Xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông giáp ranh

Ðể quản lý có hiệu quả nguồn khoáng sản trên sông Hồng, từ năm 2014, UBND ba tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình đã thống nhất ban hành quy chế phối hợp quản lý hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông giáp ranh giữa các tỉnh. Sau ba năm thực hiện quy chế phối hợp, tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song, nhiều bạn đọc phản ánh vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông.

Qua ba năm thực hiện quy chế phối hợp quản lý hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông giáp ranh giữa ba tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình, lãnh đạo UBND ba tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp, nhằm ngăn chặn, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Các địa phương vùng giáp ranh, sở, ngành mỗi tỉnh đã chủ động phối hợp với việc thực hiện nhiệm vụ. Kết quả nổi bật là tình hình vi phạm pháp luật giao thông đường thủy và hoạt động khai thác cát trái phép giảm đáng kể; việc tranh chấp đất đai khu vực giáp ranh giữa các tỉnh hầu như không xảy ra. Trong ba năm thực hiện Quy chế phối hợp, các cơ quan chức năng của ba tỉnh đã tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản năm trường hợp từ hai tháng đến một năm; tịch thu năm đầu máy hút cát, xử lý vi phạm hành chính hơn một nghìn tổ chức, cá nhân, phạt tiền hơn 4,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát sỏi trên sông ở phạm vi khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình vẫn diễn biến phức tạp, có lúc đã trở thành điểm nóng như xã Chân Lý (Lý Nhân, Hà Nam). Hơn nữa, lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép cao, cho nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật ngang nhiên vi phạm. Phương tiện và con người phục vụ công tác kiểm tra, truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép tại các địa phương còn hạn chế, rất khó khăn trong việc bắt giữ và xử lý vi phạm. Các đối tượng vi phạm đã sử dụng phương thức thủ đoạn tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng. Nguyên nhân được cho là địa giới hành chính giữa các tỉnh trên sông Hồng chưa được xác định cụ thể nên công tác quản lý nhà nước và kiểm tra giám sát hoạt động khai thác gặp rất nhiều khó khăn. Ðơn cử như huyện Lý Nhân (Hà Nam) có chiều dài dọc tuyến sông Hồng khoảng 25,2 km thuộc địa bàn bảy xã giáp với tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, thì việc quản lý khai thác cát trên các tuyến sông Hồng gặp rất nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân Nguyễn Thành Thăng cho biết: Huyện đã phối hợp các địa phương giáp ranh để thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cát trên tuyến sông Hồng thuộc thẩm quyền. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, giao thông đường thủy và UBND cấp huyện không có phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép, trong khi các tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép rất liều lĩnh, manh động và hoạt động khai thác chủ yếu vào ban đêm, sáng sớm nên việc kiểm tra, bắt giữ và xử lý rất khó thực hiện nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực và kịp thời của các lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy.

Việc quản lý địa giới hành chính và hoạt động khai thác cát trên tuyến sông tại các khu vực giáp ranh gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra ở nhiều địa điểm, trên tuyến sông Hồng. Các đối tượng khai thác cát trái phép lợi dụng địa hình sông nước ngang nhiên hoạt động, khi có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát thì các đối tượng lại di chuyển sang địa phận tỉnh khác, nhất là tại những khu vực giáp ranh giữa các tỉnh như: tại ngã ba tỉnh thuộc miền Hồng Lý, xã Chân Lý của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Việc xâm canh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ở khu vực bãi bồi trên sông xảy ra nhiều năm qua cũng góp phần gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như việc kiểm tra, bắt giữ và xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông giáp ranh, trong năm 2017, các địa phương tiếp tục thống nhất triển khai một số nhiệm vụ như: Tập trung xác định xong địa giới hành chính các tỉnh ở khu vực giáp ranh; phối hợp thả phao, cắm mốc địa giới hành chính ở các khu vực có vị trí nhạy cảm thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép; yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khoáng sản thả phao, cắm mốc các điểm khép góc mổ được cấp phép để nhân dân và các cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát; tăng cường kiểm tra hệ thống đê, dọc kề các tuyến sông nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố sạt lở. Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác cát, nạo vét tuyến luồng đường thủy và giao thông đường thủy trên các tuyến sông khu vực giáp ranh giữa các tỉnh; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các phương tiện khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cát không có nguồn gốc hợp pháp; tổ chức điều tra và xử lý các sai phạm của tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy và hoạt động khoáng sản.

nguồn: nhandan.com.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
24 người đang online