Hưng Yên: Sông teo thành... ngòi

Bề rộng co hẹp chỉ còn 1/3 so với nguyên trạng do bị san lấp thành nhà ở, xưa nhiều con sông rộng mênh mông giờ chẳng khác... con ngòi. Đây là hậu quả của tình trạng lấn chiếm "xẻ thịt" các sông trục trong hệ thống thủy lợi ở Hưng Yên đang đến mức "báo động đỏ", với những con số khủng diễn ra hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.
* Sông tiêu úng ..."tiêu" thành nhà ở                
Dọc theo các sông trục chính trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, tính sơ bộ có hơn 3.600 địa điểm vi phạm; trong đó, có hơn 1.400 trường hợp lấn chiếm làm nhà ở, hơn 1.000 trường hợp làm lều quán, trên 600 địa điểm san lấp. Tập trung nhiều nhất là ở huyện Khoái Châu với gần 1.000 điểm vi phạm; các huyện Kim Động, Yên Mỹ mỗi huyện trên dưới 400 trường hợp; các huyện còn lại mỗi nơi có trên dưới 200 điểm vi phạm.                
Ven các dòng sông, người dân cứ thi nhau cạp đất, lấn sông cho những mái nhà kiên cố cao tầng mọc lên như nấm và chi chít lều quán, đăng đó thả cá, đập ngăn sông tồn tại từ năm này qua năm khác. Dư luận cho biết, vì các địa phương đã tổ chức đấu thầu dài hạn mặt nước cho dân sử dụng để thả cá, trồng sen nên khó chấm dứt hợp đồng. Nghiêm trọng nhất là nhiều xã trước đây đã bán đất giãn dân ven sông nên lòng sông ngày càng bị lấp đầy. Điển hình là trên hệ thống sông Từ Hồ - Sài Thị, Cửu An, Tây Tân Hưng qua huyện Khoái Châu; sông Kim Ngưu, Trương Đìa thuộc huyện Kim Động; sông Hoà Bình, Đông Lỗ (thành phố Hưng Yên); sông Cầu Treo, Đồng Quê, Thái Nội (Yên Mỹ)...               
Khoái Châu được coi là "điểm nóng" nhất tỉnh Hưng Yên về tình trạng xâm phạm công trình thủy lợi. Toàn huyện có gần 1.000 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; trong đó, có hơn 500 trường hợp làm nhà kiên cố, tập trung ở một số xã Phùng Hưng, Đại Hưng... Nghiêm trọng nhất là trên sông Từ Hồ - Sài Thị đoạn từ Cầu Khé đến cống Sài Thị, trên đoạn dài hơn 4 km đã mọc lên dãy nhà kiên cố xây trên phần đất lưu không của bờ sông có chiều rộng từ 7 - 10m. Đây cũng được coi là khu vực "đắc địa" bởi nằm ven theo tuyến đường 205 nên dân 2 xã Đại Hưng và Phùng Hưng đua nhau xây nhà ngay trên bờ sông lấp kín cả hàng nghìn mét bờ sông.              
Tại huyện Yên Mỹ, việc lấn chiếm bờ sông làm nhà ở đã thành "thâm niên cố đế". Qua khảo sát, toàn huyện có hơn 400 trường hợp vi phạm, nhưng theo dư luận thì trên thực tế con số này lớn hơn gấp nhiều lần. Trên sông Cầu Treo đoạn từ xã Nghĩa Hiệp đến thị trấn Yên Mỹ, hàng trăm ngôi nhà cơi nới lấn chiếm lòng sông từ hàng chục năm nay cứ ngang nhiên tồn tại.             
Tương tự, tại huyện Kim Động với hơn 100 km sông trục tưới tiêu, trên địa bàn hiện có gần 400 trường hợp vi phạm chủ yếu san lấp bờ sông làm nhà ở. Tập trung nhiều là trên các sông Cửu An chảy qua xã Lương Bằng, Phạm Ngũ Lão; sông Kim Ngưu và Trương Đìa qua xã Toàn Thắng; sông Tân Hưng qua xã Song Mai... Tại các khu vực này, việc lấn chiếm được thực hiện bằng chiến thuật "cơi nới leo thang" khá tinh vi. Ban đầu chỉ là cạp đất để làm lều quán tạm bợ hoặc trồng cây; dần sau không thấy bị nhắc nhở nhiều hộ dân chuyển sang xây nhà tạm rồi nhà kiên cố.                              
 
*Biến dạng thành ngòi                
Hội tụ đủ các lợi thế "nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ" nên nhiều khu vực đất ven bờ sông được người dân thi nhau "khai thác tiềm năng" một cách triệt để. Nhất là những dòng sông chạy dọc theo các tuyến đường hoặc qua khu dân cư như: Sông Từ Hồ - Sài Thị men theo đường 205 (Khoái Châu); sông Cầu Treo dọc theo Quốc lộ 39 (Yên Mỹ); sông Cửu An qua thị trấn Lương Bằng, sông Trương Đìa qua xã Toàn Thắng (Kim Động). Do nhà cửa mọc lên lấn chiếm, các sông trục ở Hưng Yên cứ ngày một thu nhỏ, nhiều đoạn lòng sông bị thu hẹp chỉ còn 30 - 50% bề rộng so với trước.             
Là sông trục chính của hệ thống thủy lợi trên đồng ruộng Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mĩ nhưng đã 20 năm nay, con sông Từ Hồ - Sài Thị ngày một teo lại, lòng sông đã không còn rộng như trước, nhiều đoạn chẳng khác nào con mương. Do sự xâm lấn của hàng trăm hộ dân đã làm cho lòng sông ngày một biến dạng. Gần 20 năm nay, những ngôi nhà cứ dần mọc lên lấp đầy lòng sông; có đoạn bề rộng 45m nay chỉ còn từ 15 - 25m, giảm từ một nửa đến 2/3 so với trước.            
Trên sông cầu Treo ở huyện Yên Mỹ, do việc đua nhau "mở rộng diện tích" cạp sông làm nhà ở vườn tược, sau nhiều năm không còn thấy hình thù của một dòng sông như xưa. Ở nhiều đoạn qua các xã Tân Lập, thị trấn Yên Mỹ hai bên bờ sông cách nhau trên 50m giờ đã được "rút ngắn" khoảng cách chỉ còn hơn chục mét. Dù địa thế không "phong thủy" bằng ở các huyện Yên Mỹ, Kim Động, Khoái Châu song ở huyện Ân Thi người dân cũng đang tranh thủ đóng cọc tre, cọc bê tông chiếm dụng lòng sông để làm nhà ở. Các tuyến sông Quảng Lãng, sông Bún, kênh trạm bơm Ấp Bắc có bề mặt nước trước đây rộng trên 20m nay nhiều đoạn bị "co lại" chỉ còn chừng 5 - 10m.               
Bị "thắt eo" quá mức như trên nên nhiều con sông ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Yên Mỹ đến nay gần như tê liệt không có khả năng tưới tiêu. Kéo theo đồng ruộng luôn lâm vào cảnh "chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã úng", việc cấy trồng nhiều khi chỉ còn nước "nhờ trời mưa thuận gió hòa".                
Tuy vậy, việc giải quyết tình trạng lấn chiếm hệ thống công trình thủy lợi ở Hưng Yên vẫn chưa có biện pháp. Chính quyền cơ sở thì đưa ra lý do: các vi phạm là hậu quả để lại từ hàng chục năm trước, những cán bộ có liên quan giờ đã nghỉ hưu, chuyển công tác nên hiện tại chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Xã, huyện đành bó tay chờ các cơ quan chức năng xử lý. Dù năm nào tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương kiên quyết giải tỏa, xử lý triệt để nhưng các vi phạm vẫn không hề giảm mà còn "tăng thêm so với cùng kỳ năm trước". Sau khi xử lý mọi chuyện vẫn "đâu lại hoàn đấy".
monre.gov.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
134 người đang online