Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII - Tăng cường quản lý tài nguyên nước bằng quy hoạch, chiến lược

Ngày 2/11, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã trình bày trước Quốc hội các nội dung sửa đổi của Luật Tài nguyên nước. Việc quản lý tài nguyên nước bằng chiến lược, quy hoạch được thể hiện rõ trong lần sửa đổi này.


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trình bày nội dung chính của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

 

Toàn bộ 12 Điều của Chương II - Điều tra cơ bản, Chiến lược, Quy hoạch tài nguyên nước là những nội dung mới, quy định chi tiết về công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước; tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước; chiến lược tài nguyên nước; quy hoạch tài nguyên nước; nguyên tắc lập quy hoạch tài nguyên nước; căn cứ lập quy hoạch tài nguyên nước; nội dung nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước; nội dung quy hoạch tài nguyên nước; lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch tài nguyên nước; điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước; tổ chức thực hiện quy hoạch tài nguyên nước; lưu trữ hồ sơ, cung cấp thông tin quy hoạch tài nguyên nước.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, ngoài điểm mới về chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, dự thảo Luật tiếp tục khẳng định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về tài nguyên nước, đồng thời thể hiện rõ quan điểm phải khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ có hiệu quả tài nguyên nước – nguồn tài nguyên có thể tái tạo nhưng hữu hạn. Từ đó, khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ, đầu tư công trình, thực hiện các biện pháp khai thác, sử dụng nước tổng hợp, đa mục tiêu, tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước. Một điểm mới nữa là tăng cường áp dụng các công cụ, biện pháp kinh tế, tài chính trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ tài nguyên nước, cụ thể hóa các quan điểm, nguyên tắc coi tài nguyên nước là tài sản, người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước thì phải nộp tiền.

Hàng loạt các điểm mới của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) kỳ vọng sẽ đưa việc quản lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên sống còn này.

Đối với việc bảo vệ tài nguyên nước, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể về các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; kế hoạch phòng, chống ô nhiễm nguồn nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái; các biện pháp ứng phó và khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; hành lang bảo vệ nguồn nước; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và bảo vệ các dòng sông. Đồng thời chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung quy định về bảo vệ nước dưới đất; xả nước thải vào nguồn nước và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp phép xả nước thải vào nguồn nước nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ nước dưới đất, quản lý các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước.

Dự thảo Luật bổ sung các quy định về tiết kiệm nước: sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế thất thoát nước trong các hệ thống cấp nước; ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phát triển khoa học, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả nhằm thực hiện chủ trương chống lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Cũng để quản lý một cách bài bản trong bối cảnh các ngành sử dụng nước một cách tối đa, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, dự thảo Luật bổ sung các quy định về quy hoạch, xây dựng và khai thác sử dụng nước của hồ chứa; quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông; kế hoạch điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông; bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp, hiệu quả tài nguyên nước… Có các quy định cụ thể về phân lũ, chậm lũ và huy động lực lượng, phương tiện cho việc phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ, lụt được thực hiện theo pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt, bão.

Việc quản lý tài nguyên nước phải theo nguyên tắc tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước theo lưu vực sông kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính. Về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, dự thảo Luật quy định cụ thể hơn của các Bộ, ngành và của chính quyền địa phương các cấp; bổ sung quy định về việc điều phối lưu vực sông.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra cơ bản thống nhất với dự thảo luật.

Đối với điều tra cơ bản tài nguyên nước, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là công việc đòi hỏi phải có đầu tư kinh phí, nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật. Do đó, công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước cần được thực hiện theo một quy hoạch, trong đó xác định nội dung công việc, thứ tự ưu tiên, các giải pháp và tiến độ thực hiện, nhu cầu kinh phí, nhân lực, kỹ thuật…  Vì vậy, đề nghị, cân nhắc bổ sung quy định về quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước để làm cơ sở cho việc triển khai công tác điều tra cơ bản.

Ủy ban Kinh tế tán thành với việc phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các công trình trên. Dù phương án được lập riêng hay thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường thì đều phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận. Để đơn giản và thống nhất thủ tục hành chính, đề nghị quy định phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đối với quy định sử dụng nguồn thu từ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, đây là nguồn thu phải được hạch toán vào ngân sách nhà nước và các khoản chi cho hoạt động tài nguyên nước phải dựa trên cơ sở dự toán đã được phê duyệt. Cũng tương tự như vậy, các quy định khác trong Chương VI của dự thảo Luật cũng cần được rà soát cho phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước, thuế, phí và lệ phí…

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XIII có 10 Chương, 85 Điều. Trong đó có 36 điều được bổ sung mới toàn bộ về nội dung và có 49 điều được sửa đổi, bổ sung nội dung. So với Luật Tài nguyên nước hiện hành, Dự thảo Luật tăng 10 điều. Theo kế hoạch, ngày 3/11, các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ và ngày 9/11, đại biểu sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này.

Theo monre.gov.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
30 người đang online