12/07/2011 | lượt xem: 7 ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN DỰ ÁN VLAP Việc thi hành pháp luật về đất đai dù đã có nhiều cố gắng và từng bước được cải thiện, song vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại và cả những bất cập. Bên cạnh đó, tình trạng sai phạm, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp; trong khi đó, việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là do lâu nay, hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính chưa đầy đủ và chưa bảo đảm độ chính xác cao. Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) là nền tảng để hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai. Mục tiêu phát triển của dự án là: “Tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với các dịch vụ thông tin đất đai qua việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện ở các tỉnh được lựa chọn ở Việt Nam”. Dự án giúp các địa phương tham gia hoàn thành việc đo đạc xây dựng bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và thiết lập hệ thống quản lý đất đai điện tử; hỗ trợ và tăng cường dịch vụ đăng ký đất đai. Tỉnh ta là 1 trong 9 tỉnh được chọn tham gia Dự án VLAP với thời gian thực hiện là 5 năm. Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án, ngay sau khi thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập và kiện toàn tổ chức Ban Quản lý Dự án VLAP tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã bố trí cán bộ phụ trách các công tác chuyên môn của Dự án. Đồng thời, thành lập tổ hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án và nhóm hỗ trợ thực hiện Dự án cấp huyện nhằm phối hợp tổ chức triển khai các nội dung liên quan của Dự án. Tỉnh đã lựa chọn huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên là 2 địa phương triển khai Dự án trước. Thời gian thực hiện Dự án đã hơn 2 năm, chiếm hơn 50% thời gian của cả Dự án nhưng theo đánh giá thì tiến độ thực hiện là rất chậm, ảnh hưởng tới khả năng tiếp tục triển khai Dự án tại các địa phương khác. Theo tổng hợp của Ban Quản lý Dự án VLAP tỉnh, đến nay công tác đo đạc, xây dựng bản đồ địa chính tại thành phố Hưng Yên và huyện Khoái Châu đã cơ bản được hoàn thành. Các địa phương đang chuyển sang đăng ký, xét duyệt, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tính đến ngày 20.6, đã kê khai, đăng ký được trên 170 nghìn hồ sơ. Đã bàn giao trên 147.6 nghìn hồ sơ cho UBND cấp xã tổ chức xét duyệt và UBND cấp xã đã xét duyệt được trên 55,5 nghìn hồ sơ, bàn giao cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện trên 30.7 nghìn hồ sơ. UBND cấp huyện đã ký cấp được 3403 GCNQSDĐ. Mặc dù tiến độ thực hiện Dự án đã có chuyển biến tích cực nhưng theo đánh giá chung thì tiến độ đang rất chậm. Tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA mới đạt gần 10% và giải ngân nguồn vốn đối ứng mới đạt trên 16% so với kế hoạch. Tại tỉnh ta, theo kế hoạch thì 2 địa phương là Khoái Châu và thành phố Hưng Yên đã phải hoàn thành cơ bản việc cấp, cấp đổi GCNQSDĐ theo Dự án. Tuy nhiên đến nay, tại 2 địa phương này vẫn đang ở giai đoạn tiến hành xét duyệt, ký GCN. Việc chậm tiến độ thực hiện Dự án VLAP tại 2 địa phương trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng có thể tiếp tục Dự án ở các giai đoạn tiếp theo. Nếu bị dừng triển khai Dự án thì cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai của tỉnh cũng như người dân sẽ mất đi cơ hội được hưởng những lợi ích thiết thực do Dự án mang lại. Đất đai vốn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, trong đó có việc đăng ký, xét duyệt, cấp GCNQSDĐ. Thực trạng nơi cần chưa thể cấp mà nơi cấp dân lại chưa cần đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương đã gây khó khăn, cản trở quá trình cấp GCN, làm chậm tiến độ cấp GCN. Cùng với những vướng mắc chung trong việc cấp GCNQSDĐ trên phạm vi toàn tỉnh như hồ sơ tài liệu về đất đai thiếu, không đồng bộ, chính sách đất đai thay đổi qua các thời kỳ… thì tiến độ cấp GCNQSDĐ thuộc Dự án VLAP cũng rất chậm kéo theo tiến độ thực hiện Dự án chậm. Ngoài nguyên nhân về những khó khăn, phức tạp về đất đai thì các quy định, thủ tục đấu thầu, chọn nhà thầu thi công cũng làm chậm tiến độ thực hiện Dự án. Dự án bắt đầu khởi động từ giữa năm 2008 nhưng phải tới giữa năm 2009 mới chính thức được triển khai. Thêm vào đó, theo quy định của Ngân hàng Thế giới yêu cầu thì các nhà thầu thi công không được là doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực đất đai của nước ta nhìn chung là mới, năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế, trong khi đây lại là Dự án lớn, mức độ phức tạp cao. Trong quá trình triển khai dự án tại cơ sở do lúng túng và còn hạn chế về kinh nghiệm nên việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ với chính quyền và nhân dân trong vùng dự án còn chưa chặt chẽ khiến vào một số thời điểm dự án bị chững lại. Chỉ thị số 06 của UBND tỉnh yêu cầu đến hết tháng 9.2011, việc thực hiện Dự án VLAP tại huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên phải cơ bản được hoàn thành với 100% số thửa đất được kê khai đăng ký và trên 90% số thửa đất đủ điều kiện được cấp GCN. Thời gian từ nay đến hết tháng 9 không còn nhiều, đòi hỏi công tác triển khai thực hiện dự án phải được tập trung đẩy mạnh. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bảo đảm chất lượng, Ban Quản lý Dự án VLAP tỉnh đã làm việc với đơn vị thi công và các đơn vị tư vấn giám sát để chấn chỉnh những tồn tại, đôn đốc đẩy mạnh tiến độ thi công. Phân công cán bộ phụ trách để trực tiếp làm việc với các đơn vị có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhằm giải quyết kịp thời. Các tổ công tác kỹ thuật của Sở tài nguyên và môi trường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị nhằm thúc đẩy tiến độ cũng như bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đất đai. Tăng cường cán bộ xuống cấp xã để hỗ trợ công tác xét duyệt cấp GCN. Vừa qua, Ban quản lý Dự án cũng đã tổ chức buổi tập huấn nghiệp vụ cho toàn bộ cán bộ chuyên môn địa phương và nhà thầu tham gia dự án Dự án tại 2 huyện Khoái Châu, thành phố Hưng Yên. Ông Lê Ngọc Sỡi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VLAP tỉnh cho biết: “Dự án VLAP có ý nghĩa rất lớn đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý đất đai của các địa phương tham gia dự án cũng như của tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án hiện nay đang rất chậm. Việc cấp bách hiện nay là chúng ta phải tập trung cao để tháo gỡ những “nút thắt” làm chậm trễ tiến độ để đẩy nhanh tiến độ bảo đảm hoàn thành đúng thời gian và chất lượng. Chỉ có hoàn thành đúng thời gian được được Ngân hàng Thế giới gia hạn với chất lượng tốt chung ta mới có cơ hội được tiếp tục Dự án tại địa phương khác trên địa bàn tỉnh”. Mai Nhung Báo Hưng Yên
UBND Tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán công trình Đo đạc-chỉnh lý lập bản đồ địa chính đăng ký đất đai;lập hồ sơ địa chính cấp và cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xây dựng CSDL và tích hợp CSDL địa chính