồng, bánh đa, làng thuốc đông y... Văn Miếu Xích Đằng - một minh chứng về truyền thống văn hiến, hiếu học và trọng nhân tài của vùng đất Hưng Yên Điều nổi bật của Hưng Yên, từ thế kỷ XVI, XVII, phố Hiến - Hưng Yên đã được xem là chốn phồn hoa đô hội nổi tiếng với câu ca truyền đời của người Việt "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, bởi nơi đây sớm mang diện mạo của một đô thị kinh tế, nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền, phố phường san sát... Giờ đây Hưng Yên đã và đang phát triển trên nền tảng bề dày truyền thuyết và truyền thống lịch sử... Bứt phá từ một tỉnh thuần nông Nối tiếp niềm tự hào của một trung tâm kinh tế, nhiều thập kỷ qua trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Hưng Yên luôn có những bước đi đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ khai thác tiềm năng sẵn có và lợi thế một cách hiệu quả, nhiều năm trở lại đây, Hưng Yên đã có bước phát triển vượt bậc trên hầu hết các lĩnh vực, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống của đại bộ phận người dân được cải thiện, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Dấu mốc đáng nhớ gắn liền với chặng đường xây dựng và phát triển của địa phương là thời điểm tái lập tỉnh năm 1997. Từ xuất phát điểm khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, kết cấu hạ tầng kém, đời sống nhân dân còn thiếu thốn... đến nay sau 15 năm (1997- 2012), Hưng Yên từ một tỉnh thuần nông đã thực sự bứt phá để trở thành một trong những địa phương nằm trong "top” đầu về phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Ông Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trước đây, trong cơ cấu kinh tế địa phương, nông nghiệp luôn chiếm tỷ trọng lớn. Người dân vẫn sống dựa chủ yếu vào cây lúa, cây màu. Nhiều nơi vẫn mang nặng tính tự cung, tự cấp, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ. Để tạo bước đột phá trong phát triển, không cách gì khác là phải chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là công nghiệp công nghệ cao, tạo sự cạnh tranh lành mạnh với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hưng Yên quán triệt sâu sắc chủ trương này, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, từng bước cải thiện môi trường đầu tư, khơi dậy sức mạnh của tất cả các thành phần kinh tế. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân đạt 11, 74%/ năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ (chiếm hơn 70%). Sản phẩm công nghiệp đa dạng về chủng loại, bảo đảm chất lượng, thương hiệu và có tính cạnh tranh cao. Tỉnh đã quy hoạch 14 khu công nghiệp; trong đó có 5 khu công nghiệp hoạt động bước đầu đạt hiệu quả, thu hút 813 dự án đầu tư (có 475 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động). Các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, với giá trị sản xuất tăng bình quân 15,1%. So với khi mới tái lập, giá trị sản xuất công nghiệp nay tăng gấp 50 lần; thu ngân sách tăng 40 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6 lần... Cùng với việc xây dựng và phát triển nhanh hệ thống hạ tầng cơ sở, công khai, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, Hưng Yên nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Hàng loạt các dự án lớn, quy mô của nhiều tập đoàn đa quốc gia, của các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước đã có mặt trên địa bàn tỉnh. Là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp, nên việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và tập trung là lựa chọn thích hợp nhất của Hưng Yên trên con đường công nghiệp hóa. Bên cạnh những vùng chuyên canh giống lúa, Hưng Yên còn xây dựng vùng chuyên canh đậu tương, lạc, nhãn, hoa... với nhiều mô hình gắn kết chặt chẽ giữa canh tác tập trung trên diện rộng và áp dụng khoa học - kỹ thuật. Việc dồn điền, đổi thửa, gắn với các chính sách ưu đãi về kỹ thuật, vốn... bước đầu mang lại hiệu quả. Đất sản xuất tập trung là tiền đề cho kinh tế trang trại phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 4.000 trang trại, trong đó có 2.500 trang trại đạt tiêu chí liên Bộ, hoạt động hiệu quả. Điển hình nhất là huyện Khoái Châu, với hơn 1.000 trang trại tổng hợp. Một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi giống cây trồng truyền thống sang các giống cây có tính hàng hóa. Các mô hình vườn - đồng, mô hình trại cây đặc sản xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã, thị trấn của huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và thành phố Hưng Yên. Điển hình nhất là xã Đông Tảo (Khoái Châu) có 100% diện tích đất canh tác được chuyển thành vườn trồng táo, quất cảnh, cam đường... mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ hộ nghèo nhờ thế giảm mạnh. Đời sống của đại bộ phận nhân dân, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 20 triệu đồng/năm. Cũng nhờ vị trí thuận lợi trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, gần Thủ đô, gần sân bay và cảng biển, hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng thuận lợi, nguồn nhân lực đông và tỷ lệ lao động qua đào tạo cao, tỉnh Hưng Yên cũng được coi là đô thị vệ tinh trong phát triển kinh tế - văn hóa - giáo dục. Đề án khu đô thị Đại học Phố Hiến đã được phê duyệt và triển khai xây dựng từ năm 2009 sẽ đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện để Hưng Yên ngày càng phát triển. Ông Vũ Văn Toàn - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên đã phấn khởi cho chúng tôi biết về hàng loạt những dự án xây dựng mới các công trình của nhiều trường đại học đã và đang triển khai trên địa bàn Hưng Yên với sự tự hào "đất Hưng Yên có truyền thống hiếu học sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận việc đầu tư, mở thêm nhiều trường Đại học tại đây...” Truyền thống từ vùng quê văn hiến Tự hào là một tỉnh có những bước đi đột phá trong phát triển kinh tế, người dân Hưng Yên còn mang trong mình niềm hãnh diện về một vùng đất văn hiến, hiếu học và rất trọng nhân tài, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hóa lớn của đất nước. Văn Miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn - TP Hưng Yên) hiện vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn, với 9 tấm bia ghi danh 138 vị đỗ đại khoa từ thời Trần đến năm 1919 - khoa thi cuối cùng của khoa cử Nho học. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, vùng đất Hưng Yên thời nào và lĩnh vực nào cũng có những nhân tài mà sử sách còn ghi danh như Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Lê Hữu Trác... Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, vùng đất Hưng Yên cũng tự hào là nơi sinh ra những nhà hoạt động chính trị, những người chiến sĩ kiên trung như Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương, Tô Hiệu, Bùi Thị Cúc... Mật độ di tích văn hóa - lịch sử ở vùng đất Hưng Yên cũng dày đặc so với những địa phương ở khu vực đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Trong đó có những đền, chùa nổi tiếng như đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung, đền thờ Tống Trân, đền Phù Ủng, chùa Chuông, chùa Phố Hiến... Trong số trên 1.200 di tích văn hóa - lịch sử - tín ngưỡng, đã có 159 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 83 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp tỉnh, đưa Hưng Yên thành tỉnh thứ 3 trong cả nước sau Thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh có nhiều di tích cấp quốc gia nhất. Với gần 400 lễ hội, đất và người Hưng Yên đã khẳng định những đặc trưng riêng, góp phần làm phong phú những nét tín ngưỡng văn hóa tinh thần của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Điều đặc biệt là trong xu thế đẩy mạnh phát triển công nghiệp, chủ trương duy trì, bảo tồn giá trị văn hiến luôn được chú trọng. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch. Gắn với một diện mạo mới của một thành phố có lịch sử 180 năm phát triển, khách du lịch bốn phương đến Hưng Yên hôm nay sẽ thực sự ấn tượng với đặc sản nhãn lồng - chè sen Phố Hiến, tương Bần, rượu Lạc Đạo, gà chân voi Đông Cảo, bánh răng bừa Phụng Công... Những sản vật làm nên bản sắc của một vùng đất từng chỉ xếp sau Kinh Kỳ một thuở... Trong chương trình mít tinh kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh (ngày 27-11-2011), Hội chợ giới thiệu sản vật và văn hóa ẩm thực Hưng Yên cũng sẽ góp phần giúp du khách hiểu hơn về vùng đất này. Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển của Hưng Yên trong giai đoạn mới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Cường cho biết: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định mục tiêu rõ ràng là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ - nhất là công cuộc qui hoạch và đào tạo cán bộ; huy động nguồn lực chủ động hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế; xây dựng nền văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó mang đặc trưng của địa phương... tất cả nhằm tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020. Theo đó, đến năm 2015 toàn tỉnh phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân đạt 12,5%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4%; công nghiệp tăng 19%; dịch vụ tăng 16%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1%; tạo thêm việc làm mới cho 11 vạn lao động... Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các địa phương đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trước tiên phải tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa; chú trọng công tác quy hoạch. Và điều quan trọng nhất là, hàng tháng lãnh đạo tỉnh phải có sự kiểm tra, đôn đốc; hàng quý tất cả các ngành, các địa phương phải có báo cáo kết quả thực hiện; sáu tháng phải có sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu. Những khó khăn, thách thức trên con đường phát triển của Hưng Yên vẫn còn ở phía trước, nhưng những thành quả mà địa phương đạt được hôm nay là mốc son thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, và nhân kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh, những người dân Việt Nam và nhất là người con của xứ nhãn, dù đang lập nghiệp ở trong hay ngoài nước, đều có quyền kiêu hãnh và tự hào khi giới thiệu về vùng đất Hưng Yên của mình, để mãi vẫn là vùng đất gắn liền biết bao truyền thống văn hoá biểu trưng của vùng đất đầy truyền thuyết... Theo hungyentv.vn
Tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kiểm kê phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện và triệu tập thí sinh tham dự vòng 2 – kỳ tuyển dụng viên chức vào làm việc tại Văn phòng Đăng ký đất đai năm 2022
Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên phát động phong trào ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do bão lũ
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức gặp mặt thăm hỏi mẹ Việt nam anh hùng và thân nhân gia đình là con thương binh, liệt sỹ