Phát triển ngành đo đạc và bản đồ có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của khu vực

Đối với lĩnh vực đo đạc và bản đồ, Chương trình hành động của Bộ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 nhấn mạnh mục tiêu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển ngành đo đạc và bản đồ trở thành một ngành điều tra cơ bản có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của khu vực, tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình tập trung vào 05 nhóm nhiệm vụ cơ bản. Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật: Hoàn thiện cơ bản quy định quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, trong đó tập trung xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ sau khi có hiệu lực. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 33/2008/QĐ-TTg ngày 27/02/2008; xây dựng Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ đến năm 2030 theo hướng phù hợp với thực tiễn nước ta. Hoàn thiện, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật và hệ thống các định mức kinh tế - kỹ thuật về đo đạc bản đồ. Tiếp tục xây dựng các quy định pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ, cập nhật, chia sẻ, khai thác và sử dụng có hiệu quả hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI) phục vụ Chính phủ điện tử.

Thứ hai, công tác điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu: Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ đến năm 2020 nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng thông tin đo đạc bản đồ của nước ta, bao gồm hệ quy chiếu quốc gia, hệ thống lưới điểm tọa độ, độ cao, trọng lực quốc gia được kết nối theo trạng thái động với hệ quy chiếu quốc tế, hệ thống thông tin địa lý được tổ chức dưới dạng cơ sở dữ liệu nền địa lý với các loại bản đồ địa hình có đầy đủ các lóp thông tin theo chuẩn quốc tế và hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 các khu đô thị, khu công nghiệp trọng điểm còn lại.

Thứ ba, tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình ở tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000, 1/10.000 các khu vực trong cả nước sau 8 năm thực hiện. Bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu không gian địa lý của Việt Nam ở các tỷ lệ 1/50.000, 1/200.000, 1/500.000 và 1/1.000.000 để đáp ứng các nhu cầu về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển, địa giới hành chính các cấp, biến hải đảo và các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực về công nghệ để đảm bảo trình độ về đo đạc và bản đồ của nước ta đạt mức tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, lực lượng kỹ thuật, người lao động của ngành đo đạc bản đồ để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Triển khai các chương trình, nhiệm vụ Việt Nam giúp đỡ cho Lào và Campuchia.

Thứ tư, xây dựng, hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới tọa độ, độ cao, độ sâu, trọng lực quốc gia hiện đại. Ứng dụng công nghệ và xây dựng giải pháp nâng cao độ chính xác trong đo đạc, thu thập và xử lý dữ liệu, thành lập cơ sở dữ liệu địa lý và bản đồ phù hợp với công nghệ tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới. Từng bước xây dựng các quy định về hệ thống kiểm định máy móc, thiết bị, dụng cụ đo đạc và bản đồ, quản lý, vận hành, cung cấp và sử dụng tín hiệu định vị vệ tinh từ các trạm CORS và xây dựng các sản phẩm đo đạc và bản đồ mới, phù hợp với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu của xã hội.

Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ đo đạc và bản đồ, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong hoạt động đo đạc bản đồ. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý, yêu cầu phát triển của ngành.

monre.gov.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
135 người đang online