Những thành tựu nổi bật của tỉnh Hưng Yên sau 15 năm tái lập

Sau 15 năm tái lập tỉnh (1997 - 2012), được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, XV, XVI đề ra.

 

Thành phố Hưng Yên sau 15 năm tái lập tỉnh

Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Khi mới tái lập, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của Hưng Yên còn thấp, tốc độ phát triển kinh tế chưa cao, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém (nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng). Giáo dục, y tế còn khó khăn, mức hưởng thụ của nhân dân trong các hoạt động xã hội, dịch vụ còn hạn chế… Nhưng là một tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi, lại có vị trí gần các trung tâm công nghiệp lớn (nhất là gần Hà Nội), nhờ đó, Hưng Yên có thể chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, đặc biệt phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, nhất là thực phẩm tươi sống và chế biến của các thành phố. 

Sau 15 năm tái lập tỉnh (1997 - 2012), được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, XV, XVI đề ra. Kinh tế tăng trưởng nhanh, hợp tác đầu tư phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, dân chủ trong Đảng và nhân dân được mở rộng; thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng chuyển biến tích cực. Vị thế Hưng Yên được khẳng định và nâng cao, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Về kinh tế: tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước bình quân đạt 11,74%/năm. So với khi mới tái lập, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 50 lần; thu ngân sách tăng gấp 40 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 25 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6 lần. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 1997, nông nghiệp 52% - công nghiệp, xây dựng 20% - dịch vụ 28%; năm 2010, nông nghiệp 25% - công nghiệp, xây dựng 44% - dịch vụ 31%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1997 là 205 USD, đến năm 2010 đạt 1.110 USD. Thu ngân sách năm 1997 khoảng 82 tỷ đồng, năm 2010 đạt 3.300 tỷ đồng, trong đó nội địa 2.400 tỉ đồng.

Nông nghiệp liên tục được mùa, phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nhanh cây, con có giá trị kinh tế cao. Giá trị sản xuất tăng bình quân 3,5%/năm. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng giá trị cây lương thực, tăng nhanh giá trị cây công nghiệp, rau quả và chăn nuôi. Cơ cấu trong nông nghiệp năm 2010: cây lương thực 24% - cây công nghiệp, rau quả 30% - chăn nuôi, thủy sản 46%, giữ ổn định lương thực bình quân 450kg/đầu người/năm; cây vụ đông đạt 29% diện tích canh tác, phát triển được gần 4.000 trang trại, gia trại, trong đó có 2.500 trang trại đạt tiêu chí liên Bộ hoạt động có hiệu quả, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Diện tích lúa chất lượng cao đạt 45%. Chương trình “nạc hóa” đàn lợn, “sind hóa” đàn bò, nuôi bò sữa, nuôi cá rô phi đơn tính, sản xuất giống lúa, rau quả chất lượng cao có hiệu quả thiết thực. Hưng Yên là một trong hai tỉnh trên toàn quốc sớm thực hiện miễn thủy lợi phí cho nông dân; thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để nông nghiệp, nông thôn và nông dân đẩy mạnh sản xuất; nhiều nghề truyền thống và các loại hình dịch vụ trong nông thôn được khuyến khích phát triển.

Nông dân huyện Mỹ Hào sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa

Một mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa ở huyện Tiên Lữ

Công nghiệp phát triển nhanh, giá trị sản xuất tăng bình quân 21%/năm, phát triển một số ngành sản xuất có tính động lực như điện tử, dệt may, cơ khí luyện thép với kỹ thuật tiên tiến. Sản phẩm đa dạng về chủng loại, chất lượng tốt hơn, nhiều sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong 14 khu công nghiệp được quy hoạch đã có 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động: khu công nghiệp Như Quỳnh A&B (diện tích 95 ha), khu công nghiệp Phố Nối A (390 ha), Khu công nghiệp Phố Nối B (250 ha), Khu công nghiệp Minh Đức (200 ha), Khu công nghiệp thành phố Hưng Yên (60 ha). Thu hút 907(*) dự án đầu tư (trong nước 703, nước ngoài 204), với tổng vốn đăng ký tương đương 3,6 triệu USD; 475 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 11 vạn lao động, giá trị sản xuất gần 20 nghìn tỷ đồng/năm. Nhiều dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị tăng cao, đóng góp trên 80% số thu ngân sách hàng năm.

Khu Công nghiệp Phố Nối A (Mỹ Hào, Hưng Yên) một trong những khu công nghiệp hàng đầu cả nước

Thương mại, dịch vụ có bước phát triển mới, tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 21,14%/ năm. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, vận tải hàng hóa, hành khách được phát triển, doanh thu tăng bình quân 18%/năm. Xuất khẩu duy trì tốc độ tăng cao, bình quân 19,3%/năm. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 500 triệu USD. Giá trị xuất khẩu hàng nông sản và chế biến ngày càng tăng. Thị trường xuất khẩu ngày càng được củng cố và mở rộng.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp nhanh, khá đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy lợi thế từng vùng, từng ngành. Trong thời gian qua đã trải nhựa 100% đường tỉnh và cơ bản đường huyện; xây dựng được 1.600 km đường giao thông nông thôn và 56 cầu; phê duyệt xong quy hoạch thủy lợi, xây mới 16 trạm bơm; cải tạo nâng cấp cơ bản hệ thống kênh mương, nâng cao hiệu quả tưới tiêu. Một số công trình trọng điểm có ý nghĩa kinh tế - xã hội được đầu tư và hoàn thành như cầu Yên Lệnh, đường Nguyễn Văn Linh, Quảng trường…

 Về văn hoá xã hội nhiều mặt tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển đảm bảo cân đối về qui mô, loại hình và nâng cao chất lượng, từng bước thực hiện chuẩn hoá, hiện đại hoá, đa dạng hóa và xã hội hoá giáo dục, việc quán triệt và thực hiện phương châm dạy chữ, dạy người, dạy nghề được quan tâm chú ý. Năm 2001, Hưng Yên hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 2004, Hưng Yên là 1 trong 7 tỉnh được tặng Cờ “đơn vị dẫn đầu toàn quốc về giáo dục - đào tạo”, Hưng Yên thuộc nhóm 5 tỉnh trong cả nước có tỉ lệ học sinh đỗ đại học cao. Đến năm 2010, toàn tỉnh có 157 trường đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất giáo dục được tăng cường, tỷ lệ phòng học được kiên cố cao tầng bậc mầm non đạt trên 50%, bậc phổ thông đạt 88,5%. Mạng lưới giáo dục - đào tạo tiếp tục được mở rộng, nâng cấp và thành lập mới 7 trường THPT (có 5 trường tư thục), trên địa bàn có 19 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Đề án Khu Đại học Phố Hiến đã được Chính phủ phê duyệt, đang tích cực triển khai để sớm đi vào hoạt động. Hiện tại đã có 3 trường đại học có kế hoạch về Khu Đại học Phố Hiến, gồm: Đại học Giao thông vận tải, Đại học Thủy lợi, Đại học Ngoại thương. Riêng trường Đại học Thủy lợi đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng xây dựng.

Khu đô thị Đại học Phố Hiến là một dự án quan trọng, một TP - đại học - diện mạo tương lai của Hưng Yên.

 Sự nghiệp y tế được quan tâm. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến huyện, xã tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu khám bệnh của nhân dân. Trong đó đáng chú ý là việc nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 10 trung tâm y tế huyện, xây dựng mới và đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa II tại Phố Nối; xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã được quan tâm, 90% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề và y đức của đội ngũ thầy thuốc, nâng cao năng lực khám và chữa bệnh cho nhân dân. Quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân được tăng cường, xã hội hóa về y tế được đẩy mạnh, đã có 3 bệnh viện tư nhân và hàng chục cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao được cấp phép hoạt động. 

Công tác dân số, gia đình và trẻ em được chú trọng, đã triển khai tích cực mô hình lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững, do đó tỷ lệ phát triển dân số đã giảm từ 1,2% xuống 0,95%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 24% năm 2005 xuống còn 9% năm 2010…

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao được quan tâm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Bám sát các nhiệm vụ chính trị để tập trung tuyên truyền nhất là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” từng bước đi vào chiều sâu; 75,5% số làng, khu phố được công nhận làng, khu phố văn hóa. Quản lí, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng được chú trọng. Công tác phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản, thông tin tăng về số lượng, chất lượng từng bước được nâng lên. Phong trào thể dục, thể thao được duy trì và phát triển; thể thao thành tích cao giành được nhiều huy chương ở các giải quốc gia và quốc tế; giáo dục thể chất trong trường học được tăng cường, xã hội hóa thể dục thể thao ngày càng phát triển.

Lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ III

Vẻ đẹp Quảng trường thàn phố Hưng Yên

Gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Số hộ giàu tăng, số hộ nghèo giảm còn 3% năm 2010. Thực hiện tốt chính sách với các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước. Công tác dạy nghề và xã hội hóa dạy nghề được quan tâm. Đã dạy nghề cho 11,4 nghìn người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 40%, góp phần chuyển đổi được nhiều lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Năm 2010, cơ cấu lao động: Nông nghiệp 53,5% - Công nghiệp, xây dựng 25,5% - Dịch vụ 21%. Các hoạt động tôn giáo thực hiện đúng mục đích, tôn chỉ, quyền tự do tín ngưỡng của công dân được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. 

Về quốc phòng – an ninh được củng cố, tăng cường, xây dựng lực lượng chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại; làm tốt vai trò tham mưu, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nắm bắt, tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, nhất là ở địa bàn nông thôn và khu vực công nghiệp; kiềm chế tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, an ninh chính trị - kinh tế - văn hóa – tư tưởng được đảm bảo. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường. Chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên và công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt được nâng cao. Trực sẵn sàng chiến đấu được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Khu vực phòng thủ tỉnh và các huyện, thành phố được chăm lo xây dựng toàn diện, vững chắc. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân hằng năm. Tham gia tích cực, có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Bộ máy chính quyền các cấp được kiện toàn theo hướng tinh giảm, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành quản lí xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp phát huy tốt hơn vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên; tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo. 

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt kết quả bước đầu. 

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên có nhiều đổi mới; nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương được nâng lên, tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân. Coi trọng nhiệm vụ xây dựng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Tập trung chỉ đạo với nhiều hình thức phong phú tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sức lan toả trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua sâu rộng trong xã hội. Việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng, các nghị quyết và kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy được các cấp ủy tiến hành nghiêm túc, kịp thời, gắn với xây dựng chương trình hành động sát thực, khả thi, đưa nghị quyết vào cuộc sống. 

Các hoạt động tuyên truyền được duy trì, có chất lượng khá. Đội ngũ báo cáo viên được kiện toàn và hoạt động tích cực. Tài liệu tuyên truyền, thông tin được phát hành thường xuyên, tăng lượng thông tin và số lượng phát hành. Công tác giáo dục truyền thống được quan tâm, đa dạng hoá bằng nhiều hình thức phong phú, có tác dụng giáo dục tốt. Việc biên soạn, xuất bản, phát hành sách lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử ngành được các cấp ủy quan tâm và đưa vào giảng dạy lịch sử địa phương trong các trường THCS, THPT, Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, góp phần giáo dục truyền thống trong toàn Đảng bộ và nhân dân. 

Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh. Công tác tự phê bình và phê bình được thực hiện thường xuyên thông qua các kỳ sinh hoạt Đảng. Việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên, lấy ý kiến nhận xét của tổ chức Đảng và góp ý của nhân dân nơi cư trú được duy trì nề nếp; công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cơ bản được kịp thời. 

Tập trung củng cố, phát triển và xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên bằng những chủ trương và giải pháp thiết thực. Sớm thực hiện chương trình xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, giải quyết cơ sở đảng yếu kém; nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng sinh hoạt, nhất là sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề; thành lập Đảng bộ khối doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ tỉnh; tiếp nhận sinh viên đại học chính quy về công tác tại cấp xã. Thực hiện có hiệu quả chủ trương thí điểm Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ở 10 xã và Đại hội cơ sở đảng trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ ở 24 cơ sở (trong đó có 10 xã, phường). Công tác đánh giá, phân loại, khen thưởng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và cơ quan, cán bộ làm công tác xây dựng Đảng đảm bảo dân chủ, công khai và thiết thực hơn. Bình quân hàng năm, số tổ chức cơ sở đảng đạt TSVM là 81,42%, số yếu kém giảm còn 0,6%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 71% (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 12,4%), số vi phạm tư cách giảm còn 0,47%. Phát triển đảng viên mới bảo đảm về chất lượng, tăng tỷ lệ là đoàn viên thanh niên, công nhân, trí thức; trung bình hàng năm kết nạp trên 1.500 đảng viên.

Công tác cán bộ được tiến hành đồng bộ các nội dung, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở có bước trưởng thành về mọi mặt, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 5 năm qua, đã cử 300 cán bộ các cấp đi học đại học và cao cấp lý luận chính trị; mở 35 lớp với 3.575 học viên trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể cho 90.000 lượt cán bộ cơ sở.  Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện đúng quy định. Coi trọng xem xét tiêu chuẩn cán bộ trước khi đề bạt. 

Công tác kiểm tra được coi trọng, Ủy ban kiểm tra các cấp được kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động. Góp phần tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa vi phạm, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn sự trong sạch của Đảng, củng cố lòng tin trong Đảng bộ và nhân dân. 

Công tác dân vận được quan tâm, đã kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác dân vận, 100% bí thư Đảng ủy cấp xã kiêm trưởng khối dân vận cơ sở. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai đạt nhiều kết quả. Nhận thức, trách nhiệm và thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị được nâng lên, có nhiều chuyển biến, cụ thể hoá các nghị quyết, chủ trương của Đảng sát hợp với lòng dân.  Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng tiếp tục được đổi mới, phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo và đảm bảo hoạt động theo quy định pháp luật của các tổ chức trong hệ thống chính trị; dân chủ trong Đảng được phát huy và mở rộng. Phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan Đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân; tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng.

Theo hungyentv.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
31 người đang online