13/03/2017 | lượt xem: 9 Cần nhìn xa trông rộng để môi trường thực sự là trụ cột của phát triển bền vững Đó là phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại Hội thảo Quốc tế lần thứ 3 về ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường với chủ đề: “Ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý” diễn ra tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định sáng 8/3. Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo Hội thảo do Hội Hoá học và Độc học môi trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trường Đại học Loyola Chicago (Hoa Kỳ) và Trường Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức. Tham dự Hội thảo có Giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cùng lãnh đạo các đơn vị của Bộ TN&MT, tỉnh Bình Định cùng 250 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ 35 quốc gia trên thế giới. Hội nghị này là diễn đàn thuận lợi để các nhà khoa học trình bày kết quả nghiên cứu khoa học, thảo luận về các vấn đề môi trường hiện tại và chia sẻ kinh nghiệm quản lý môi trường nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa các nước phát triển và đang phát triển. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho các nhà quản lý môi trường, nhà nghiên cứu và sinh viên nâng cao nhận thức và định hướng cho công tác quản lý môi trường cho tương lai. Giáo sư Trần Thanh Vân (bên phải) hướng dẫn Bộ trưởng tham quan Trung tâm Quốc tế khoa học và liên ngành tại TP Quy Nhơn tỉnh Bình Định do Hội khoa học Gặp Gỡ Việt Nam xây dựng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã khái quát những thách thức to lớn mà con người đang phải đối mặt nhất là từ những năm 1970 trở lại đây. Đó là: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu - những hậu quả do quá trình phát triển của chính con người gây ra. Bộ trưởng cũng thông tin đến các nhà khoa học quốc tế về việc hiện nay, Chính phủ Việt Nam có quyết tâm cao trong việc phục hồi các khu vực bị ô nhiễm; phát triển kinh tế mà không gây ô nhiễm môi trường. “Chúng tôi có mong muốn đạt đến sự phát triển một cách bền vững…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bên cạnh những thách thức trong khắc phục hậu quả về môi trường do chiến tranh để lại, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường. Báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường hàng năm cho biết, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam diễn ra ở môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí. Trong thập niên vừa qua, nhiều sự cố môi trường, có những sự cố môi trường nghiêm trọng đã xảy ra. GS Trần Thanh Vân phát biểu tại Hội thảo Bộ trưởng cho biết, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường diễn ra ở Việt Nam chủ yếu do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước chúng tôi đã và đang được thúc đẩy với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao. “Trong một chừng mực nào đó, có thể nói có nhiều nơi, nhiều lúc việc bảo vệ môi trường đã bị xem nhẹ, những nguyên tắc để đảm bảo phát triển bền vững đã không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay. Ngoài ra, cũng có thể kể đến một nguyên nhân nữa, tuy không phải là nguyên nhân chủ yếu, đó là các loại ô nhiễm xuyên biên giới đã tác động và có nguy cơ tác động ngày càng nhiều hơn đến môi trường sinh thái của Việt Nam. Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý môi trường còn nhiều hạn chế. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân thứ nhất dẫn đến hạn chế này là hệ thống văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, thiếu khả thi, thiếu khả năng dự báo. Nguyên nhân thứ hai là nguồn lực về con người, tài chính và cơ chế tổ chức chưa được sắp xếp tối ưu; sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ; năng lực thể chế và kỹ thuật để ứng phó với sự cố môi trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. “Chắc chắn rằng, năng lực quản lý, ứng phó, thích nghi với môi trường cần phải được củng cố, tăng cường mạnh mẽ hơn nữa, cho cả các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị khoa học kỹ thuật, để có thể đáp ứng với những điều kiện môi trường mới, nhiều biến động như hiện nay” - Bộ trưởng nhấn mạnh. Cần có chiến lược nhìn xa trông rộng Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhanh hơn dự báo, tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của đất nước. Biến đổi khí hậu cũng đã tác động đến môi trường nhiều năm qua và ngày càng rõ nét hơn, thể hiện qua các hiện tượng thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan, hạn hán khắc nghiệt, và đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với Việt Nam. Trong tương lai, biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp hơn, trên nhiều lĩnh vực, như ô nhiễm lưu vực sông, ô nhiễm biển, ô nhiễm không khí… Biến đổi khí hậu khiến nhân loại đặt ra vấn đề chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đưa ra cách thức tiếp cận mới về tăng trưởng kinh tế, quản lý tài nguyên nhiên nhiên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy an sinh xã hội. Điều đó đặt ra yêu cầu cho Việt Nam là cần sớm nắm bắt xu thế và có những bước đi phù hợp để thích ứng với biến đối khí. “Với hiện trạng công nghệ sản xuất còn lạc hậu ở Việt Nam hiện nay, việc đổi mới công nghệ để hướng tới một nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ, nếu không có sự trợ giúp về khoa học, vốn và công nghệ của các nước phát triển có công nghệ cao trên thế giới. Những thách thức về môi trường ấy đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược nhìn xa trông rộng để môi trường thực sự là trụ cột trong phát triển bền vững…” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. Rất cần có sự hỗ của các nhà khoa học trong và ngoài nước Để đối mặt và giải quyết các thách thức to lớn về môi trường như vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam đã đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Bên cạnh các chủ trương của Đảng nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Chỉ thị của Thủ tướng đã đề cập đến rất nhiều thách thức và các hoạt động cụ thể để tập trung giải quyết một số vấn đề môi trường bức xúc trước mắt; đồng thời định hướng cho việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lâu dài... Nhấn mạnh đến công tác bảo vệ môi trường là vấn đề chung toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực của các quốc gia, khu vực và toàn thế giới, Bộ trưởng khẳng định Bộ TN&MT trân trọng sự phối hợp, hỗ trợ của các nhà khoa học trong và ngoài nước. “Để thực hiện thành công các chủ trương, chính sách quan trọng nói trên, chúng tôi rất cần có sự hỗ trợ hiệu quả của các nhà khoa học trong và ngoài nước để đưa ra được những biện pháp có tính đột phá, tiếp cận với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Tại hội thảo, các nhà khoa học hàng đầu Thế giới về môi trường đã đem những kiến thức và công trình nghiên cứu được chia sẻ với các nhà khoa học trong nước nhằm góp phần đưa ra những giải pháp tốt nhất trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong tương lai. monre.gov.vn
Hướng dẫn thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường khi có mưa to gây ngập lụt trên địa bàn tỉnh
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kiểm tra thực tế tình hình ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải
Hỗ trợ người dân xây hố (bể chứa) để xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình: Mô hình hay của huyện Phù Cừ
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
Hội nghị sơ kết Chương trình phối hợp tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020