Khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII: Năm 2014, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn năm 2103

Ngày 21/10, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên khai mạc

Sẽ thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Kỳ họp thứ sáu là kỳ họp giữa nhiệm kỳ Quốc hội và cũng là nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đây là kỳ họp có vị trí đặc biệt quan trọng để chúng ta nhìn lại chặng đường gần ba năm qua, đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác của ngành tư pháp, kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, tệ nạn xã hội và các mặt công tác khác; xác định những việc cần làm trong năm 2014 và chặng đường còn lại của Kế hoạch 5 năm để bảo đảm thúc đẩy phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, hai nội dung lớn trong công tác xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 6 là Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để việc thông qua Hiến pháp đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, trong kỳ họp này Quốc hội sẽ dành thời gian thích đáng để tiếp tục tổ chức thảo luận dân chủ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với tinh thần chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục những vấn đề đặt ra.

Khẳng định, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một bộ luật nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Quốc hội đã dành 3 kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến, đồng thời chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc ý kiến của nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để hoàn thiện dự thảo Luật.

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, Chính phủ ước  tính có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt.

Trong đó 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP (đạt 29,1% so với kế hoạch 30%) và tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước/GDP (5,3% so với kế hoạch 4,8%). Hai chỉ tiêu xấp xỉ đạt là tăng trưởng GDP (đạt 5,4% so với kế hoạch 5,5%) và tạo việc làm (tạo được 1,54 triệu việc làm so với kế hoạch 1,6 triệu).

Thủ tướng khẳng định, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát song vẫn chưa vững chắc. Theo Thủ tướng, mức nợ xấu "còn cao": Đến cuối tháng 8, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,64%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động 9 tháng tăng 12,8% so với cùng kỳ.

Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm. Cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển.

Đề cập mục tiêu tổng quát trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, năm 2014 sẽ tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Về chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, Chính phủ trình Quốc hội chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,8%. Giá tiêu dùng tăng khoảng 7%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ 9 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Trong đó kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nguồn lực đầu tư phát triển với định hướng ưu tiên vào các ngành sản xuất và nông nghiệp để hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý và mục tiêu việc làm. Điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường, kể cả thị trường bất động sản; quan tâm nhiều hơn đến phát triển thị trường trong nước; tạo chuyển biến rõ nét tình trạng hàng hóa tồn kho và nợ xấu.

 Đặc biệt, tập trung hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến tái cơ cấu kinh tế, tổ chức bộ máy Nhà nước sau khi Hiến pháp 1992 (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và một số luật khác được ban hành. Theo Ủy ban Kinh tế, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết những vấn đề bức xúc xã hội, khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ liên quan đến đất đai, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Quan tâm đến bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH

Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 của Chính phủ nêu rõ: Các quy định, cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tập trung xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý để bảo vệ, khai thác hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên.

Công tác kiểm tra, theo dõi công tác giao đất, cho thuê đất, rà soát các dự án chậm đưa đất vào sử dụng; kiểm tra tình hình thực hiện thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đẩy mạnh. Công tác quản lý chất thải và cải thiện môi trường được tăng cường. Tiếp tục đẩy nhanh xây dựng quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn, thực hiện việc thu gom chất thải rắn, bảo vệ môi trường.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015 được tích cực triển khai.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được tích cực tổ chức thực hiện thông qua việc nghiên cứu xây dựng Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) được xử lý dự kiến đạt 85%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 84%.

Dự báo đến cuối năm 2013 tỷ lệ KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường mới đạt 75%, rất khó đạt kế hoạch đề ra là đạt 100% vào năm 2015.

Đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2014, báo cáo của Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thực hiện có hiệu quả các định hướng ưu tiên về tài nguyên và môi trường của Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Chính phủ cũng cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, tập trung xử lý môi trường làng nghề, kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cùng với đó, nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, sự biến động khí hậu bất lợi đối với môi trường; ứng cứu kịp thời và khắc phục hậu quả xấu do thiên tai gây ra. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường ở các lưu vực sông, bảo đảm cân bằng sinh thái. Tích cực triển khai các thủ tục để Việt Nam tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về sử dụng các nguồn nước quốc tế vào năm 2014…

monre.gov.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
38 người đang online