27/04/2018 | lượt xem: 2 Từ khoán 10 đến dồn thửa đổi ruộng, tích tụ ruộng đất Với quyết tâm đổi mới để phát triển kinh tế, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu, sinh thời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khẳng định: "Không có con đường nào khác là phải kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế, phát huy vai trò của khoa học kỹ thuật, mở rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế". Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5.4.1988 (hay còn gọi là Khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp là “cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp. Theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5.4.1988 hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài. Điều này đã thổi luồng gió mới làm cho năng suất lao động, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không ngừng gia tăng. Nhờ đó, từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện Khoán 10) sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo. Khoán 10 cũng là tiền đề để quy định về giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho nông dân được cụ thể hóa tại Luật Đất đai năm 1993. Thu hoạch lúa bằng máy ở huyện Ân Thi Được giao ruộng đất lâu dài để canh tác, người nông dân như được tiếp thêm động lực trong lao động, năng suất, chất lượng nông sản không ngừng tăng lên. “Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, những thửa ruộng bốn mùa xanh lá, tốt bông. Người nông dân từ chỗ chỉ mong được “ăn no, mặc ấm” đã có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao. Sau hơn 10 năm thực hiện Khoán 10, sản xuất nông nghiệp trong cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng đã đạt những thành tích vượt trội, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Tuy nhiên, do ruộng đất manh mún khiến việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là đưa máy móc vào sản xuất gặp khó khăn. Kết quả giao ruộng theo Luật Đất đai năm 1993 trên địa bàn tỉnh cho bình quân mỗi hộ nông dân có trên dưới 10 thửa ruộng. Điều này không chỉ gây lãng phí diện tích đất để làm bờ vùng, bờ thửa mà còn khiến việc canh tác kém hiệu quả. Từ thực tế đó đặt ra yêu cầu phải thực hiện dồn thửa đổi ruộng. Ngày 6.6.2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 16 - CT/TU về việc tiếp tục thực hiện dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp trong toàn tỉnh. Nhờ đó, số thửa/hộ đã giảm mạnh xuống bình quân chỉ còn khoảng 4 thửa/hộ. Và đến năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về việc tiếp tục dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 – 2015. Sau khi thực hiện dồn thửa, đổi ruộng trong giai đoạn 2013 – 2015, tại nhiều địa phương, số thửa đã giảm xuống chỉ còn 1 – 2 thửa/hộ. Giảm số thửa cùng với diện tích mỗi thửa tăng lên đã tạo động lực để nông dân mạnh dạn đầu tư vào canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hàng nghìn trang trại, gia trại đã hình thành, đem lại thu nhập tăng gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với trước. Ông Nguyễn Văn Đắn, thôn Ngọc Châu, xã Quang Vinh (Ân Thi) cho biết: “Khi được giao ruộng đất lâu dài để canh tác, nông dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Lúc đó, canh tác chủ yếu bằng lao động thủ công với “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, ruộng đất nhỏ, manh mún ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả sản xuất. Sau này, nhiều loại máy móc được sử dụng trong sản xuất và đặc biệt là nhu cầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đòi hỏi phải có thửa ruộng lớn để tập trung nguồn lực đầu tư. Do vậy, chủ trương dồn thửa, đổi ruộng của tỉnh đã mở ra hướng phát triển mới cho nông dân chúng tôi. Hiện tại, gia đình tôi chỉ còn lại 2 thửa ruộng canh tác nên đã nâng cao hiệu quả đầu tư, đem lại thu nhập cao”. Sản xuất nông nghiệp từ chỗ “tự cung tự cấp” đã chuyển sang sản xuất hàng hóa càng đòi hỏi công tác dồn thửa, đổi ruộng, tích tụ ruộng đất phải được đẩy mạnh. Một số mô hình tích tụ ruộng đất đã được hình thành nhưng còn nhỏ lẻ, tự phát nên chưa phát huy được hiệu quả trong sản xuất và tính bền vững của mô hình. Ngày 22.1.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 142/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn giai đoạn 2017 – 2020. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, toàn tỉnh có 5 nghìn ha được tích tụ ruộng đất với quy mô 5 ha/mô hình. Đề án đã tạo hành lang pháp lý, cơ sở để nông dân mạnh dạn góp ruộng, góp vốn hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có chất lượng và hiệu quả. Sản phẩm nông nghiệp từ các mô hình tích tụ ruộng đất sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra thị trường xuất khẩu. 30 năm qua, Khoán 10 được ban hành nhưng những quan điểm đổi mới căn bản trong quản lý kinh tế nông nghiệp do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng vẫn được kế thừa và phát triển. Kể từ khi được trao quyền sử dụng đất nông nghiệp lâu dài, ổn định, người nông dân đã không ngừng lao động, sáng tạo đã tạo thêm nhiều của cải, vật chất cho xã hội, làm nên những mùa vàng ấm no, hạnh phúc. nguồn: baohungyen.vn
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng kiểm tra việc chuyển đổi cây trồng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Phù Cừ