15/12/2021 | lượt xem: 5 Sở Tài nguyên và Môi trường với công tác cải cách thủ tục hành chính Xác định nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực thực hiện dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hành chính công trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cải cách hoạt động quản lý nhà nước trong những nội dung được Nhân dân quan tâm như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường... Đồng chí Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường chú trọng cải cách TTHC theo hướng đơn giản, xây dựng nền hành chính hiện đại, thuận tiện, dân chủ, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn. Từ đầu năm 2021, lãnh đạo sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm về công tác cải cách TTHC. Sở đã thực hiện việc công khai TTHC trên Cổng thông tin điện tử của sở, tại quầy tiếp nhận hồ sơ của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Trung tâm phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh với 83 TTHC thuộc 6 lĩnh vực : đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu. Qua đánh giá, trong năm 2020 và 2021 nhiều thủ tục hành chính của Sở đã thực hiện rút ngắn 30% trên tổng thời gian giải quyết TTHC theo quy định. Đơn cử như thủ tục thẩm định Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, từ 30 ngày rút ngắn còn 25 ngày; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất đối với dự án phát triển nhà ở được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Năm 2021, là năm đầu tiên Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện thẩm định Báo cáo Đánh giá tác động môi trường theo hình thức trực tuyến, một mặt cải cách thủ tục hành chính, một mặt phòng, chống dịch Covid-19. Các thành viên của Hội đồng Thẩm định gồm nhiều sở, ngành, quá trình thẩm định nhằm dự báo tác động của dự án đến môi trường và đề ra biện pháp xử lý. Trước đây, khi chưa áp dụng cuộc họp trực tuyến, các doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh phải mang hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường, sắp xếp đến làm việc theo lịch, bố trí nhiều buổi tiếp đoàn thẩm định tại cơ sở để khảo sát thực tế... Nhưng nay, 100% hồ sơ báo cáo được gửi qua đường bưu điện; việc thẩm định được tiến hành trực tuyến; việc kiểm tra thực địa rút ngắn từ 3 lần/doanh nghiệp xuống còn 1 lần. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Tản Viên Hưng Yên (xã Tân Quang, Văn Lâm), là doanh nghiệp vừa được hội đồng thẩm định Báo cáo Đánh giá tác động môi trường trực tuyến cho biết: Việc thẩm định trực tuyến giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí đi lại, giúp doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn để chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ, nhanh chóng điều chỉnh những nội dung phần việc còn thiếu sót. Mặt khác, vẫn bảo đảm quy trình công việc, nâng cao tính tự giác của mỗi doanh nghiệp trong việc hoàn thiện công trình bảo vệ môi trường. Cùng với đó, hiện nay 100% các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát TTHC tỉnh. Các TTHC được tiếp nhận qua phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên phần mềm, theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ, nhận kết quả trên phần mềm hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực đẩy mạnh dịch vụ công lên mức độ 3, mức độ 4, trong đó đang thực hiện dịch vụ công mức độ 3 đối với 43 TTHC (53,1%), mức độ 4 đối với 38 TTHC(46,9%). Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát TTHC tỉnh cho biết: Mỗi ngày, tại đây chúng tôi tiếp nhận trên 10 hồ sơ thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn hình thức nộp hồ sơ trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường như: Cấp sổ chủ nguồn thải nguy hại; tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước... Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận khoảng 200 hồ sơ TTHC, trong đó: 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Sở Tài nguyên và Môi trường còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế trong công tác cải cách TTHC như: Quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực tài nguyên, môi trường thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường chưa được tỉnh phê duyệt do tính chất nhạy cảm, phức tạp liên quan đến nhiều ngành; công tác phối hợp thực hiện TTHC liên ngành hiệu quả chưa cao; người dân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới việc nộp hồ sơ trực tuyến và giải quyết TTHC trực tuyến. Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác cải cách TTHC, Sở Tài nguyên và Môi trường đề ra một số giải pháp trong thời gian tới: Tập trung rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường; tăng cường tính liên thông trong cải cách TTHC; đánh giá mức độ hiệu quả giải quyết TTHC trên cơ sở sự hài lòng của người dân; từng bước hình thành đội ngũ cán bộ, công chức điện tử và công dân, doanh nghiệp điện tử; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá quá trình triển khai thực hiện việc cải cách hành chính và bố trí đủ nguồn lực tài chính cho cải cách hành chính. CTV
Kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2024
Tháo gỡ vướng mắc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia