24/04/2017 | lượt xem: 5 Ngành TN&MT: Nhiều chính sách, hành động cụ thể hướng tới đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình hành động ngoài việc quán triệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các Nghị quyết nêu trên, nhấn mạnh tới việc nâng cao ý thức về vai trò và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ TN&MT trong nhận thức và hành động nhằm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và thực hiện thành công Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Theo Chương trình hành động, Bộ đặt nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch về quản lý TN&MT; đẩy mạnh việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị và công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trước hết tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp... Hoàn thiện pháp luật về đất đai; thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất; tạo điều kiện tích tụ, tập trung đất đai, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội Đối với lĩnh vực đất đai, sẽ tập trung đánh giá việc tổ chức thi hành Luật Đất đai; đánh giá tác động của các chính sách đất đai đối với phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các pháp luật khác có liên quan; thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất; tạo điều kiện tích tụ, tập trung đất đai, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài) tiếp cận đất đai để thực hiện đầu tư sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nhưng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả và không để thất thoát đất đai của Nhà nước; khắc phục tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, đặc biệt là đối với công tác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định gây khó khăn, vướng mắc liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh… Xây dựng cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường Đối với lĩnh vực môi trường, sẽ tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện, tiếp tục hoàn thiện về pháp luật bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng Đề án về cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó, chú trọng đến thu gom, vận chuyến, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thực hiện các giải pháp cần thiết nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; khoanh vùng, xử lý, cải tạo các khu vực bị ô nhiễm, trong đó chú trọng đến các khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; giám sát vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới; tổ chức xây dựng và triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; phối hợp với các bên liên quan thực hiện chặt chẽ quy định của Công ước Basel về vận chuyển chất thải nguy hại xuyên biên giới và tiêu hủy chúng, giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu chất thải nguy hại xuyên biên giới nhằm giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khí tượng thủy văn và các nội dung liên quan đến khí tượng thủy văn trong Luật Phòng, chống thiên tai, xây dựng mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia, mạng lưới định vị sét thực hiện các đề án về xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, cơ sở dữ liệu biến đổi khí hậu quốc gia; điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn; quản lý phục vụ, dịch vụ khí tượng thuỷ văn; giám sát biến đổi khí hậu, giám sát phát thải khí nhà kính và kiểm kê quốc gia khí nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon tại Việt Nam; về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn tập trung vào việc xây dựng các chính sách pháp luật về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các quy định của quốc tế và các cam kết của Việt Nam, làm cơ sở để xây dựng Kế hoạch quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, Đề án xây dựng thí điểm và nhân rộng mô hình cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Hồng trình Chính phủ vào năm 2019 và Luật Biến đổi khí hậu dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2020; tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và tạo cơ sở cho việc huy động các nguồn lực quốc tế cho ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung; tập trung hoàn thiện các dự án khắc phục hạn hán ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn, nước biển dâng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh những nhiệm vụ giải pháp cụ thể đối với các lĩnh vực, đề cập tới giải pháp tổng thể, vĩ mô của toàn ngành, trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ tập trung xây dựng Đề án hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia phát triển ngành TN&MT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trong đó có lồng ghép, gắn kết với các định hướng tái cơ cấu nền kinh, tái cấu trúc ngành, các lĩnh vực sản xuất trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ phải bảo đảm triển khai thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; đồng thời xây dựng kế hoạch và thực hiện cơ cấu lại toàn diện giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo hướng đổi mới công nghệ và quản lý, áp dụng quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế. Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động trong khuôn khổ lĩnh vực và chức năng, nhiệm vụ được giao cho từng đơn vị. http://monre.gov.vn
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về Chương trình Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu:
Thông báo kết quả trúng tuyển viên chức vào làm việc tại các đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2020