28/11/2011 | lượt xem: 6 Xây dựng Chính phủ điện tử ngành TN&MT: Công nghệ thông tin là "ngòi nổ" Thách thức công nghệ thông tin (CNTT) đối với ngành TN&MT không nhỏ với mục tiêu đi tắt đón đầu, ứng dụng mạnh và hiệu quả để góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về TN&MT. Buổi giao lưu trực tuyến của Bộ TN&MT. Ảnh: Yên Chi Xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) thực chất là nền hành chính điện tử, giữa các cơ quan hành chính, cơ quan hành chính với nhân dân, cụ thể là các cơ quan hành chính từ Chính phủ là cơ quan cao nhất đến các Bộ, ngành, địa phương đều được điện tử hóa. Thực hiện CPĐT là cơ sở, nền tảng để thực hiện cải cách hành chính, đó là mục tiêu được nhiều nước trên thế giới quan tâm, kiên trì thực hiện và đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Có thể nói, sự phát triển về CPĐT ở Việt Nam thời gian qua đã được nâng lên một mức mới khi số lượng máy tính trang bị tại các công sở, số công chức được đào tạo bài bản về ứng dụng CNTT, phần mềm phục vụ cải cách hành chính từng năm tăng theo cấp số nhân. Tính đến nay, có đến 70% Bộ, ngành có website riêng, 80% cơ quan hành chính có trang tin điện tử, trên 60% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh có mạng LAN. Hiện nay, Việt Nam có trên 94.000 dịch vụ công trực tuyến, với 775 dịch vụ công mức độ 3, cho phép tải và điền đơn từ qua mạng, 4 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho phép thanh toán qua mạng. Đây là những tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý Nhà nước. Với đặc thù của Bộ TN&MT cũng như toàn ngành TN&MT được Nhà nước giao quản lý nhiều lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm bao gồm: Đất đai; tài nguyên nước; địa chất khoáng sản; môi trường; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo. Khối lượng thông tin, dữ liệu của ngành quản lý rất lớn, đa dạng và phức tạp. Đa số các lĩnh vực quản lý của ngành đều liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, xây dựng, vận hành chính phủ điện tử dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vừa là mục tiêu vừa là phương tiện đáp ứng thách thức và nhu cầu phát triển của ngành TN&MT. Theo chỉ đạo của Bộ, toàn ngành TN&MT đã triển khai bước đầu để làm tiền đề cho xây dựng, vận hành chính phủ điện tử như : Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, chỉ đạo thực hiện trong ngành, đầu tư nhiều trang thiết bị, máy tính; từng bước hoàn thiện và đầu tư mới về hệ thống mạng thông tin trong Bộ và toàn ngành... Cục trưởng Cục CNTT Nguyễn Hữu Chính cho biết, hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT của ngành TN&MT từng bước đi vào hoạt động bài bản, có lộ trình định hướng phát triển thống nhất trong toàn ngành. Từ đó, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý; xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm; xây dựng kiến trúc tổng thể của ngành; triển khai các dự án trọng tâm có quy mô quốc gia của Bộ TN&MT. Các hoạt động này, được Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá Bộ TN&MT một trong các Bộ có đơn vị chuyên trách về CNTT hoạt động tích cực, bài bản, có hệ thống, đóng góp nhiều kinh nghiệm cho hoạt động ứng dụng CNTT của các Bộ, ngành. Các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở TN&MT đều đã kết nối Internet (ADSL; sử dụng kênh thuê riêng - Leased line); bảo mật, an toàn thông tin: Hệ thống an ninh, an toàn thông tin của Bộ TN&MT được đánh giá 4,5/10. Tỷ lệ cán bộ, công chức viên chức được cấp hòm thư điện tử chiếm 66%; sử dụng thư điện tử trong công việc chiếm 75%. Theo Cục trưởng Nguyễn Hữu Chính, các phần mềm ứng dụng đã đáp ứng được một số nhu cầu hiện nay trong chỉ đạo điều hành, giao lưu trực tuyến… Tuy nhiên, còn thiếu, còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, phạm vi ứng dụng còn hạn chế, mức độ ứng dụng CNTT phục vụ công tác điều hành quản lý của Bộ: 49/60 điểm (xếp hạng 4/21). Mục tiêu đến năm 2015, có khoảng từ 50% tới 70% thiết bị trong quan trắc, điều tra, khảo sát, đo đạc thông tin TN&MT được chuyển sang công nghệ số, tự động hóa việc cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Cùng với đó, việc xã hội hóa, tư nhân hóa đang là vấn đề được Bộ TN&MT nghiên cứu, xem xét và sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công nhằm thúc đẩy cải cách hành chính, chia sẻ với Nhà nước và phát huy các nguồn lực của xã hội, ngày càng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo lộ trình đến năm 2015, toàn ngành TN&MT, hoàn thành các mục tiêu cơ bản đề ra trong vận hành chính phủ điện tử, đến năm 2020 hoàn thiện, vận hành theo yêu cầu, mục tiêu của Chính phủ. Theo monre.gov.vn
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh