09/01/2013 | lượt xem: 9 Thời tiết biến động, nông dân lo thất thu mùa tết Những năm gần đây, ở cả miền Bắc và miền Nam, bà con nông dân đều gặp hiện tượng cây trái, hoa màu nở hoa quá sớm, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Hoa trái đua nở sớm Nhiều loài hoa như mai, đào, mận theo tự nhiên chỉ nở vào mùa xuân, sau Tết Nguyên đán trở đi nhưng hiện nay, ở khá nhiều nơi hoa đã nở trước tết 1-2 tháng. Ngoài ra, các loại cây ăn trái được coi là “cây làm giàu” của nông dân như vải thiều, nhãn ở miền Bắc, xoài ở miền Nam, thậm chí cả cà phê ở Tây Nguyên… cũng bắt đầu có hiện tượng nở hoa bất thường. Bà con nông dân cho biết, do cây trái nở hoa quá sớm, gần như trái vụ gây ảnh hưởng rõ tới năng suất, sản lượng, làm thiệt hại đáng kể. Nhưng bên cạnh chuyện mùa vụ thất bát thì một câu hỏi đặt ra: phải chăng thời tiết đang có những dấu hiệu thay đổi bất thường, quy luật tự nhiên và sinh trưởng của cây trồng cũng biến đổi theo mà nguyên nhân quan trọng là do tác động của biến đổi khí hậu. Năm nào người trồng đào tết ở Hà Nội cũng lo chuyện đào trổ hoa quá sớm. Cần nghiên cứu kỹ về biến đổi thời tiết TS Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm Khí hậu nông nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu khí tượng Việt Nam, cơ quan chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu đối với sinh trưởng của cây trồng, mùa vụ cho biết, điều kiện của một cây trồng là cứ tích đủ lượng nhiệt nhất định thì sẽ ra hoa kết trái. Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Trung ương Lê Thanh Hải cũng cho biết, qua quan trắc mùa Đông năm nay chỉ có tháng 9-2012 là nhiệt độ giống mọi năm, còn lại tháng 10, 11 cao hơn trung bình 1-3°C, có những nơi cao hơn 2-4°C. Không những ấm mà còn ẩm nên cây trái ra hoa sớm. Các năm trước, phải sang tháng 2-3 âm lịch mới có hiện tượng nồm (độ ẩm lên cao, nhà cửa “đổ mồ hôi”, trời mù mịt sương, mưa phùn) ở miền Bắc nhưng hai năm nay, từ tháng 11-12 âm lịch đã có hiện tượng nồm. Do thời tiết và quy luật sinh trưởng của cây trồng đang thay đổi nên theo TS Liêm, cần có sự đầu tư nghiên cứu sâu hơn về những biến đổi khác thường của thời tiết để phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó kịp thời thay đổi cơ cấu, thời lịch mùa vụ gieo trồng phù hợp hơn. Năm nay, cũng diễn ra tình trạng đào nở quá sớm. Trong đó, tại huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa), nằm gần biên giới Việt – Lào, từ cách đây 2 tháng đào đã nở thắm núi rừng. Tại các xã như Mường Lý, Tén Tằn… hàng vạn cây đào khoe sắc rực rỡ từ tháng 10-2012. Trưởng bản Sài Khao (Mường Lý) Sùng A Sú nói: “Chưa bao giờ ở đây có hiện tượng hoa đào nở sớm như thế”. Tại các vựa đào rừng lớn ở Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Sơn La, Điện Biên… những năm gần đây cũng có đào nở sớm. Ngay ở vùng xuôi, nơi có khá nhiều “làng đào” tết, bà con cũng “méo mặt” vì hoa nở sớm. Cùng với đào ở miền Bắc, từ tháng 10 trở lại đây, nhà vườn ở Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Tây Nguyên và Nam bộ cũng phải ngậm ngùi vì cảnh mai nở quá sớm. Trồng mai cũng như đào, cả năm chỉ trông chờ mỗi vụ tết. Vì vậy nhiều nông dân, chủ vườn mất ăn mất ngủ khi mai nở trước tết cả 1-2 tháng làm thất thu nặng. Bà con cho rằng, nguyên nhân mai nở sớm vì đã sang tháng 12 mà trời vẫn còn nắng nóng. Cũng có người nói do năm nay hai tháng nhuận, thời tiết lại ấm nên kích thích mai sinh trưởng, ra hoa sớm. Thiệt hại nặng nề không kém là ở các vựa trồng cây ăn trái. Ông Nguyễn Đắc Thành, chủ một trang trại vải thiều rộng hơn 12ha ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chia sẻ: “Khoảng chục năm trở lại đây, vải thiều, nhãn, xoài thường nở hoa rất sớm. Có năm, từ trước Tết Nguyên đán 1-2 tháng hoa đã nở trắng. Trong khi trước đây phải khi xuân sang ấm áp, có mưa phùn hoa mới nở”. Ông Thành cho biết, năm 2012 vừa qua, nhãn, vải thiều ở miền Bắc mất mùa nặng, một phần do hoa nở quá sớm. Nhiều vườn vải nở hoa vào tháng 11-12 âm lịch, đúng vào thời điểm xuất hiện rét đậm rét hại nên không thể thụ phấn. Tỷ lệ hoa đậu quả chỉ còn đạt khoảng 30-70%. Có gia đình mất trắng. Vì thế, sản lượng vải tung ra thị trường hồi mùa hè cũng chỉ bằng khoảng 50-60% mọi năm. thiennhien.net
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác dự báo bão số 5 và siêu bão Mangkhut