27/10/2017 | lượt xem: 6 Hưng Yên quyết liệt xử lý vi phạm công trình thủy lợi Trước thực trạng vi phạm công trình thủy lợi (CTTL) gia tăng, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị quyết liệt trong xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm CTTL. Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, đến nay, tình trạng vi phạm, tái vi phạm CTTL trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được ngăn chặn, hệ thống kênh mương đã được thông thoáng, đáp ứng yêu cầu phục vụ tưới tiêu cho sản xuất và dân sinh. Xử lý vi phạm CTTL ở huyện Khoái Châu Thực hiện Kế hoạch số 93a/KH – UBND ngày 31.3.2017 của UBND tỉnh về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép năm 2017 (gọi tắt là Kế hoạch 93a), huyện Khoái Châu đã triển khai nhiều giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể vào cuộc. Đến nay, 75/75 trường hợp vi phạm CTTL sau khi có Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 16.3.2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 02) đã được xử lý, trong đó có 65 trường hợp người vi phạm tự tháo dỡ. Trước đó, các địa phương trong huyện đã xử lý, giải tỏa được gần 450 trường hợp vi phạm CTTL. Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết: Huyện đã thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo giải tỏa công trình vi phạm, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, trong đó thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các xã, thị trấn. Ban chỉ đạo yêu cầu từng thành viên cùng với lãnh đạo xã, thị trấn trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động các hộ tự tháo dỡ công trình vi phạm, đồng thời yêu cầu ký cam kết tháo dỡ và không tái vi phạm… Với những cách làm này, từ khi có Nghị quyết số 12- NQ/TU ngày 21.3.2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Nghị quyết số 12); Chương trình hành động số 50A ngày 26.4.2013 của UBND tỉnh về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường giải quyết, xử lý hiệu quả tình trạng vi phạm, lấn chiếm CTTL trên địa bàn tỉnh (Chương trình hành động số 50A), tình trạng vi phạm mới và tái vi phạm đã giảm nhiều so với những năm trước; nhiều trường hợp vi phạm đã tự tháo dỡ công trình. Nhằm xử lý triệt để những vi phạm mới phát sinh và tái vi phạm CTTL, huyện Kim Động đã yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện rà soát, thống kê, phân loại vi phạm CTTL; tăng cường tuyên truyền các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh, của huyện về giải tỏa vi phạm CTTL, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, quản lý, khai thác CTTL tới các tổ chức và nhân dân để hiểu và thực hiện, đồng thời tích cực vận động các trường hợp vi phạm tự tháo dỡ, giải tỏa. Huyện giao trách nhiệm cho lãnh đạo các xã, Xí nghiệp khai thác CTTL huyện, các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm để xử lý ngay từ khi mới phát sinh, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm. Từ năm 2013 đến nay, toàn huyện đã xử lý được 250 trên tổng số 1,1 nghìn trường hợp vi phạm CTTL, trong đó có 19/19 trường hợp vi phạm sau ngày 16.3.2016 được xử lý đầu năm nay. Các vi phạm còn lại chủ yếu từ năm 1993 trở về trước, huyện đang xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Theo số liệu rà soát, thống kê tại các huyện, thành phố, toàn tỉnh có trên 6,6 nghìn trường hợp vi phạm CTTL. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương, đến hết tháng 8.2017, toàn tỉnh đã xử lý được trên 3,8 nghìn trường hợp vi phạm, trong đó có 933 trường hợp làm nhà, công trình phụ, 606 trường hợp làm lều quán, lán trại, 319 trường hợp san lấp, trên 1,1 nghìn trường hợp trồng cây, 323 trường hợp làm ách tắc dòng chảy, còn lại là các vi phạm khác trên đất thủy lợi. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, các địa phương, nhờ sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong thời gian qua đã hạn chế đáng kể những vi phạm mới phát sinh và tái vi phạm; kênh mương đã thông thoáng, đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu và phục vụ dân sinh; ý thức của cán bộ và nhân dân về trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi được nâng lên. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ CTTL, tự giải tỏa công trình vi phạm theo nội dung của Nghị quyết số 12 còn hạn chế. Việc phát hiện vi phạm ở một số nơi chưa kịp thời ngay từ khi mới xảy ra… Nguyên nhân chính do tại một số xã, chính quyền cơ sở không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, cán bộ còn có biểu hiện nể nang, né tránh trách nhiệm, thậm chí bao che vi phạm…. Một số trường hợp vi phạm từ lâu, đã xây dựng công trình kiên cố có giá trị lớn, khi tiến hành giải tỏa, người vi phạm không chấp hành. Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT : Để nâng cao hiệu quả quản lý, ngăn chặn vi phạm mới và tái vi phạm CTTL, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý đất đai, quản lý, khai thác CTTL. Lãnh đạo các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, xử lý vi phạm và chịu trách nhiệm trước cấp trên, đồng thời coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm. Các huyện, thành phố phối hợp với đơn vị khai thác CTTL chỉ đạo cấp xã quyết liệt hơn nữa việc xử lý, giải tỏa vi phạm CTTL, kiên quyết ngăn chặn vi phạm, tuyệt đối không để phát sinh vi phạm mới, tái vi phạm; triển khai ký cam kết không vi phạm CTTL với những hộ có liên quan và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện ở các xã. Trên cơ sở rà soát lại, tiếp tục xử lý, giải tỏa các vi phạm theo hướng dẫn của tỉnh. Ngành chức năng phối hợp cùng các địa phương sớm hoàn thành việc xác định và cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ CTTL, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác CTTL và xử lý những vi phạm… nguồn: baohungyen.vn
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng kiểm tra việc chuyển đổi cây trồng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Phù Cừ