Hướng dẫn thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường khi có mưa to gây ngập lụt trên địa bàn tỉnh

1. Công tác chuẩn bị phòng, chống ngập lụt

- Tiếp tục rà soát, đánh giá các khu vực trên địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng của ngập lụt như: Khu vực có nguy cơ bị ngập lụt; khu vực lưu chứa, xử lý các loại chất thải, hóa chất; kho thuốc bảo vệ thực vật… để từ đó có các phương án đi chuyển đến nơi cao hơn không có nguy cơ bị ngập hoặc nước cuốn trôi, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

- Chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất và kinh phí dự phòng) phục vụ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường sau ngập lụt, đảm bảo phù hợp và sát với thực tế địa phương.

- Tổ chức thực hiện các hoạt động: Khơi thông cống rãnh thoát nước và kênh mương thủy lợi; thu gom và xử lý các loại chất thải rắn, rác thải sinh hoạt trên địa bàn; tuyên truyền đến tận thôn, xóm, khu dân cư và mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ngập lụt, thiên tai và phương án khắc phục ô nhiễm môi trường sau lụt, bão.

- Đối với nguồn nước là giếng đào: dùng ni lông dày, không thủng phủ kín miệng giếng và buộc chặt bằng dây cao su.

- Đối với nguồn nước là giếng khoan: dùng ni lông dày, không thủng bịt kín vòi và cần giếng khoan bằng dây cao su.

- Đối với nhà vệ sinh là nhà tiêu 2 ngăn: lấy hết phân, đào hố sâu cách xa nguồn nước uống ít nhất 10m, ủ với vôi bột hoặc tro bếp sau đó lấp đất kỹ, trong hố tiêu cho vôi bột hoặc tro bếp vào trước khi đậy nắp.

- Đối với nhà vệ sinh là nhà tiêu tự hoại hoặc thấm dội nước: Chuẩn bị nút đậy chặt lỗ hố tiêu.

- Chuồng gia súc: thu gom phân cho vào hố cách xa nguồn nước sinh hoạt ít nhất 10m, sau đó rải vôi bột hoặc tro bếp phủ toàn bộ bề mặt rồi lấp đất kỹ.

2. Xử lý môi trường trong khi bị ngập lụt

- Ngay trong khi nước đang dâng cao, nếu điều kiện cho phép, các hộ gia đình cần tiến hành thu gom, vớt các loại rác,… đặc biệt là cần vớt hết xác chết của các loại động vật đem đi chôn vào những nơi cao ráo không ngập nước, để hạn chế việc lây lan và phát tán nguồn dịch bệnh.

- Khi đang ngập úng rác thải từ các hộ gia đình, nơi tập trung đông người phải được phân loại thành 2 loại: rác thải hữu cơ dễ phân hủy và rác thải vô cơ; rác thải hữu cơ dễ phân hủy phải được lưu giữ tạm thời trong các thùng có nắp đậy kin, túi nilon được buộc kín đảm bảo không để phát tán mùi, nước rỉ ra ngoài; rác thải vô cơ phải được lưu giữ trong thùng, bao đựng kín tránh phát tán chất thải ra môi trường. Khi nước rút sẽ được thu gom, vận chuyển xử lý theo quy định.

- Khi nước bắt đầu rút, nước rút đến đâu thì tiến hành thu gom các loại rác thải và tiến hành vệ sinh môi trường ngay đến đó, để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và đảm bảo vệ sinh môi trường.

3. Công tác khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường sau ngập lụt

Theo phương châm nước rút đến đâu huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó, kịp thời, nhanh chóng:

 3.1. Làm vệ sinh nhà cửa, thu gom rác thải

- Nước rút đến đâu, tiến hành gạt hết bùn đất trên sân, trên nền nhà, dùng nước xối rửa nền nhà, sân trước, sân sau.

- Thu gom rác thải sinh hoạt, cành lá cây gãy,… và xử lý đúng quy định; vệ sinh cống rãnh, khơi thông hệ thống thoát nước tránh ngập úng; rửa sạch bùn đất bám trên nền nhà, sân vườn và đồ đạc trong nhà; khử trùng nhà cửa bằng dung dịch khử khuẩn để phòng ngừa dịch bệnh,...

- Làm sạch và khử trùng nước giếng, nước ăn uống theo hướng dẫn dưới đây.

- Khẩn trương làm xong các công việc vệ sinh trong nhà, trong sân và tích cực tham gia làm vệ sinh với cộng đồng thôn xóm.

3.2. Xử lý xác động vật chết:

Đây là việc làm cần thiết được tiến hành đầu tiên để tránh sự tích tụ và phát triển của loài vi sinh vật gây bệnh. Xác chết của súc vật thường nằm rải rác ở nhiều nơi trong các hộ gia đình, nên cần được quy tập về một chỗ và tiến hành xử lý chung trong phạm vi từng thôn, được sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Động vật chết được xử lý bằng cách đào hố chôn lấp. Quy trình và quy cách hố chôn lấp súc vật chết cần đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường với các tiêu chí như sau:

- Khảo sát, ước lượng số lượng xác động vật chết cần xử lý.

- Lựa chọn vị trí chôn lấp xác động vật chết cách xa các nguồn nước (giếng, ao, hồ, sông…) ít nhất 50m, cách xa khu dân cư ít nhất 100m, không bị ngập úng.

- Kích thước hố chôn tùy thuộc vào số lượng động vật chết quy tập được. Tuy nhiên, chiều sâu của hố ít nhất cũng đạt 1,5m, lớp đất phủ lên trên xác súc vật phía trên cũng ít nhất 60 cm.

- Đất ở đáy hố và thành hố phải được nén chặt. Dùng vôi sát trùng vãi đều một lớp ở đáy hố dày ít nhất 5cm. Vôi còn được rắc đều lên các thành hố.

- Dùng các vật liệu chống thấm (các tấm ni lông dày) lót xuống đáy ở xung quanh thành hố. Lót kín toàn bộ đáy hố, các thành chung quanh hố và trên bề mặt hố chôn lấp.

- Xác các động vật chết cho vào trong bao. Sau đó rạch thủng các bao. Xếp các bao thành từng lớp. Cứ mỗi lớp xếp xong lại rắc vôi bột lên, sau đó mới xếp lớp bao khác lên trên.

- Dùng các ống tre hoặc ống nứa được đục thủng các mắt đường kính 0,6 cm cắm xuống hố chôn để làm ống thông hơi. Số lượng ống ở mỗi hố trung bình là 1 ống cho 1 m2 bề mặt hố. Chiều dài mỗi ống ít nhất là 1m.

- Sau khi xếp xong các lớp bao xác súc vật, phủ một lớp bao ni lông lên trên bề mặt rồi lấp đất lên trên. Chiều dày lớp đất này là từ 60 cm trở nên. Đất đắp trên mặt hố phải cao hơn bề mặt đất xung quanh, ít nhất là 20 cm để cho nước mưa thoát đi mà không đọng lại trên bề mặt hố.

- Hằng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác động vật chết xem có bị động vật khác hoặc chuột bọ đào bới hay không, nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp kín lại ngay.

- Sau khi chuyển xác động vật chết đi chôn lấp phải thực hiện biện pháp phun thuốc khử trùng hoặc rắc vôi bột lên chỗ tập kết, nơi có xác động vật chết.

- Việc chôn lấp xác súc vật chết không nên để cho từng hộ gia đình làm riêng, mà nên thực hiện tập trung thành từng thôn, xóm, hoặc từng cụm dân cư.

3.3. Thu gom xử lý rác

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn; UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tuyên tuyền nhân dân thực hiện dọn dẹp rác thải, vệ sinh môi trường xung quanh nhà cửa; tham gia dọn dẹp vệ sinh chung khu phố, xóm làng; phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Khi nước bắt đầu rút cần chỉ đạo tổ chức ngay việc thu gom, vận chuyển rác thải từ các hộ gia đình, từ các đường làng ngõ xóm, từ các nơi công cộng như trường học, chợ,... đến nơi quy định của địa phương, đảm bảo không để tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường; Kiểm tra ngay các điểm tập kết, bãi chôn lấp rác thải và có biện pháp che chắn, thực hiện rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng và chế phẩm vi sinh khử mùi giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Nước rút đến đâu tổ chức tiến hành khơi thông cống rãnh, mương thoát nước trên địa bàn đến đó. Huy động các hội, ban, đoàn thể và nhân dân tiến hành thu dọn các cành cây, cây đổ, lá cây, đất đá trên các cống rãnh, kênh mương thoát nước. Huy động các dụng cụ trong nhân dân như cào, cuốc, thuổng, xẻng... để nạo vét bùn cát và khơi thông dòng chảy cho kênh mương, cống rãnh thoát nước. Những đoạn kênh mương thoát nước, cống rãnh bị hỏng thì tiến hành đào đắp gia cố lại bằng đất đá tại chỗ để đáp ứng việc thoát nước trước mắt. Sau khi có thời gian và điều kiện tiến hành sửa chữa hoàn chỉnh.

Xem văn bản tại đây 2445.pdf


LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
32 người đang online