Tại sao tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông không được giải quyết dứt điểm?

Khó khăn xử lý vi phạm
 Tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay trên tuyến sông Hồng, sông Luộc có nguyên nhân từ nhu cầu cát cho xây dựng. Chỉ tính nhu cầu san lấp mặt bằng của tỉnh những năm qua và vài công trình giao thông lớn của tỉnh đã chuẩn bị triển khai như đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường nối đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… đã "ngốn" hàng chục triệu mét khối cát đen. Đó là chưa kể hàng trăm, hàng nghìn công trình xây dựng, công trường thi công mỗi năm ở trong và ngoài tỉnh cần đến cát đen. Việc khai thác cát không những đáp ứng được nhu cầu đó mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh, và ở khía cạnh khác, như ông Vũ Công Hạnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần quản lý đường sông số 2 thì: “Nếu việc khai thác cát dưới sông hợp lý sẽ góp phần khơi nạo luồng lạch, chống bồi đắp cho các luồng chạy tàu". Tuy nhiên, nếu cứ để hút cát tự do như hiện nay sẽ làm xói lở luồng chạy tàu, bãi sông, bờ sông, thậm chí tại nhiều điểm làm sụt lở đê kè. Thêm nữa, việc tự do hoạt động, đi lại của tàu hút cát trong luồng chạy tàu gây tình trạng mất trật tự ATGT trong luồng chạy tàu. Vụ tai nạn tại khu vực Bến Mới, xã Thiện Phiến xảy ra đầu năm nay là một ví dụ điển hình. Do người điều khiển tàu hút cát không có chứng chỉ chuyên môn, điều khiển tàu theo kinh nghiệm, đi lại tự do trong luồng chạy tàu, lúc gặp tàu vận tải không biết xử lý, luống cuống điều khiển đâm vào tàu vận tải làm tàu bị đắm, phải trục vớt. Và hoạt động hút cát trái phép diễn ra tràn lan, kinh doanh bến, bãi chứa cát không phép có mặt khắp nơi dọc sông Hồng, sông Luộc gây khó khăn cho việc thu phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Biết vậy, nhưng việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng không hề đơn giản. Theo phân cấp của Cục cảnh sát đường thủy (CSĐT), mặc dù tuyến sông Hồng, sông Luộc đi qua địa bàn tỉnh khá dài nhưng Công an tỉnh Hưng Yên chỉ được phân cấp làm công tác tuần tra kiểm soát và bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa (ĐTNĐ) trên 7km sông Luộc, còn lại chỉ được làm công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình trên tuyến. Sự phân cấp này khiến cho CSGT đường thủy Hưng Yên dù phát hiện tàu vi phạm nhưng nếu tàu đang hoạt động trên sông phía thành phố Hà Nội hay tỉnh Hà Nam, Thái Bình thì cũng chỉ còn cách "đứng nhìn". Bởi tuy hoạt động trái phép nhưng các đối tượng đều tìm hiểu kỹ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng chức năng có liên quan để tìm cách "lách luật". Nhiều trường hợp tàu có biển số nhưng chủ tìm cách che lấp biển số, khi phát hiện lực lượng chức năng thì di chuyển tàu đến địa điểm mà Công an tỉnh Hưng Yên không được giao quản lý. Hoặc có trường hợp tàu đứng nửa sông phía thành phố Hà Nội nhưng sục chéo vòi sang nửa sông bên Hưng Yên để hút cát… Để khắc phục tình trạng nêu trên, vừa qua Công an tỉnh Hưng Yên và Cục Cảnh sát đường thủy tổ chức hội nghị phối hợp giải quyết vi phạm, tội phạm trên sông Hồng, sông Luộc với công an các tỉnh Hà Nam, Thái Bình và thành phố Hà Nội. Đại tá Đào Hữu Liêm, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Các bên nhất trí theo hướng đơn vị nào phát hiện tội phạm trước thì tiến hành bắt giữ đối tượng, tạm giữ phương tiện, thu giữ tang vật và làm thủ tục ban đầu, đồng thời thông báo cho đơn vị quản lý địa bàn đó biết để bàn giao, thụ lý giải quyết theo chức năng; đơn vị tiếp nhận bàn giao phải thông báo kết quả xử lý, giải quyết vụ việc đó cho đơn vị bàn giao biết. Công an các tỉnh, thành phố dọc hai tuyến sông chỉ đạo công an các huyện, thành phố, xã, phường xây dựng cụm liên kết, ký liên kết bảo đảm an ninh trật tự…”. Hướng giải quyết này sẽ giải quyết được tình trạng người điều khiển phương tiện trên sông có vi phạm lẩn trốn lực lượng chức năng khi đang ở giữa dòng. Tuy vậy, khi bắt được tàu vi phạm thì việc xử lý không hề dễ dàng. Thượng tá Phan Phương, Phó trưởng Công an thành phố Hưng Yên cho hay: “Công tác thu giữ phương tiện thủy của chúng tôi đang gặp vướng mắc: Không có điểm trông giữ; chưa được bố trí kinh phí cho việc trông giữ tàu vi phạm; sau đó xử lý phương tiện thế nào? Nếu phạt tiền thì thẩm quyền của UBND cấp huyện, thành phố ra mức phạt thấp, không đủ răn đe đối tượng vi phạm, nếu phạt tiền mức cao phải đề nghị cấp trên, nhưng thực tế để nhận được văn bản trả lời là rất chậm”.
 
 Giải pháp?
Ngăn chặn nạn “cát tặc”, bến, bãi hoạt động không phép không thể chỉ bằng những đợt ra quân cao điểm mà cần xử lý vấn đề tận gốc. Cái gốc ở đây là bến, bãi chứa cát; là cấp phép khai thác cát. UBND cấp xã có quyền cho thuê, thầu đất công ích vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi thả thủy sản, còn cho thuê đất sử dụng mục đích làm bến, bãi phải do UBND tỉnh quyết định. Nhưng thực tế hiện nay phần lớn bến, bãi được lập hợp đồng thuê, thầu với UBND cấp xã, vi phạm Luật Đất đai năm 2003. Thậm chí, năm 2008 sau khi tiến hành thanh tra việc khai thác và vận chuyển cát tại 44 bến, bãi của 43 tổ chức, cá nhân dọc tuyến sông Hồng, sông Luộc qua địa bàn tỉnh, đoàn thanh tra liên ngành đã kết luận có 13 tổ chức và 21 cá nhân không có giấy phép hoạt động bến, bãi của UBND tỉnh; 4 tổ chức, 2 cá nhân khai thác bãi cát bồi không có giấy phép về hoạt động khoáng sản của cơ quan có thẩm quyền; 14 tổ chức, 17 cá nhân kinh doanh mua cát đen, cát vàng không có nguồn gốc hợp pháp; 19 tổ chức, 16 cá nhân hợp đồng thuê đất làm bến, bãi với chủ tịch UBND xã, phường… UBND tỉnh giao cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát theo kết luận của đoàn thanh tra liên ngành. 6 tháng sau, khi tiến hành kiểm tra việc chấp hành kết luận của đoàn thanh tra liên ngành năm 2008 tại 13 đơn vị, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ thấy một đơn vị chấp hành dừng hoạt động kinh doanh, khai thác cát, 12 đơn vị còn lại đã thực hiện nhưng chưa nghiêm; các bến, bãi vẫn hoạt động trái phép. UBND một số xã, phường không những không thanh lý hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân thuê đất không đúng quy định mà còn tiếp tục ký hợp đồng cho thuê tiếp để làm bến, bãi, vi phạm điều 37 Luật Đất đai năm 2003. Chính quyền cơ sở làm ngơ trước những quy định của pháp luật như vậy nên đến nay bến còn dễ dàng được “mọc” ngay cả ở đỉnh kè, khu vực đỉnh đường cong của dòng sông, luồng chạy tàu. Còn chủ bến luôn cảm thấy "nhẹ như lông hồng" khi chỉ nộp phạt mức 500 nghìn đến 2,5 triệu đồng/lần nếu bị các đoàn kiểm tra lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.
Trong khi bến, bãi như thế thì vấn đề cấp phép khai thác cát diễn ra hết sức chậm chạp. Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên – Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) cho biết: Đến thời điểm này, tỉnh chưa cấp phép khai thác cát cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Nguyên nhân chính là do tháng 12.2010 tỉnh ta mới phê duyệt được “Quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản để chế biến làm vật liệu thông thường tỉnh Hưng Yên đến năm 2020”. Mặt khác, trong quá trình thăm dò mỏ còn bị tác động bởi điều kiện khí hậu như mưa, bão, dòng chảy thay đổi… làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như kết quả thăm dò. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án được cấp phép khai thác cát, ngay sau khi có quy hoạch được phê duyệt, tỉnh đã cấp phép thăm dò khai thác cho 6 đơn vị nhưng đến nay mới có các đơn vị hoàn thành. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang trình UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng của các đơn vị hoàn thành thăm dò để làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ cấp phép khai thác cát.
Để sớm ngăn chặn được tình trạng “chảy máu” tài nguyên cát đen, thu hút được những doanh nghiệp có năng lực về tài chính, quản lý tham gia hoạt động khai thác cát đúng quy định, thiết nghĩ cần có sự quan tâm thực sự của chính quyền các cấp trong quản lý hoạt động khai thác cát, có cơ chế mở thông qua cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đã hoàn thành thăm dò sớm đi vào khai thác, đồng thời xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân khai thác cát, hoạt động bến, bãi trái phép.
Việc ngăn ngừa, chống khai thác cát trái phép trên sông cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện. Nếu không sớm có giải pháp cho việc cấp phép khai thác cát, sớm thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm việc cho thầu, thuê đất trái thẩm quyền của UBND cấp xã, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của từng cấp, cơ quan có liên quan thì mong muốn đưa hoạt động khai thác cát, bến, bãi vào nền nếp luôn chỉ là mong muốn. Trong điều kiện hiện nay, khi nhu cầu cát cho xây dựng vẫn còn cao, việc khai thác cát trái phép chưa xử lý triệt để cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Khoáng sản, các quy định có liên quan. Nên chăng UBND tỉnh có cơ chế về quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung trọng tâm xây dựng quy chế phối hợp với các tỉnh bạn để quản lý khoáng sản trên sông Hồng, sông Luộc; xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành của tỉnh có liên quan để quản lý bến, bãi, hoạt động khai thác cát và chống thất thu ngân sách từ hoạt động khai thác, kinh doanh cát. Từ công tác quản lý này là cơ sở để đưa vấn đề quản lý tàu thuyền khai thác cát, bến, bãi hoạt động đi vào nền nếp hơn, đồng thời góp phần khai thông dòng chảy, bảo vệ luồng chạy tàu cũng như trật tự ATGT ĐTNĐ. Mặt khác, chính quyền các cấp cần tháo gỡ khó khăn cho công an các cấp trong quá trình xử lý vi phạm trên sông, vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Thực tế cho thấy, tìm giải pháp không khó, làm thế nào để giải pháp được thực thi hiệu quả mới là điều mà mỗi người quan tâm. Với thực trạng hiện nay, nếu không sớm thực thi các giải pháp một cách đồng bộ thì việc các ngành chức năng ra quân xử lý nạn "cát tặc", bến bãi hoạt động trái phép nói riêng, các vi phạm khác nói chung có chăng chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa".
baohungyen.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
136 người đang online