Ngành TN&MT: Đầu tư nâng chất lượng nguồn nhân lực

Nhân lực ngành khí tượng thủy văn đang thiếu trầm trọng về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trong khi đó, khả năng cung ứng nhân lực từ các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng của xã hội. Tuy vậy, sự thiếu hụt nhân lực trong ngành khí tượng thủy văn và hải dương học, đã và đang giúp những cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành này có thêm nhiều cơ hội tìm được việc làm, nhất là khi Luật Khí tượng thủy văn có hiệu lực thi hành.

Cán bộ ngành TN&MT kiểm tra bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Ảnh: MH

Nhu cầu thực tế cao, song hiện nay số lượng tuyển sinh hằng năm ở các trường rất khiêm tốn. Theo TS. Nguyễn Quang Hưng, Khoa Khí tượng Thủy văn và hải dương học, Trường Đại học khoa học Tự nhiên, vấn đề thu hút sinh viên theo học các ngành Khí tượng, Thủy văn, Hải dương của trường đều gặp khó khăn. Hằng năm, tổng số sinh viên tuyển được ở cả 3 ngành này nằm trong khoảng từ 50 -100 sinh viên, ít hơn so với chỉ tiêu đặt ra là 120 sinh viên. Mùa tuyển sinh năm 2015, ngành Thủy văn chỉ tuyển được 6 sinh viên... Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội số lượng tuyển sinh ổn định hơn, khoảng 500 sinh viên cả hệ đại học và cao đẳng, nhưng vẫn ít hơn so với các chuyên ngành khác.

Theo Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, nhân lực công tác trong hai lĩnh vực này ở cấp Trung ương đang có khoảng 4.000 người, dự báo trong giai đoạn 2015 – 2020 cần thêm khoảng 600 – 1000 người, chủ yếu để bổ sung, thay thế đội ngũ cán bộ nghỉ hưu. Chưa kể tại nhiều địa phương, do đặc thù chuyên ngành nên số cán bộ, công chức quản lý rát ít, có trình độ đại học còn hạn chế. Ở cả hai cấp tỉnh và huyện đều chưa có cán bộ được giao chuyên trách công tác quản lý mà hầu hết là kiêm nhiệm.

Với mỗi quốc gia, nền tảng phát triển chính là nguồn lực về tài nguyên và khoa học công nghệ… Trong đó, tài nguyên con người là yếu tố có tính chất quyết định việc phát triển vượt bậc hay tụt hậu của một nền kinh tế.

Ngành TN&MT là ngành đa lĩnh vực được hình thành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước, trong đó, có nhiều lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, liên quan trực tiếp tới quyền lợi của nhân dân. Đồng thời, là ngành điều tra cơ bản, dự báo gắn liền với nghiên cứu, phát triển khoa học – công nghệ. Do đó, trước nhu cầu ngày càng cao của công tác quản lý Nhà nước về ngành, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành có đủ số lượng, đảm bảo phẩm chất năng lực, trình độ, cơ cấu ngành nghề, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là hết sức cấp thiết.

Thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng

Theo Thống kê mới đây của Vụ Tổ chức cán bộ Bộ TN&MT, hiện Bộ có khoảng 1.200 công chức đang công tác tại các đơn vị quản lý Nhà nước; 11.000 viên chức, người lao động làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; đội ngũ tại địa phương khoảng 33.600 người. Bên cạnh đó, còn đội ngũ viên chức, người lao động ở các ngành, lĩnh vực quản lý Nhà nước khác và doanh nghiệp như: lực lượng cảnh sát môi trường và sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp về TN&MT khu chế xuất, khu công nghiệp, tập đoàn…

Mặc dù có số lượng tương đối lớn, nhưng ở cấp Trung ương có sự hụt hẫng về đội ngũ công chức, viên chức có trình độ cao, chuyên môn sâu. Ở cấp địa phương, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức địa phương không đồng đều, đặc biệt cấp huyện và xã còn yếu, tập trung nhiều ở lĩnh vực môi trường, địa chất khoáng sản, nước, biển và hải đảo còn rất thiếu trong khi các lĩnh vực này càng ngày trở lên cấp thiết; nhiều địa phương đứng trước tình trạng khan hiếm nhân lực trình độ cao về chuyên môn nghiệp vụ…

Đồng thời, phần lớn số công chức, viên chức được đào tạo về các chuyên ngành kỹ thuật, thiếu kỹ năng quản lý. Trong khi đó, chính sách thu hút người học một số chuyên ngành chưa được quan tâm dẫn tới tình trạng một số chuyên ngành còn ít học sinh, sinh viên như: khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, biển và hải đảo… Số lượng chuyên gia được đào tạo trình độ cao ở nước ngoài đã nghỉ hưu, hoặc chuẩn bị nghỉ vẫn chưa có đội ngũ thay thế.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, trong các năm qua còn hạn chế, mất cân đối giữa các ngành các cấp đào tạo. Nhiều lĩnh vực quản lý mới của Bộ chưa được các cơ sơ đào tạo quan tâm xây dựng chương trình đào tạo và tuyển sinh kịp thời dẫn tới thiếu hụt cả Trung ương lẫn địa phương. Các trường đại học mới chỉ tập trung đào tạo về công nghệ, kỹ thuật chưa chú trọng đào tạo kiến thức về quản lý cho các lĩnh vực chuyên môn TN&MT. Một số lĩnh vực chuyên sâu của ngành chưa được các cơ sở đào tạo quan tâm, đặc biệt là đào tạo sau đại học và đào tạo cán bộ ở trình độ cao…

Theo thống kê trên cả nước, hiện nay, Bộ TN&MT có 3 trường đào tạo và 3 viện đào tạo trình độ tiến sỹ; 80 trường đại học và cao đẳng đào tạo chuyên ngành TN&MT (chiếm gần 20% tổng số các trường cao đẳng, đại học).

Quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo về TN&MT

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, phát triển nhân lực lĩnh vực TN&MT, Vụ Tổ chức cán bộ cho rằng, thời gian tới sẽ xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo về TN&MT trên cả nước, phù hợp với mạng lưới các cơ sở đào tạo của hệ thống giáo dục; hình thành liên kết vùng, khu vực; tạo  các diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong quản lý, đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách về đào tạo, quản lý đào tạo, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan sử dụng lao động và cơ sở đào tạo; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên học các chuyên ngành về TN&MT, đặc biệt vào một số ngành khó tuyển, các ngành quản lý mới; xây dựng chính sách xã hội hóa để tăng cường nguồn lực cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành.

Xây dựng chiến lược đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các cơ sở đào tạo trên cơ sở rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nhân lực ngàn; tuyên truyền nâng cao nhận thực về đào tạo phát triển và và sử dụng nhân lực ngành; tăng cường chất lượng đội ngũ giải viên, cán bộ quản lý giáo dục, rà soát hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo; mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo…

Hiện cán bộ ngành quản lý đất đai bao gồm cả 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) là gần 30 nghìn người, trong đó, cấp tỉnh có khoảng 6 nghìn người, cấp huyện gần 12 nghìn và cấp xã hơn 11 nghìn người đã góp phần đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian qua. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ trẻ của ngành được đào tạo còn thiếu kinh nghiệm thực tế, nhất là số có độ tuổi dưới 30 chiếm tỷ lệ cao là hơn 31%; tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sỹ, chuyên gia chỉ đạt gần 4%, một số cán bộ có kinh nghiệm đã nghỉ hưu, nguy cơ thiếu hụt cán bộ có trình độ, chuyên môn sâu.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, hiện tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc toàn ngành tính đến cấp xã có khoảng 15.559 người. Trong đó, ở Trung ương có 586 người, ở cấp tỉnh có khoảng 1.701 người, cấp huyện có khoảng 2.124 người và cấp xã có khoảng 11.148 người nhưng làm kiêm nhiệm các chức vụ địa chính – xây dựng và môi trường. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức, viên chức làm công tác môi trường ở các Bộ, ngành, lĩnh vực quản lý Nhà nước khác, chưa kể lực lượng cảnh sát môi trường, có khoảng trên 700 người.

Theo dự báo từ nay đến năm 2020, tổng nhu cầu về nguồn nhân lực quản lý lĩnh vực môi trường khoảng 25% trong khi hiện tại mới đáp ứng được khoảng 14% nhu cầu thực tế. Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ đang công tác trong lĩnh vực môi trường của cả nước khoảng 17.000 người. Để đáp ứng được nhu cầu này cần phải đổi mới và tìm ra các giải pháp tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành môi trường,  đặc biệt là tại các địa phương.

 

monre.gov.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
26 người đang online