Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu: Quyết tâm trong cam kết chính trị

Tại cuộc họp Ban Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra ngày 15/11, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế đều ghi nhận những nỗ lực đáng kể trong 3 năm qua của Chính phủ Việt Nam. Các cam kết chính trị đã được thúc đẩy và thực hiện xuyên suốt từ cấp Trung ương đến địa phương.



Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại cuộc họp

Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ nhiệm Chương trình Nguyễn Minh Quang; Thứ trưởng Bộ TN&MT, Ủy viên Thường trực Ban Chủ nhiệm Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện của 13 Bộ tham gia Ban Chủ nhiệm và các nhà tài trợ quốc tế.
 
Tiến bộ rõ rệt trong liên kết, phối hợp
Các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế theo sát Chương trình mục tiêu từ ngày được phê duyệt (năm 2008 theo Quyết định 158/TTg) như Chính phủ Đan Mạch, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt trong việc liên kết, phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương, với các nhà tài trợ… trong triển khai thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu liên quan đến các nhà tài trợ.
Theo đại diện của JICA, tiến bộ đó thể hiện ở việc các Bộ đã có những đầu mối cụ thể để giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời các vấn đề về quan điểm, thủ tục. Đầu mối này không chỉ là cầu nối giữa Bộ đó với các nhà tài trợ mà còn có trách nhiệm báo cáo với các nhà làm chính sách ở mỗi Bộ, ngành. Từ đó các chính sách sẽ nhanh chóng được lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề về tài chính, ngân sách để được xem xét giải quyết theo “đặc thù” của dự án biến đổi khí hậu.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông John Nielsen cho rằng, điều vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là Việt Nam có được các cam kết chính trị mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo cao nhất. “Những bước tiến về chính sách và luật pháp như xây dựng chiến lược biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động quốc gia, chương trình hành động của các tỉnh, đẩy mạnh lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào tất cả các chương trình, kế hoạch, dự án… nhanh chóng có được trong thời gian qua nhờ vào những cam kết chính trị đó”, ông John Nielsen nói.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nhịp độ các hoạt động phối hợp trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhất là tới đây, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí được thành lập, càng cần làm rõ vai trò điều phối, cũng như cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và các nhà tài trợ. WB còn đề nghị, Việt Nam nên mở rộng tiếp cận các nguồn tài chính khác, như từ Quỹ Phát triển xanh, bởi cuộc chiến này “ngốn” rất nhiều tiền bạc.
Ông John Nielsen thì lưu ý đến việc tiếp cận nguồn tài chính cho các hoạt động chuyển giao công nghệ thân thiện với khí hậu, hướng đến nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.
Hiện Chính phủ Việt Nam đang triển khai hai Chương trình lớn về biến đổi khí hậu là Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP-RCC) và Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SPR-CC) đều nhận được hỗ trợ tích cực từ quốc tế. Những cam kết chính trị mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam đã tạo lòng tin cho các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tiếp tục chung tay hỗ trợ nước ta trong cuộc chiến này.

Toàn cảnh cuộc họp

 
Đẩy mạnh lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu
Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, triển khai đồng bộ việc điều chỉnh, lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch là một trong 3 nhiệm vụ quan trọng các Bộ, ngành Trung ương thực hiện Chương trình trong năm 2012. Hai nhiệm vụ nữa là tăng cường truyền thông và mở rộng hợp tác quốc tế.
Chủ nhiệm Chương trình cũng đề nghị, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí dòng ngân sách dành riêng cho Chương trình SRPCC để có cơ sở phê duyệt, triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu theo yêu cầu của nhà tài trợ.
Đối với các địa phương, cần tập trung hoàn thiện và ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời sớm có đề xuất các vấn đề ưu tiên, không thể trì hoãn để bố trí kinh phí triển khai.
Theo báo cáo của ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Chánh Văn phòng Chương trình NTP-RCC, năm 2012, sẽ triển khai Chương trình khoa học công nghệ, tăng cường năng lực cho các hoạt động liên ngành, nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực, triển khai kế hoạch hành động ứng phó ở các Bộ ngành và hai tỉnh thí điểm (Bến Tre, Quảng Nam). Kinh phí thực hiện ước tính 490 tỷ đồng, trong đó 260 tỷ đồng được huy động từ nguồn tài trợ quốc tế.
Theo monre.gov.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
115 người đang online