Tìm hiểu thuật ngữ “Biến đổi khí hậu ứng phó với biến đổi khí hậu” trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Khái niệm biến đổi khí hậu trái đất được hiểu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định. Sự biến đổi khí hậu có thể giới hạn trong một vùng nhất định hay có thể xuất hiện trên toàn địa cầu.

Hình minh họa

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu thường được gọi chung bằng những hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do có sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Đồng thời, có thể là sự tác động của các nhân tố tự nhiên như thay đổi bức xạ khí quyển (bao gồm các quá trình như biến đổi bức xạ mặt trời, độ lệch quỹ đạo của trái đấy), quá trình kiến tạo núi, kiến tạo trôi dạt lục địa và sự thay đổi nồng độ khí nhà kính.

Trong các nhân tố về những tác động do con người gây ra biến đổi khí hậu thì nguyên nhân hàng đầu là sự gia tăng của lượng khí COdo việc đốt các nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch. Các yếu tố khác như việc sử dụng đất, lỗ thủng tầng ôzôn, sản xuất nông nghiệp và nạn phá rừng cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.

Các biểu hiện chủ yếu của biến đổi khí hậu là: Sự nóng lên của khí quyển và trái đất nói chung; sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và các sinh vật trên trái đất; sự dâng cao của mực nước biển do băng tan, dẫn tới sự ngập úng ở các vùng đất thấp; sự di chuyển của các đới khí hậu tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của trái đất dẫn tới nguy cơ đe dọa sự sống của các loại sinh vật, các hệ sinh thái và hoạt động của con người; sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hóa khác; sự thay đổi năng suất sinh học của hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thủy quyển, sinh quyển, các địa quyển. Các biểu hiện cụ thể như: hiệu ứng nhà kính; thủng tầng ôzôn; lũ lụt, hạn hán, sa mạc hóa…

Hậu quả của biến đổi khí hậu thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau: các hệ sinh thái bị phá hủy; mất đa dạng sinh học; tác hại nghiêm trọng đến môi trường sống; tác hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế; sự tan băng, các núi băng và sông băng đang teo nhỏ, mực nước biển đang dâng lên; những đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán, bão lụt; dịch bệnh phát triển; có thể dẫn đến chiến tranh và xung đội do tranh chấp tài nguyên (như nguồn nước,…)

Năm 2013, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra bốn nhận định quan trọng về vấn đề biển đổi khí hậu toàn cầu như sau:

1- Có đến 95% hoạt động của loài người phải chịu trách nhiệm trước vấn đề nóng lên toàn cầu.

2- Nồng độ CO2 hiện nay đạt mức “chưa từng có” trong vòng 800.000 năm qua. Nguyên nhân của sự gia tăng nhanh chóng nồng độ  CO2 trong không khí là do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.

3- Mực nước biển tiếp tục gia tăng với tốc độ nhanh hơn trong vòng 40 năm qua (hiện tại, mực nước biển tăng trung bình 3 mm/năm. Năm 2007, IPCC dự đoán rằng trong thế kỷ XXI, mực nước biển sẽ tăng thêm 18-59 cm).

4- Hiện tượng tan băng đang tăng lên (trong hai thập kỷ qua, tại đảo Geenland và băng ở Nam cực tan chảy và sông băng đã giảm ở hầu hết các nơi trên thế giới).

Theo các nghiên cứu dự báo và đánh giá quốc tế cũng như đánh giá và dự báo trong nước, Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Những biểu hiện tác động chủ yếu thể hiện ở ba mặt chủ yếu sau: Nước biển dâng; sự gia tăng nhiệt độ trung bình hằng năm; tình trạng hạn hán, bão lũ tăng lên và diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực phát triển kinh tế đời sống của người dân.

Sự gia tăng của mực nước biển khiến cho nhiều địa phương có bờ biển sẽ bị ngập sâu trong nước. Việt Nam là một nước có bờ biển dài (3.260 km bờ biển) chạy dọc theo chiều Bắc - Nam), được xếp vào một trong những nước có nguy cơ chịu tác động rất nhiều do sự gia tăng của mực nước biển dâng, sẽ làm thu hẹp dần diện tích đất nông nghiệp của nước ta, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long và các vùng đất ven biển. Ngay thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị ven biển cũng trực tiếp chịu tác động của nước biển dâng. Nước biển đang làm cho tình trạng xâm mặn lấn sâu vào đất liền đến mức báo động như ở đồng bằng sông Cửu Long và các vùng ven biển. Tình trạng đất nóng lên, mà Việt Nam cũng đang chịu tác động trong các thập kỷ gần đây, làm thay đổi các yếu tố khí tượng thủy văn tại nhiều vùng theo chiều hướng xấu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp và đời sống của con người. Biến đổi khí hậu đã và đang làm cho tình hình hạn hán, các thiên tai như: mưa lớn, bão lốc, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, cường độ mạnh hơn và khó dự đoán hơn, sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy về nhiều mặt và thiệt hại lớn hơn.

Trước những diễn biến phức tạp, những tác động nghiêm trọng và rộng lớn của biến đổi khí hậu, Đảng, Nhà nước và xã hội đã có những nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về vấn đề hệ trọng này. Đại hội XI của Đảng đã lần đầu tiên đặt vấn đề “bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”thành một định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã han hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, được cụ thể hóa thành chương trình và các nhiệm vụ, cơ chế, chính sách, giải pháp về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

          Đại hội XII của Đảng nhận định, tuy nhận thức tầm quan trọng của việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng; thiên tai ngày càng bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản”. Đại hội đề ra nhiệm vụ : “Chủ động xây dựng, triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cho từng giai đoạn. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và ứng phó với thiên tai, giám sát biển đổi khí hậu và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Đầu tư thích đáng và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế cho các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống, hạn chế tác động xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng, duyên hải miền Trung, trước hết là khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau và các thành phố ven biển khác. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm mức phát thải khí nhà kính”

CTTĐT

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
135 người đang online