Năm 2017: Ngành TN&MT đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2018 của ngành Tài nguyên và Môi trường diễn ra sáng ngày 08/01/2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

 
Toàn cảnh Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2018 của ngành Tài nguyên và Môi trường

Theo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã trình bày tại Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của ngành

Toàn ngành đã lấy phương châm “tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” làm trọng tâm hành động; tiếp tục tăng cường hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; đổi mới công tác kế hoạch, đầu tư; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Kết quả đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo thế và lực cho năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ngành tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về Tài nguyên và Môi trường. Ngành Tài nguyên và Môi trường đã tập trung nguồn lực đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, tập trung vào các lĩnh vực như đất đai, khoáng sản, môi trường. Năm 2017, Bộ đã trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến đối với dự án Luật đo đạc và bản đồ, trình Chính phủ ban hành 07 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; trình Thủ tướng Chính phủ 14 đề án; ban hành theo thẩm quyền 74 thông tư. Hệ thống, chính sách, pháp luật mới được ban hành đã bám sát yêu cầu của thực tiễn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Đặc biệt, trước nguy cơ ngày càng hiện hữu do tác động của biến đổi khí hậu, Bộ đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, mở ra một mô hình mẫu về phát triển các vùng đồng bằng lớn thích ứng với biến đổi khí hậu trên phạm vi cả nước.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo được đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, gắn với những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Trong năm 2017, toàn ngành đã tiến hành hơn 2.300 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với gần 7.500 tổ chức, cá nhân; tổ chức tiếp công dân 5.800 lượt với tổng số gần 7.200 lượt người; tiếp nhận gần 13.300 lượt đơn thư, trong đó có 9.700 lượt đơn đủ điều kiện xử lý; đã có văn bản hướng dẫn, giải quyết hơn 7.000 đơn thư. Bộ đã cử Đoàn thẩm tra, xác minh 41/41 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, 37/48 vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết 28 vụ việc, có văn bản giải quyết theo thẩm quyền 24 vụ việc.

Tiếp tục coi đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với mục tiêu cắt giảm chi phí, cắt giảm thời gian, loại bỏ phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ đã trình Chính phủ cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện TTHC liên quan đến quyền của người sử dụng đất; phối hợp với Bộ Xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định về các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất trong cấp phép xây dựng; rà soát, đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ; thực hiện liên thông TTHC đối với 11 thủ tục môi trường, biển và hải đảo, tài nguyên; thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 đối với 58 thủ tục và ở mức độ 4 đối với 13 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ...

Tiếp tục chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Triển khai Nghị định số 36/2017/NĐ-CP, Bộ đã rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các vụ, tổng cục, cục trực thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối; đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1899/QĐ-TTg về danh sách các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổng cục. Các địa phương đã tập trung rà soát, kiện toàn cơ quan TN&MT cấp tỉnh, cấp huyện.

Đồng thời, xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt, Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030; điều chỉnh Quy hoạch phát triển nhân lực ngành TN&MT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hợp tác, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực quản lý; huy động được nguồn lực, kinh nghiệm của quốc tế cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ đã thiết lập quan hệ hợp tác song phương với 77 quốc gia và vùng lãnh thổ, 101 khuôn khổ hợp tác đa phương; quản lý thực hiện 34 dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi với tổng vốn cam kết 8.834 tỷ đồng, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực: môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước và đất đai.

Đổi mới công tác kế hoạch, tài chính, cách thức chỉ đạo, điều hành trong xây dựng, triển khai kế hoạch và dự toán ngân sách; Bộ ưu tiên đầu tư các nhiệm vụ quan trọng cấp bách đặt ra đối với ngành; thực hiện tốt công tác tổng hợp, phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường của cả nước.

Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin đã được đổi mới, bám sát yêu cầu về lý luận, thực tiễn và các định hướng nghiên cứu theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; tập trung xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ TN&MT, kết nối với các địa phương; đẩy nhanh việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1618/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.

10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018

Trong năm 2018, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiêm túc quán triệt phương châm hành động của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, tiếp tục tăng cường kỷ cương hành chính; tạo đột phá về thể chế, chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững; tổ chức tốt việc thực thi; từng bước hiện đại hóa nền hành chính; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như sau:

(i) Tiếp tục hoàn thiện, tạo bước đột phá về thể chế, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

(ii) Kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 18/NQ-TW. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hiện đại; chuyển đổi mạnh mẽ mô hình quản lý hiện nay sang mô hình phục vụ người dân, doanh nghiệp, kiến tạo cho phát triển.

(iii) Đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện cung cấp Dịch vụ công trực tuyến đối với tất các các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường. Tăng cường hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế; đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ.

(iv) Tập trung sửa đổi Luật đất đai năm 2013; hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc, lập hồ sơ địa chính, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với đất có nguồn gốc của nông, lâm trường quốc doanh; hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu.

(v) Hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước; Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Sửa đổi, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa. Chủ động hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng nguồn nước xuyên quốc gia.

(vi) Tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm; tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông, khu công nghiệp. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.

(vii) Xây dựng các thiết chế quản lý hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

(viii) Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo nhất là dự báo xa. Huy động nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

(ix) Hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua dự án Luật đo đạc và bản đồ tại kỳ họp thứ 5. Điều chỉnh, bổ sung Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ đến năm 2030, định hướng phát triển đến năm 2035.

(x) Triển khai Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo. Hoàn thành việc xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh viễn thám quốc gia đến năm 2025.

nguồn: monre.gov.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
22 người đang online