Hưng Yên siết chặt việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh hiện có trên 1.100 tổ chức, đơn vị được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư với diện tích trên 3 nghìn ha. Đã có gần 1 nghìn dự án đi vào hoạt động với diện tích trên 2.700 ha. Các dự án đầu tư khi đi vào hoạt động đã góp phần tạo nên sự thay đổi lớn trong diện mạo kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, mức sống của người dân trong khu vực.

giám sát tình hình quản lý, sử dụng đất của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hưng Yên (Mỹ Hào
Giám sát tình hình quản lý, sử dụng đất của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hưng Yên (Mỹ Hào)
Huyện Mỹ Hào có 216 dự án đầu tư với tổng diện tích đất giao cho các dự án gần 1 nghìn ha. 
 
Ngoài các dự án đầu tư đơn lẻ, Mỹ Hào cũng là địa phương dành nhiều đất cho phát triển các khu công nghiệp như: Phố Nối A, Thăng Long II, Minh Đức, Minh Quang, Dệt may Phố Nối. 
 

Ông Nguyễn Kim Bảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Hào: “Từ một huyện thuần nông, giờ đây Mỹ Hào đã có trên 150 dự án đi vào hoạt động. Các dự án đầu tư đi vào hoạt động trên địa bàn đã tạo động lực cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh; tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động, gồm cả lao động địa phương và lao động từ nơi khác tới. Từ đó góp phần thúc đẩy thương mại – dịch vụ trên địa bàn phát triển. Kinh tế của huyện chuyển dịch mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại-dịch vụ. Thu nhập của người dân cũng không ngừng tăng lên qua các năm. Huyện đang phấn đấu trở thành thị xã công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới”. 

 
Bên cạnh việc tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, công tác quản lý, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất của các dự án đầu tư cũng được các cơ quan chức năng của tỉnh tập trung thực hiện. 
 
Ngay từ khi tiếp nhận dự án đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham gia góp ý kiến về đất đai đối với các dự án đầu tư. Ngoài các yếu tố về công nghệ, lao động, môi trường, yếu tố sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả trong dự án đầu tư cũng là yếu tố quan trọng để sở tham mưu với UBND tỉnh xem xét tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận các dự án sử dụng quỹ đất lớn nhưng hiệu quả sử dụng đất không cao. 
 
Ngoài ra, hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đưa dự án đi vào hoạt động đúng mục đích, sử dụng đất hiệu quả, đồng thời thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về đất đai như: Lấn, chiếm đất đai; sử dụng đất không đúng mục đích; chậm tiến độ triển khai dự án… 
 
Từ năm 2010 đến nay, đã có 53 đơn vị, tổ chức được giao đất, cho thuê đất bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định khắc phục hậu quả do vi phạm pháp luật về đất đai. 
 
Cùng với chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, những năm qua, tỉnh thường xuyên tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về đất đai của doanh nghiệp. 
 
Đặc biệt là sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành với nhiều chính sách, chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm về đất đai đã góp phần giảm thiểu tình trạng “găm” đất, đầu cơ đất các dự án đầu tư. Nhiều nhà đầu tư khi không còn đủ năng lực, điều kiện thực hiện dự án đã tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước hoặc thực hiện chuyển giao cho chủ đầu tư khác có năng lực hơn. 
 
Từ năm 2010 đến nay, đã có 65 tổ chức được thuê đất trả lại đất để tỉnh giao lại cho các doanh nghiệp khác đầu tư. Nhiều dự án sau khi được chuyển giao đất cho đơn vị khác thực hiện đã đem lại hiệu quả cả về kinh tế, lao động và sử dụng đất như: Dự án sản xuất của Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam tại xã Chính Nghĩa (Kim Động) phát triển trên diện tích đất trả lại Nhà nước của Công ty TNHH thương mại và sản xuất An Lệ; Dự án sản xuất của Tổng Công ty cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội từ phần đất của Công ty cổ phần Sành sứ thủy tinh Việt Nam tại xã Trưng Trắc (Văn Lâm)… 

Ông Đặng Xuân Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: “Luật Đất đai năm 2013 và các quy định mới ban hành đã siết chặt quản lý nhà nước về đất đai giao cho các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trước đây, để thu hồi đất của các dự án đầu tư đòi hỏi Nhà nước phải hoàn trả nhà đầu tư các chi phí đã đầu tư vào đất nhưng theo quy định hiện nay, có những dự án khi chậm tiến độ có thể bị thu hồi mà không được hoàn trả chi phí đã đầu tư.

Mặt khác, giá thuê đất của các dự án đã tăng lên nhiều so với trước. Do vậy, thay vì “ôm” đất, nhiều nhà đầu tư đã tự nguyện trả lại một phần hoặc toàn bộ diện tích đã được giao, được cho thuê, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư cho sản xuất, kinh doanh”.

 
Dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nào cũng cần phải sử dụng đến đất đai và hiệu quả sử dụng đất chính là một trong những chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư. Các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh tăng làm tăng nhu cầu sử dụng đất. Đây là tín hiệu đáng mừng vì đầu tư là chìa khoá của tăng trưởng kinh tế và việc làm. 
nguồn: baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
63 người đang online