Tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước

Các chuyên gia môi trường nhận định, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đã vượt khỏi khả năng kiểm soát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế – xã hội.

Ô nhiễm và cạn kiệt

Việt Nam có nguồn tài nguyên nước dồi dào, với khoảng 2.360 sông suối có chiều dài trên 10 km và hàng nghìn ao, hồ. Những nguồn nước này là nơi cư trú và nguồn sống của các loài động, thực vật và con người. Tuy nhiên, nguồn nước này đang bị suy thoái và phá hủy nghiêm trọng do khai thác quá mức và bị ô nhiễm nặng, từ nước mặt đến nước ngầm, thậm chí nhiều con sông, ao, hồ đang “chết”.

“Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang gây ra những ảnh hưởng rõ ràng đến sức khỏe của con người, là tăng nguy cơ ung thư, sảy thai và dị tật bẩm sinh, suy giảm nòi giống. Trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Hàng năm có gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm”, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết.

PGS. TS Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường, Tổng cục Môi trường cho biết, chất lượng nước bị ô nhiễm đến mức báo động do hàm lượng chất dinh dưỡng, chất hữu cơ, cặn lơ lửng vượt chuẩn cho phép hoặc ô nhiễm vi sinh, nhất là tại các sông Cầu, sông Thị Vải, sông Nhuệ – Đáy, sông Đồng Nai…

Nguồn nước ô nhiễm, gây nên những ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe con người, đó là những điều đã rõ trong thực tế. Huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) được biết đến là nơi có nhiều người mắc bệnh “lạ”, bị tổn thương da, lở loét lòng bàn tay, bàn chân, nhiễm độc gan và tiến triển nhanh nếu không được điều trị, thậm chí dẫn đến tử vong khiến nhiều người dân hoang mang.

Sau khi lấy mẫu nguồn nước sinh hoạt từ suối bắt nguồn từ núi Gò Khế tại làng Rêu, xã Ba Điền thì phát hiện nguồn nước này bị ô nhiễm nặng, với chỉ số vi sinh vật trong mẫu nước vượt 1,3 – 3 lần cho phép. Ô nhiễm nguồn nước được đánh giá là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh “lạ” tại đây. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm nguồn nước còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và phát sinh các vấn đề xã hội như tranh chấp nguồn nước…

Theo các chuyên gia môi trường, ngoài nguyên nhân gây ô nhiễm nước tự nhiên do mưa lũ, gió bão thì ở nước ta, nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước là nước thải sinh hoạt, y tế, công nghiệp và nông nghiệp. Các nguồn thải này hiện nay đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và quy mô do không kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm.

Cần chú trọng trong luật

PGS. TS Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường, Tổng cục Môi trường đánh giá, mặc dù Việt Nam đã có một số luật như Luật Bảo vệ môi trường 2005; Luật Tài nguyên nước sửa đổi 2012 và một số nghị định liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước. Tuy nhiên, vẫn dừng ở những quy định chung, chưa cụ thể, xác định rõ trách nhiệm, trong khi tình trạng ô nhiễm nước ở Việt Nam chưa được ngăn ngừa một cách bài bản.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, Luật BVMT đã có những quy định liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nguồn nước nhưng các văn bản dưới luật chưa đầy đủ và hoàn thiện, mới tập trung tiếp cận bằng thanh tra, xử phạt hành chính… trong khi đó, một biện pháp kiểm soát ô nhiễm quan trọng là điều tra, thống kê, đánh giá nguồn thải thì chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, thiếu sự tham gia của cộng đồng. Việc xây dựng quy hoạch BVMT cho các lưu vực sông vẫn chưa được ban hành. Cùng với đó, một số văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nước còn chưa sát với thực tế, gây khó khăn trong thực hiện.

Trước thực trạng đó, rất cần thiết có quy định về ngăn ngừa ô nhiễm nước, bao gồm đánh giá về tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án, công trình liên quan đến nguồn nước; quy hoạch, phân vùng sử dụng, bảo vệ hệ thống nước mặt gắn với trách nhiệm địa phương; phê duyệt các dự án có xả thải nước ra môi trường; xây dựng, xác định tiêu chuẩn chất lượng nước, cam kết bảo vệ môi trường; báo cáo giám sát môi trường định kỳ và theo dõi biến động môi trường nước, quan trắc chất lượng nước; hoạt động ngăn ngừa ô nhiễm nước cho một vùng nước và quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường nước của chính quyền địa phương…

“Cần sự tham gia của cộng đồng vào kiểm soát ô nhiễm nước, nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này và có sự phối hợp, chính sách hỗ trợ, bảo vệ người tố cáo những hành vi gây ô nhiễm nước. Mạnh tay xử lý những cơ sở gây ô nhiễm, thậm chí có thể quy trách nhiệm hình sự khi gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Đồng thời có cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp làm tốt, thu lợi từ nước và kiểm soát ô nhiễm nước”, ông Đặng Ngọc Dinh, Liên minh nước sạch kiến nghị.


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
131 người đang online