Hưng Yên: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm

Đăng ngày 26 - 11 - 2018
100%

Theo kết quả điều tra, khảo sát do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cho thấy, tổng trữ lượng nước ngầm (nước dưới đất) có thể khai thác trên địa bàn tỉnh đạt trên 1,1 triệu m3/ngày đêm. Tầng chứa nước pleistocene (qp) hiện đang là tầng khai thác nước chính phục vụ sản xuất và sinh hoạt với tỷ trọng chiếm trên 90%. Độ sâu khai thác nước ngầm thuộc tầng qp hiện tại đang dao động ở mức từ 20 - 100 mét.

 

 

 

                                                                                                                                            

Phân tích mẫu nước tại Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh
Nhìn chung, trữ lượng và chất lượng nước ngầm trên địa bàn tỉnh đáp ứng tốt cho các nhu cầu của đời sống xã hội. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển sản xuất và nhu cầu sinh hoạt như hiện nay khiến trữ lượng nước ngầm khai thác không ngừng tăng qua các năm. 
 
Hiện nay, trữ lượng nước ngầm đang khai thác trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 300 nghìn m3/ngày đêm, trong đó khai thác phục vụ sản xuất của doanh nghiệp trên 100 nghìn m3/ngày đêm, còn lại khai thác phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân. 
 
Dự báo đến năm 2020, tổng trữ lượng nước ngầm khai thác sẽ ở mức trên 400 nghìn m3/ngày đêm và đến năm 2025 sẽ là trên 500 nghìn m3/ngày đêm. Về tổng thể trữ lượng khai thác nước ngầm hiện nay và dự báo đến năm 2025 vẫn thấp hơn 50% so với tổng trữ lượng có thể khai thác, nhưng cục bộ tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng suy giảm quá mức nguồn nước ngầm. 
 
Qua quan trắc hàng năm cho thấy, tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh có hiện tượng hạ thấp mực nước ngầm từ 0,3 – 0,5 mét/năm. Việc hạ thấp mực nước ngầm đã tác động trực tiếp đến khả năng khai thác của doanh nghiệp và người dân phục vụ sản xuất, sinh hoạt. 
 
Anh Nguyễn Thanh Tiến, xã Lạc Hồng (Văn Lâm) cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ cần khoan giếng có độ sâu khoảng 40 – 50 mét là có thể sử dụng ổn định nguồn nước trong cả năm. Tuy nhiên, hiện nay với độ sâu giếng khoan như vậy sẽ không bảo đảm cung cấp nước quanh năm. Vào mùa khô cạn, giếng khoan này của gia đình tôi thường xuyên có hiện tượng nước bơm không lên hoặc lên rất yếu. Do vậy, gia đình tôi đã phải thuê thợ về khoan thêm giếng khoan mới với độ sâu 90 mét”.
 
Khai thác nước ngầm quá mức cùng với việc thiếu ý thức bảo vệ nguồn nước ngầm đang khiến nguy cơ ô nhiễm nước ngầm tăng cao. Nước ngầm tầng Holocene (qh) có độ sâu trung bình khoảng 10 - 20 mét là tầng nước chịu ảnh hưởng lớn từ các tác nhân gây ô nhiễm trên bề mặt. 
 
Theo kết quả phân tích 29 mẫu nước ngầm tầng qh do Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường thực hiện tháng 5.2017 cho thấy, có tới 28 mẫu có chỉ tiêu ô nhiễm COD vượt quy chuẩn cho phép trung bình trên 5 lần; 21 mẫu có chỉ tiêu ô nhiễm Coliform vượt quy chuẩn cho phép trung bình gần 4 lần. Ngoài ra, một số mẫu nước còn phát hiện các kim loại nặng như: Chì, Asen. Kết quả phân tích 95 mẫu nước ngầm tầng chứa nước qp cũng cho thấy có nhiều mẫu nước có các chỉ tiêu như: COD, Mn, NO3-, Coliform vượt quy chuẩn cho phép. 
 
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Hiện tượng trong nước ngầm có chứa các vật chất ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép một phần do yếu tố nội sinh của tầng chứa nước dưới tác động của hoạt động phong hóa các tầng địa chất. Tuy nhiên, do khai thác nước ngầm tràn lan cùng với việc thiếu quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác nước ngầm trong thời gian dài khiến nhiều vật chất ô nhiễm trên bề mặt ngấm xuống nguồn nước ngầm. 
 
Hiện nay, qua lấy mẫu phân tích nước ngầm đã phát hiện các vật chất nhân tạo, vật chất không có trong tự nhiên xuất hiện ở nguồn nước ngầm như: Hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất tẩy rửa, Coliform... Với đặc tính tương đối ổn định và hầu như không tiếp xúc với không khí nên khả năng tự làm sạch của nước ngầm rất hạn chế. Phần lớn các chất ô nhiễm trên bề mặt khi ngấm xuống nước ngầm sẽ được lưu giữ và lan truyền trong túi nước ngầm. Điều này đòi hỏi công tác bảo vệ nguồn nước ngầm phải lấy phòng là chính”.
 
Để bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm, nhiều chính sách của Nhà nước, của tỉnh đã được ban hành trên cơ sở lấy phòng ngừa ô nhiễm là chính. Khoanh định vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước ngầm; lập quy hoạch khai thác, sử dụng nước ngầm; thực hiện quy định nộp tiền cấp quyền khai thác nước ngầm… là những giải pháp đang được tỉnh triển khai nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ nguồn nước ngầm. 
 
Nước ngầm hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong việc cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt nên bảo vệ nguồn nước ngầm phải gắn với khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, gắn với các hoạt động bảo vệ nguồn nước mặt, bảo vệ môi trường và phù hợp với điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển kinh tế trong từng giai đoạn. 

Tin mới nhất

Bản tin Tài nguyên nước số 10 năm 2023(15/11/2023 2:55 CH)

Bản tin tài nguyên nước số 9 năm 2023(11/10/2023 1:20 CH)

Bản tin TNN số 6 năm 2023(13/07/2023 8:45 SA)

Bản tin tài nguyên nước số 3 năm 2023(12/04/2023 9:08 SA)

Bản tin tài nguyên nước số 8 năm 2023(18/01/2023 10:27 SA)

Bản tin tài nguyên nước số 12 năm 2022(03/01/2023 10:49 SA)

Bản tin tài nguyên nước số 11 năm 2022 (09/12/2022 1:34 CH)

Thông báo Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với công trình khai thác nước mặt...(04/11/2022 10:56 SA)

Bản tin tài nguyên nước tháng 9 năm 2022(17/10/2022 2:50 CH)

Bản tin dự báo tài nguyên nước tháng 8 năm 2022 trên địa bàn tỉnh(27/09/2022 8:41 SA)

°
91 người đang online