12/06/2017 | lượt xem: 6 Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải Theo bạn đọc phản ánh, trong thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần sớm tìm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm, đồng thời xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, nhà máy xả thải. Hệ thống sông Bắc Hưng Hải (BHH) được xây dựng từ năm 1958, có tổng chiều dài hệ thống sông chính khoảng 232 km và hơn 2.000 km kênh nhánh các loại, chủ yếu ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Nguồn nước cấp cho hệ thống BHH lấy từ sông Hồng qua cống Xuân Quan, thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 110 nghìn ha đất canh tác lúa, hoa màu, cây công nghiệp; cung cấp nước cho chăn nuôi, thủy sản và nước sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực. Hệ thống sông BHH thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên có sông chính và các phụ lưu với tổng chiều dài hơn 100 km, cung cấp nước cho khoảng 50.000 ha đất canh tác và đầm hồ nuôi trồng thủy sản. Hệ thống BHH được xây dựng với mục đích chính là cung cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; nhưng trong quá trình phát triển đô thị hóa và công nghiệp hóa, hiện nay hệ thống sông BHH phải đảm nhận thêm chức năng tiếp nhận nước thải dân sinh, nước thải từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các bệnh viện, làng nghề, cơ sở chăn nuôi, thậm chí cả rác thải… với lưu lượng ngày càng lớn. Ở tỉnh Hưng Yên, tổng lượng nước thải phát sinh trên địa bàn đang xả thải vào môi trường khoảng 134.401 m3/ngày đêm, chủ yếu xả thải vào sông BHH và các sông nhánh; trong đó, nước thải của các khu, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chiếm 28%; nước thải của các cơ sở y tế chiếm 2%; nước thải của khu dân cư, các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ, cơ sở chăn nuôi chiếm 70%. Phần lớn lượng nước thải chưa qua xử lý hoặc có qua xử lý cũng chưa đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, tại đầu nguồn sông BHH phải tiếp nhận lượng nước bị ô nhiễm có nguồn gốc từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội) qua cống Xuân Thụy. Ðây cũng là nguyên nhân làm nguồn nước sông BHH ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Nước sông Cầu Bây mầu đen, sủi bọt trắng thường xuyên xả vào sông BHH, với tần suất ngày một tăng lên; mỗi tuần từ hai đến ba lần, mỗi lần kéo dài một đến hai ngày. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên Trần Ðăng Anh cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng nêu trên do hệ thống sông BHH phải tiếp nhận nhiều nguồn nước thải với lưu lượng ngày càng lớn, dẫn đến quá tải; nhất là nước thải chưa được xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Hệ thống sông BHH thường xuyên đóng để trữ nước nên tình trạng nước ứ đọng, không lưu thông, chủ yếu vào mùa khô cũng góp phần gây ô nhiễm. Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được nghiêm, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố trong việc quản lý, xử lý nguồn nước xả thải gây ô nhiễm… Trước tình trạng này, tỉnh Hưng Yên đã đưa ra giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên hệ thống sông BHH như quy định các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt giá trị giới hạn quy định tại cột A (đạt chuẩn A) của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình. Lắp đặt hệ thống nhận dữ liệu quan trắc tự động, thiết bị giám sát lấy mẫu tự động nước thải sau xử lý của các đơn vị có lưu lượng nước thải, khí thải lớn, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường, xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả chưa cao; nhất là việc ngăn chặn nguồn nước ô nhiễm từ sông Cầu Bây chảy vào hệ thống sông BHH. Do vậy, để giải quyết khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường nước sông BHH cần có sự vào cuộc và phối hợp của các bộ, ngành, địa phương cải tạo, nâng cấp toàn hệ thống sông BHH, bảo đảm sông BHH ngoài chức năng tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay có thêm chức năng tiêu thoát nước thải cho công nghiệp, dân sinh trong tình hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của khu vực phát triển nhanh. Xây dựng mạng lưới quan trắc tự động đánh giá chất lượng nước tưới tiêu trên hệ thống sông BHH gửi kết quả cho các tỉnh, thành phố có hệ thống sông BHH để cảnh báo người dân, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan có biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng. Kiểm tra, đánh giá và xác định nguyên nhân làm nước sông Cầu Bây bị ô nhiễm; tăng cường thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhất là các cơ sở có phát sinh nước thải lớn xả thải vào hệ thống sông Cầu Bây. Sớm đầu tư, xây dựng đưa vào vận hành những công trình xử lý nước thải đô thị trên địa bàn quận Long Biên theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về việc phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2020. Các cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin về thực trạng các nguồn xả nước thải vào sông và chất lượng nước sông, các biện pháp đã và đang thực hiện nhằm khắc phục tình trạng nước sông bị ô nhiễm… "Hệ thống sông Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có chín dòng sông, kênh (chiếm 25% tổng số sông, kênh điều tra, khảo sát trên địa bàn tỉnh Hưng Yên) bị ô nhiễm rất nghiêm trọng; 12 dòng sông, kênh ô nhiễm nghiêm trọng; 15 dòng sông, kênh ô nhiễm trung bình. Năm 2015 và 2016, khi lấy 165 mẫu nước mặt, phân tích 19 chỉ tiêu về môi trường, kết quả cho thấy 100% mẫu nước mặt có chỉ tiêu phân tích vượt quy chuẩn kỹ thuật; trong đó, có nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ vài lần đến hàng chục lần...". (Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên) "Nguồn nước sông Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do một số nhà máy trên địa bàn xả thải. Ðề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...". VŨ THỊ TÌNH (Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) Theo: nhandan.com.vn
Hướng dẫn thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường khi có mưa to gây ngập lụt trên địa bàn tỉnh
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kiểm tra thực tế tình hình ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải
Hỗ trợ người dân xây hố (bể chứa) để xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình: Mô hình hay của huyện Phù Cừ
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
Hội nghị sơ kết Chương trình phối hợp tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020