Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên cát

Một nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) cho thấy, với mức độ khai thác như hiện nay trong khoảng 30 năm nữa ĐBSCL sẽ khai thác hết toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu. Việc giá cát tăng lên từng giờ trong thời gian gần đây cho thấy cạn kiệt tài nguyên cát đang trở thành nguy cơ hiện hữu.

 
Nhu cầu cát xây dựng đang gia tăng nhanh chóng

 
*Khai thác thiếu kiểm soát

Vừa qua, Hội Thủy lợi TP.HCM đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề khai thác cát một cách thiếu kiểm soát trên các dòng sông gây sụp lở bờ nghiêm trọng.

Điển hình như ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện nay lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn 28 triệu tấn/năm. Thế nhưng giấy phép cho khai thác cát là 20 triệu tấn/năm gây mất cân bằng phù sa và việc sạt lở bờ. Do vậy, Hội kiến nghị ngưng các dự án khai thác, nạo vét trên một số đoạn sông trọng điểm từ 2- 3 năm hoặc có thể lâu hơn để đánh giá lại tình trạng lòng sông và ổn định bờ.

Bên cạnh hoạt động khai thác cát, gần đây hoạt động duy tu, nạo vét luồng tuyến phục vụ nhu cầu giao thông thủy cũng bộc lộ nhiều tiêu cực. PGS-TS Lê Mạnh Hùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc nạo vét là cần thiết nhưng nếu nạo vét không đúng vị trí và biện pháp thì lại gây ra nhiều tác hại khôn lường như xói lở bờ sông, biến đổi địa hình dòng chảy hoặc gây vị trí nạo vét nhanh chóng bị bồi tụ trở lại do lượng bùn cát từ các nơi khác đổ về.

Đặc biệt ĐBSCL là khu vực đất yếu rất dễ xảy ra trượt sạt bờ sông. Do đó, ông Hùng cho rằng, cần lập bản đồ quy hoạch tổng thể các vị trí bồi tụ cần nạo vét. Sau khi cấp phép cần giám sát chặt chẽ, hiện nay kỹ thuật phát triển với nhiều thiết bị định vị, đo đạc hiện đại, cho phép đo các mặt cắt dài cả kilômét mỗi ngày, vì thế việc kiểm tra, kiểm soát không còn nhiều rào cản.

*Tìm nguồn thay thế

Thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã mạnh tay với cát tặc, thêm vào đó các điểm được cấp phép khai thác, nạo vét cũng tạm dừng để rà soát lại nên nguồn cung giảm đi nhiều.

Thực tế, tháng 3 và những ngày đầu tháng 4 vừa qua, cát xây dựng đã tăng gấp 2, 3 lần và hiện đang ở mức gần 500.000 đồng/m3.  Theo Vụ Vật liệu xây dựng, nguồn cát được cấp phép chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu và chủ yếu được cung cấp cho các thành phố, đô thị lớn.

Do vậy, nếu không quy hoạch và không tìm loại vật liệu khác thay thế thì nguy cơ không còn cát để xây dựng là rất lớn.

Ông Nguyễn Đức Toản, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng ngầm Việt Nam cho hay, hiện nay nhiều công trình xây dựng, nhất là các công trình giao thông vẫn sử dụng cát nhân tạo nghiền ra từ sỏi, đá nổ mìn…

Theo ông Toản, giá cát tự nhiên và cát nhân tạo không chênh lệch quá nhiều, bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp không tìm được mỏ cát tự nhiên gần công trình mà phải vận chuyển từ xa đến thì rõ ràng chi phí để nổ mìn, nghiền đá thành cát nhân tạo sẽ rẻ hơn chi phí mua cát tự nhiên.

Tuy vậy, về bản chất thì loại cát nhân tạo đang được sử dụng hiện nay vẫn có nguồn gốc từ tài nguyên thiên nhiên nên cũng sẽ đến lúc cạn kiệt. Vì thế, cùng với việc sử dụng nguồn cát nghiền từ đá, đã có nhiều nghiên cứu tái chế, tái sử dụng chất thải để làm cát nhân tạo.

Cùng quan điểm, theo GS-TS Nguyễn Ân Niên, ngoài các mỏ cát do các lòng sông cổ để lại, ngành địa chất, trong quá trình khai thác mỏ, cần đi liền với việc tìm các mỏ sa khoáng để lập kế hoạch khai thác và xay nghiền thành cát xây dựng nhân tạo, đồng thời cần tận thu nguồn cát không để rơi vãi ra môi trường.

 
monre.gov.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
119 người đang online